Ngày 5/8, TS.BS Phan Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Chấn Thương TP HCM cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công một ca tai nạn lao động bị đứt lìa cổ tay trái.
Trước đó, vào trung tuần tháng 7, anh Kỳ (37 tuổi, ở TP HCM) nhập viện cấp cứu trong tình trạng mất máu, đứt lìa cổ tay. Ngay sau đó, bệnh nhân được sơ cứu, và chuyển đến bệnh viện cùng với cánh tay đứt lìa được bảo quản trong thùng đá.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng đưa vào phòng mổ truyền máu, chống sốc cho bệnh nhân.
Phim chụp X-quang cánh tay bị đứt lìa của anh Kỳ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Khi sức khỏe của anh Kỳ ổn định các bác sĩ tiến hành cắt lọc da, gân-cơ, thần kinh, mạch máu bị dập nát, kết hợp xương, nối động mạch, tĩnh mạch dưới kính hiển vi để cứu sống bàn tay, ngón tay, nối thần kinh, gân gấp – gân duỗi các ngón tay.
Sau 2 tuần phẫu thuật bàn tay và các ngón tay, bệnh nhân không có dấu hiệu nhiễm trùng vết thương.
Bệnh nhân cho biết, nguyên nhân tai nạn là do anh vô ý xoay người khi máy cưa gỗ đang hoạt động, khiến cánh tay trái vướng vào làm đứt lìa.
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp tai nạn hy hữu và phức tạp. Vì tổn thương do máy cưa chém phải thường bầm dập, rất khó khâu nối mạch máu, nguy cơ nhiễm trùng cao. Nếu không khống chế được nhiễm trùng, phải tháo bỏ phần đứt lìa để tránh nhiễm trùng máu ảnh hưởng đến toàn thân.
Các bác sĩ phẫu thuật, nối cánh tay cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
|
Sau phẫu thuật, tay của anh Kỳ đã dần hồi phục. Để tránh di chứng, bệnh nhân cần phải tập vật lý trị liệu để cánh tay hoạt động bình thường trở lại.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi gặp phải tai nạn tương tự, người bệnh phải bình tĩnh băng ép phần đứt lìa, hoặc garo cánh tay để giảm thiểu tối đa mất máu, và tới nhanh tới cơ sở y tế gần nhất.
Để bàn tay bị đứt không bị hoại tử, bệnh nhân cần rửa sạch phần tay bị đứt lìa bằng nước muối, rồi cho vào túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại, đặt túi vào thùng đá lạnh, và chuyển tất cả theo nạn nhân. Thời gian vàng để khâu nối thành công là 6 tiếng kể từ khi xảy ra sự cố.