Nhạc Hàn, hay nói chính xác hơn là dòng nhạc thần tượng của xứ kim chi, đã trở thành món ăn tinh thần phổ biến đối với giới trẻ toàn châu Á, trong đó có Việt Nam. Cùng với làn sóng Hallyu, Kpop đã xuất xưởng được khá nhiều ca sĩ/nhóm nhạc idol ra ngoài biên giới Hàn Quốc trong hơn 10 năm qua.
Các chuyên gia văn hóa, nghệ thuật bàn luận nhiều về nguyên nhân tạo ra cơn sốt của Kpop. Hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, một nền showbiz giàu mạnh, và hình ảnh sạch đẹp của nghệ sĩ là những điểm chủ chốt làm nên sức hút cho các cô gái, chàng trai xinh đẹp xứ Hàn.
Thần tượng hút fan một phần nhờ tình cảm khăng khít giữa các thành viên. |
Tuy nhiên, nhắc tới sức mạnh của nhạc thần tượng không thể không đề cập đến sức mạnh của fan. Kpop có hẳn một nền văn hóa hâm mộ. Một nguyên tắc quan trọng khi bước chân lên sân khấu Kpop, đó là thần tượng sống được là nhờ fan. Để thu hút được nhiều khán giả - phần đông là thanh thiếu niên - các nhà kinh doanh âm nhạc đã rất khéo léo khi thêm vào một yếu tố giàu tính nhân văn và giáo dục trong các nhóm nhạc: tính gia đình.
Đại nhạc hội gia đình mang lại doanh thu lớn cho các công ty. |
Hình ảnh “chúng tôi là một gia đình” là câu chuyện dễ bắt gặp trong nhiều ban nhạc thần tượng. Từ câu khẩu hiệu, chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn... công ty quản lý đều lồng ghép để tạo ra ấn tượng về sự đoàn kết, yêu thương và là một thể thống nhất không thể chia cắt giữa các thành viên.
Xa hơn, khái niệm “gia đình” vốn dĩ rất trừu tượng được đẩy thành hình tượng chuyên nghiệp. Những công ty giải trí lớn thường tổ chức show diễn chung cho các nghệ sĩ trực thuộc, gọi là “concert gia đình”. Sự kiện thường được tổ chức rầm rộ, với những tên gọi cũng nặng tính tập thể như SMTown (công ty SM Entertainment), YG Family (YG Entertainment), JYP Nation (JYP Entertainment)...
Nhưng có phải bức tranh nào cũng lung linh?
DBSK và JYJ - ai là kẻ phản bội?
Năm 2009, ba thành viên Jaejoong, Junsu và Yoochun kiện bản hợp đồng “nô lệ” của công ty SM Entertainment. Vụ kiện dai dẳng đã tách nhóm nhạc đình đám DBSK làm hai. Jaejoong, Junsu và Yoochun về công ty khác, lập nên JYJ. Hai người Yunho và Changmin ở lại, tiếp tục hoạt động của DBSK.
Hình ảnh khó gặp lại. |
Trước khi rơi vào cảnh “tan đàn xẻ nghé”, DBSK đã có nhiều năm chia ngọt sẻ bùi. Fan đặc biệt tin vào tình cảm giữa 5 người, do nhóm trải qua thời gian trầy trật đi lên từ con số 0 ở thị trường Nhật Bản. Hình ảnh càng đẹp, sự tan vỡ càng lớn.
Fan hy vọng Yunho và Changmin ra đi cùng JYJ để bảo vệ nhóm nhạc, hoặc ít nhất, đứng chung án kiện để chống lại công ty. Nhưng hai người giữ im lặng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, Jaejoong tiết lộ anh cố gắng liên hệ với Yunho và Changmin nhưng “họ không đáp lời”. Sau đó vài ngày, Yunho trả lời phóng viên là không nhận được tin tức gì từ Jaejoong.
Nhóm JYJ dứt áo ra đi từ công ty đã đào tạo và lăng xê họ thành ngôi sao. |
Đứng trước sự lựa chọn về tương lai, 5 người đã chọn 2 ngả khác nhau. Tất nhiên, hình ảnh đẹp đẽ một thời của tình anh em trên sân khấu đã chẳng còn. Người ở lại mang danh “kẻ phản bội”, còn người rời đi mãi bị gọi là “kẻ tham lam”, “ăn cháo đá bát”, “thủ phạm phá hoại DBSK”.
Album đầu tiên của DBSK phiên bản 2 người có tên Keep Your Head Down. |
EXO - Chúng tôi là một
EXO là ban nhạc nam mới nhất do SM đào tạo, ra mắt năm 2012 và vụt biến thành sao lớn chỉ sau một năm. Ban đầu, nhóm gồm 12 người, với cơ chế hoạt động lúc chung (EXO) và lúc tách (nhóm nhỏ EXO-K và EXO-M). Khẩu hiệu giúp tạo ra ấn tượng về hình ảnh đoàn kết là We are one (Chúng tôi là một) dần trở nên quen thuộc.
Nhưng chỉ 2 năm sau, Kris - trưởng nhóm EXO-M - kiện công ty ra tòa với lý do bóc lột, tiền bạc thiếu rõ ràng. Anh biến mất và một thời gian sau xuất hiện trong một đoàn làm phim Trung Quốc. Hành động của Kris khiến 11 người còn lại ngơ ngác. Câu khẩu hiệu đầy ý nghĩa vang lên mỗi khi EXO chào khán giả bỗng trở thành sự mỉa mai trên môi.
Kris tóc vàng, áo đỏ caro hàng trên cùng. Đứng cạnh Kris là Tao (ngoài cùng, bên phải). |
Khi chia sẻ trên mạng xã hội, hay trả lời phỏng vấn, 11 thành viên EXO đều bóng gió hoặc thẳng thừng phê bình hành động của Kris. Suho chê Kris “thiếu trách nhiệm”, “không hiểu sao lại làm vậy”. Tao - người mà fan tưởng chơi thân nhất với Kris - gọi anh là “kẻ phản bội”. Toàn bộ thành viên EXO bỏ chế độ “theo dõi” trang cá nhân của Kris trên Instagram.
EXO tuyên bố khởi đầu mới với 11 người, dù vụ kiện chưa được giải quyết. Tất cả ngỡ ngàng trước phản ứng quyết liệt và gần như ngay tức thì từ EXO. Kris bỏ rơi đồng đội giữa cảnh nước sôi lửa bỏng, thì EXO cũng dứt khoát cắt đứt. Người nghe nhạc Kpop buộc phải đặt ra câu hỏi về mối quan hệ “anh em một nhà” mà SM đã hao công gây dựng cho gà cưng.
T.O.P (Big Bang) - Chúng tôi đâu phải gia đình
Năm 2012, Daesung (Big Bang) đã khẳng định: “Big Bang không phải là một ban nhạc gồm 5 người. Chúng tôi là một gia đình. Cuộc đời có lúc thăng lúc trầm, nhưng điều đầu tiên tôi nghĩ tới luôn là các thành viên trong nhóm”. Ra mắt năm 2006, và tới nay vẫn duy trì phong độ với đủ 5 thành viên ban đầu, Big Bang không hề xảy ra mâu thuẫn nặng nề trong nội bộ.
Các nghệ sĩ công ty YG vui vẻ trên sân khấu chung. |
Tuy nhiên, công ty quản lý YG còn tham vọng nhân rộng hình tượng tình thương mến thương ra toàn bộ công ty, bao gồm Big Bang, 2NE1, Epik High, Psy... Đại nhạc hội chung của họ có tên YG Family (Gia đình YG). Thậm chí, ông chủ của YG Yang Hyun Suk có biệt danh “bố Yang”.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2013, thành viên T.O.P của nhóm Big Bang nhận được câu hỏi: “Công ty YG có ý nghĩa gì đối với anh?”. T.O.P đã nửa đùa nửa thật đáp lời: “Trên tivi, chúng tôi là một gia đình. Nhưng thực ra thì, đó chỉ là nơi để làm việc mà thôi”. Cư dân mạng cho rằng, dù có vẻ đùa vui, biết đâu đây mới là suy nghĩ thật lòng nhất của T.O.P.
T.O.P gây sốc qua phát ngôn về "gia đình YG". |
“Các chị em gái” bắt nạt lẫn nhau
Số lượng thành viên trong một nhóm nhạc nữ Kpop thường là 4, 5 nhiều là 7, thậm chí 9. Giữ được hòa khí giữa các cô gái ở bên nhau gần như 24/7 không hề đơn giản, nhưng Kpop đã xây dựng khá tốt mối quan hệ chị em trong nhóm nhạc.
Bức tranh hoàn hảo chỉ sụp đổ khi vụ lùm xùm nội bộ của T-ara nổ ra hồi năm 2012. Hwayoung - người gia nhập nhóm sau - đột nhiên bị khai trừ. Công ty Core Contents Media cho biết quyết định lấy ý kiến từ 19 người thuộc ekip đi theo T-ara. Cư dân mạng đã phân tích nhiều khoảnh khắc trước ống kính máy quay, kết tội nhóm xa lánh, đối xử tệ bạc với Hwayoung. Dù Hwayoung ra đi trong im lặng và T-ara vẫn tiếp tục hoạt động cho tới nay, scandal bắt nạt đã trở thành một vết nhơ không thể xóa bỏ.
Những "bằng chứng" tố cáo T-ara cố ý đối xử tệ với Hwayoung ngay trước ống kinh. |
Chính truyền thông Hàn cũng phải đặt ra câu hỏi về thực trạng của các nhóm nhạc, đặc biệt là giữa các cô gái phía sau vẻ ngoài thân thiện. Một số bài báo nêu ra trường hợp cô A, cô B ở nhóm nhạc nổi tiếng cũng bị tẩy chay vì nổi trội hơn, nhưng không đề tên thật.
Không những thế, ca sĩ Kahi - lúc đó là trưởng nhóm After School - đã đổ thêm dầu vào lửa qua chia sẻ trên Twitter: “Dù sao thì, dường như đó cũng chẳng phải là chuyện chỉ xảy với người khác”. Mới đây, nhắc lại về dòng chia sẻ trên, Kahi khẳng định tình trạng cô lập, hắt hủi thành viên thực sự tồn tại giữa các mỹ nữ.
T-ara tỏ ra lạnh lùng khi Hwayoung chống nạng trên sân khấu (ảnh nhỏ, trên cùng, bên trái). |
Kang Tae Gyu - một nhà phê bình nhạc pop - nhận xét: “Vấn nạn bắt nạt trong nhóm nhạc thần tượng rất nghiêm trọng, vì đó là một vấn đề nhạy cảm mà công ty khó can thiệp. Nhà quản lý thường chỉ biết tình trạng bắt nạt đang xảy ra, nhưng không tường tận. Anh ta cũng sẽ không cố gắng giải quyết vì chính họ cũng không thể đưa ra nhận xét khách quan, công bằng”.
Khi thần tượng tố nhau
Mới đây, sự kiện ca sĩ Jessica bị loại khỏi nhóm SNSD một lần nữa làm sứt mẻ hình tượng “một nhà” trong Kpop. SNSD gồm 9 thành viên, ra mắt từ năm 2007 và hiện là nhóm nhạc nữ hàng đầu của Hàn Quốc.
Giữa SNSD và cộng đồng fan tồn tại một khái niệm đặc biệt: "Soshi bond" (sợi dây liên kết của SNSD). Khi các nhóm nhạc nữ thế hệ thứ 2 như KARA, Wonder Girls đều không còn nguyên vẹn, con số 9 thành viên gốc của SNSD trở thành niềm tự hào, và được xem là bí quyết duy trì thành công của các cô gái.
"Soshi bond" từng là biểu tượng, niềm tự hào của SNSD. |
Jessica ra đi, nhưng cô không ra đi trong hòa bình. Chỉ trong 2 ngày đầu tháng 10, Jessica đã tự khai hỏa cuộc chiến truyền thông. Cô kể về nỗi đau đớn, thất vọng khi bị 8 người mà mình tin tưởng yêu cầu rời nhóm sau khi cô lập công ty kinh doanh. Đối lập với lời Jessica là hàng loạt các bài báo ở Hàn Quốc, tiết lộ cô xao nhãng hoạt động của SNSD, dự định kết hôn, sang Mỹ du học. Đồng thời, fan nhìn thấy 8 thành viên SNSD bơ phờ ở sân bay, khóc nức nở trong fanmeeting.
Truyền thông đăng tải ảnh chụp gương mặt trĩu nặng của SNSD vào hôm SM công bố loại Jessica. |
Ảnh fan chụp khi 8 người SNSD xuống máy bay vài giờ sau đó. |
Một bộ phận không nhỏ người hâm mộ bắt đầu gọi SNSD là T-ara phiên bản 2. Họ bức xúc khi ảnh chụp rò rỉ cho thấy Hyoyeon cười tươi rói lúc xuống máy bay, dù trước đó vài giờ, họ trông rất nặng nề. Những giọt nước mắt của trưởng nhóm Taeyeon bị hoài nghi là giả tạo. Nếu lời Jessica là đúng, ít nhất có một sự thật là, các thành viên đã nhất trí loại một trong những “chị em gái” đã gắn bó nhiều năm, khi giữa họ nảy sinh mâu thuẫn về quyền lợi và đường hướng phát triển. Cư dân mạng chua chát nhận xét: “Trước khi là bạn bè thân, họ là đồng nghiệp”.
Jessica khiến tất cả choáng váng khi thẳng thừng chỉ trích SNSD. |
Thần tượng cũng là người
Shinhwa là một ví dụ góp phần làm tươi sáng bức tranh Kpop, cho những ai vẫn muốn tin vào tình bạn thực sự giữa các idol. Trưởng nhóm Eric từng tiết lộ bí quyết giữ gìn nhóm suốt 16 năm: “Có lúc chúng tôi nghĩ này nọ, và chiến tranh bùng nổ. Lắm lúc chúng tôi còn động tay động chân nữa. Nhưng một khi đã đánh nhau xong, chúng tôi cũng kết thúc vấn đề ở đó".
Shinhwa là nhóm nhạc thần tượng bền lâu nhất Kpop. |
Thần tượng cũng là người, họ cũng có cảm xúc yêu người này, ghét người kia. Hệ thống Kpop công nghiệp ngẫu nhiên đặt họ vào chung một nhóm. Thành viên là do công ty chọn, chứ không phải họ chọn lẫn nhau. Có lẽ khái niệm “gia đình”, “một nhà”, “bạn thân” không phải là không tồn tại ngay giữa showbiz khắc nghiệt. Nhưng hình ảnh hoàn hảo có phần miễn cưỡng mà các ông chủ xứ kim chi tạo dựng sớm muộn cũng bộc lộ nhược điểm. Trường hợp dám mạnh dạn công khai nội tình đấu đá như Jessica (SNSD) là chuyện hiếm trong Kpop, và càng hiếm hơn vì đây là nhóm nhạc hạng A. Vậy nên, khán giả thật khó hình dung hết những gì diễn ra sau tấm màn nhung.