Năm 2017, cảnh sát Nhật Bản ghi nhận số lượng các vụ phạm tội giảm xuống mức thấp kỷ lục, khoảng 915.000 vụ, chủ yếu là các vụ lừa đảo qua mạng. Đất nước mặt trời mọc vẫn luôn tự hào là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới, song vẫn còn những vụ án khủng khiếp.
Lý do giết người vì 'Nỗi sợ tương lai'
Tháng 11/2017, dư luận Nhật Bản được phen bàng hoàng khi một phụ nữ ở tỉnh Osaka thú nhận đã chôn 4 con đẻ trong xô bê tông. Hung thủ được xác định là bà Mayumi Saito, 53 tuổi.
Trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 1997, bà Saito đã giấu xác chết của các con trong căn hộ. Người mẹ thú nhận rằng áp lực tài chính khiến bà buộc phải giết hại các con.
Cảnh sát khám xét hiện trường vụ án Mayumi Saito
giết hại 4 con đẻ. Ảnh: AP. |
Cảnh sát đã lục soát căn hộ và tìm thấy 4 xô nén chặt bê tông cất trong một cái tủ. Hình ảnh quét bằng sóng radar cho thấy mỗi chiếc xô này chứa thứ có thể là phần còn lại của thi thể một đứa trẻ, theo báo Asahi Shimbun.
Trước đó, tháng 5/2006, cảnh sát Nhật Bản phát hiện thi thể 5 đứa trẻ gồm Rikako, Minehiro Yamauchi , Toshihide và 2 trẻ sơ sinh khác trong một căn hộ ở thành phố Hiratsuka, tỉnh Kanagawa. Qua quá trình điều tra, hung thủ được xác định là người mẹ Chizuko Okamoto, 54 tuổi. Nơi xảy ra vụ án được gán mác “ngôi nhà của những nỗi kinh hoàng”.
Theo báo cáo của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản vào năm 2014, hơn 1/3 số vụ giết người xảy ra ở quốc gia này có liên quan đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Các hung thủ thường viện lý do “nỗi sợ tương lai”, khi không đủ khả năng về kinh tế để chăm sóc con cái hay cha mẹ lớn tuổi.
Japan Times cho rằng cha mẹ là nạn nhân chủ yếu. Theo các nhà chức trách, điều này minh chứng một thực tế đau lòng rằng các hung thủ không sẵn sàng, cũng như không đủ khả năng chăm sóc người lớn tuổi.
Một cụ bà tâm sự với nhân viên điều dưỡng tại viện dưỡng lão ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg. |
Các vụ giết người trong gia đình chiếm tỷ lệ phần lớn
Những vụ án như con giết cha, mẹ giết con… được Japan Times dự báo là có xu hướng ngày càng gia tăng phức tạp trong thời gian tới. Tờ này đưa ra lý do rằng người dân Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc điều dưỡng, hỗ trợ người già.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản tiết lộ trong số 272 trường hợp bị cáo buộc điều tra, 168 trường hợp là giết người, 74 trường hợp cố ý giết người và 30 trường hợp tấn công dẫn đến tử vong.
Tổng số 33% nạn nhân là cha mẹ, 27% là vợ hoặc chồng và 25% là trẻ em. Họ đều có mối quan hệ ruột thịt với hung thủ.
Các cuộc điều tra cho thấy có nhiều động cơ giết người, trong đó 33% hung thủ thừa nhận họ “lo sợ cho tương lai”, mệt mỏi khi phải chăm sóc con cái, cha mẹ và gặp rắc rối về tài chính. 22% tội phạm khẳng định gặp vấn đề trong mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình, 21% trường hợp có vấn đề về tâm thần.
Bà Fumiko Makino, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Tokyo, phân tích hung thủ tấn công cha mẹ, con cái thường có bản chất "tốt bụng, chăm chỉ làm việc" song lại thường cảm thấy cô đơn, tách biệt với xã hội. Vị chuyên gia chia sẻ tội phạm gia đình có thể leo thang, khi các quy định về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng khắt khe, cản trở cuộc sống của người dân.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết 33% nạn nhân của những vụ giết người trong gia đình là Nhật Bản, lý do chủ yếu được đưa ra là nỗi lo cho tương lai. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Năm 2016, tổng số vụ án giết người và cố ý giết người ở Nhật Bản giảm còn một nửa từ 1.979 vụ xuống còn 770 vụ, tuy nhiên các vụ giết người trong gia đình chiếm tỷ lệ phần lớn. Một cảnh sát phân tích: “Không giống như tội phạm đường phố, tội phạm trong gia đình rất khó ngăn chặn”.
Một ủy ban của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đang nghiên cứu xem xét hệ thống cung cấp phúc lợi cho các nạn nhân, bao gồm hỗ trợ tài chính cho nạn nhân cũng như người thân của họ. Song, tội phạm gia đình sẽ không được hưởng những lợi ích này. Tuy nhiên, ủy ban đang nghiên cứu sửa đổi các quy định, để quyết định linh hoạt hơn trong từng trường hợp cụ thể.