Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nơi thầy cô lái xe giỏi hơn tay đua

Tại đó, thầy cô không chỉ lo cho việc học, vào bếp nấu cơm cho học sinh mà còn có tay lái vững hơn cả những dân phượt chuyên nghiệp trên các cung đường nguy hiểm.

Nơi thầy cô lái xe giỏi hơn tay đua

Tại đó, thầy cô không chỉ lo cho việc học, vào bếp nấu cơm cho học sinh mà còn có tay lái vững hơn cả những dân phượt chuyên nghiệp trên các cung đường nguy hiểm.

Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), trong khi ở thành phố, các em học sinh, phụ huynh náo nức chuẩn bị những món quà ý nghĩa cho các thầy cô giáo thì tại vùng cao, những người gieo chữ lại là chủ nhân phát động các phong trào, để cho các em vui, để động viên tinh thần nhau.

Ở Mù Cang Chải - thiên đường của những ruộng bậc thang, nơi cái đẹp gắn liền với những bản làng heo hút và các lớp học cheo leo bên đỉnh núi, các thầy cô giáo đã vượt qua mọi gian khó để mang đến từng bài học về cộng trừ, từng bài hát, câu thơ... cho học trò của mình.

Bám trường, bám lớp, bám học sinh

Trường Tiểu học và THCS Mồ Dề cách thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) khoảng 5km đường núi, với 650 em học sinh trên 8 điểm trường. Ngoại trừ điểm trường chính đã được xây dựng theo dự án 135 thì 7 điểm trường còn lại đều trong tình trạng rất thiếu thốn. Trong hoàn cảnh ấy, các thầy cô giáo vẫn kiên nhẫn hàng ngày đến trường, lên lớp gieo cái chữ cho các em học sinh.

Lớp học đơn sơ.

Thầy Hà Trần Hồng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có hơn 40 giáo viên, trong số đó có nhiều giáo viên ở dưới xuôi lên giảng dạy, với môi trường làm việc còn nhiều khó khăn như ở các điểm trường vùng cao này, giữ được cho mình lòng yêu nghề, sự kiên nhẫn và tận tụy không phải là một điều dễ dàng.

Hầu hết các em học sinh ở đây khi mới đến trường đều chưa biết nói tiếng Việt, các em học tiếng Việt chẳng khác nào như học sinh học ngoại ngữ. “Các em nhỏ người dân tộc lại rất nhút nhát, trình độ nhận thức còn hạn chế. Việc dạy chữ cho các em đòi hỏi ở người giáo viên sự kiên trì, nhẫn nại, tâm huyết và cần nhất là sự lòng yêu trẻ” – cô Nguyễn Thu Hiền – hiệu phó trường Mồ Dề chia sẻ.

Có tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất các điểm trường cũng như vượt qua những con đường núi hiểm trở để lên được điểm trường mới thấy thật sự khâm phục các thầy cô giáo nơi đây.

Một bên là núi cao, một bên là vực sâu, những con dốc hiểm trở, những khúc cua hẹp, và những con đường đất lầy lội khi mùa mưa có thể làm nản lòng bất cứ ai. Thầy cô ở đây cũng kể vui rằng, nếu lúc nào đường dốc và lầy lội quá, họ sẽ mang theo một ổ khóa và xích để khóa xe lại bên gốc cây, tiếp tục cuốc bộ đến trường.

 
 Đường đến trường vào mùa mưa.

Nói vui là vậy, nhưng với những con đường dốc có khi tới 70 độ, chiều ngang chưa tới 0,5m, bên cạnh là vực thẳm, thì có lẽ không mấy ai đủ can đảm và lái vững như thầy cô nơi đây.

Bên cạnh những khó khăn về đi lại, về nhận thức còn hạn chế của  học sinh miền núi thì các thầy cô giáo nơi đây còn đối diện với vô vàn những khó khăn khác nảy sinh: thiếu giáo viên nên phải chạy sô giữa các điểm trường, thiếu dụng cụ dạy học, những buổi đến tận nhà học sinh để đưa đi học, những buổi chờ học sinh đến lớp đủ vì các em đi học xa… Nếu không tận tâm với nghề, chẳng thể nào vượt qua và đồng hành cũng những nỗi vất vả ấy.

Những giáo viên đa năng

Các thầy cô giáo vùng cao của Mồ Dề - Mù Cang Chải là những thầy cô đa năng: dạy học, chở đồ, nấu ăn cho học sinh… Dường như ai cũng kiêm thêm nhiều việc khác nhau với sự nhiệt tình hiếm có.

Điểm trường chính của Mồ Dề có 329 em học sinh ở bán trú, điểm trường lại ở cách xa chợ. Các thầy cô trong trường được phân công công việc chở đồ lên điểm trường chính. Đó là những nguyên liệu nấu ăn cho các bữa ăn trong ngày của mấy trăm em học sinh. Đường lên trường gập ghềnh hiểm trở, thế nhưng cứ đúng lịch trực, các thầy cô giáo nhận đồ đã mua và đưa lên điểm trường ngay sáng.

Thầy hiệu trưởng nấu cơm cho học sinh.

Nấu ăn cho hơn 300 em học sinh không phải là việc dễ dàng đối với một trường học vùng cao khi cơ sở vật chất và nhân lực còn thiếu. Và các thầy cô cũng tham gia luôn vào công việc của một đầu bếp. Tranh thủ các giờ ra chơi, các giờ trống,không ai bảo ai, mỗi người đều tranh thủ xuống bếp để chuẩn bị cho bữa ăn của các em. Người gọt củ, người nhặt rau, vo gạo, chuẩn bị nước…tất bật trong một căn bếp nhỏ.

Cô Đào Thị Tuyết, một giáo viên trẻ chia sẻ: "Vào bếp và tham gia nấu ăn đã trở thành thói quen của các thầy cô trong trường. Cũng vui lắm, những công việc này khiến mình bận rộn hơn nhưng cũng giúp tăng thêm tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các giáo viên. Tất cả là vì học sinh thôi"

Trần Thủy

Theo Infonet

Trần Thủy

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm