Mạng xã hội là nơi cái gì cũng có thể xảy ra. Những câu chuyện tâm sự kiểu "bị người yêu bỏ vì quá thông minh", "chia tay mối tình chục năm do bạn trai trót dại" hay loạt tình huống kể xấu người cũ hiện không hiếm gặp mỗi khi "dạo chơi" trên các diễn đàn.
Những mối tình ồn ào của người nổi tiếng, nhân vật có tầm ảnh hưởng cũng bỗng dưng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi tại Facebook. Lúc nhân vật chính lên tiếng, nhiều lời xì xào lại tiếp tục "nóng" lên và "nguội" rất nhanh sau đó.
Nói xấu người cũ chỉ khiến bạn xấu đi trong mắt người khác. |
Nói xấu người cũ có gì vui?
"Nói xấu người yêu cũ", "chia tay đòi quà" dường như trở thành trào lưu trên mạng xã hội trong thời gian khá dài. Nhiều bạn trẻ khi yêu luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho nhau. Song đến lúc đường ai nấy đi", thái độ lại trái ngược hoàn toàn.
Chuyện một cô gái lên mạng kể người yêu cũ đòi tình phí thời còn mặn nồng, chàng trai đấu tố bạn gái ở bẩn, "đào mỏ"… giờ "nhiều như cơm bữa".
Vô số người đồng cảm nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng đó là việc không hay, thiếu suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Thậm chí, chính người trong cuộc cũng bị ảnh hưởng khá nhiều sau những lần "đấu tố" như vậy.
Tuy nhiên, chuyện "vạch áo cho người xem lưng" vẫn liên tiếp diễn ra và không có dấu hiệu thuyên giảm. Gần đây, người ta lại được dịp ồn ào chuyện một chàng ca sĩ nói xấu cô bạn gái hot girl nổi tiếng trên mặt báo.
Anh kể lể người cũ không đủ chín chắn, khá ham chơi và cho rằng mối tình đó là sự sai lầm của mình. Ngay lập tức, nhân vật nhận "gạch đá" từ phía dân mạng không ai khác chính là kẻ tự nhiên đi kể xấu người cũ.
"Anh không đáng mặt đàn ông", "đàn ông như vậy là không chín chắn"… là những bình luận mọi người dành cho chàng ca sĩ này.
Thực tế, nữ chính chỉ im lặng, không lên tiếng qua lại nên câu chuyện nhanh qua đi. Song nếu cô gái cũng nhiệt tình đáp trả thì mối tình này không khác gì trò hề cho thiên hạ.
Câu nói "Tình chỉ đẹp khi tình dang dở" bỗng dưng không còn đúng. Lẽ ra đôi trẻ có thể làm bạn, tôn trọng quá khứ từng tốt đẹp. Nhưng vì những lời lẽ không hay, họ thậm chí sẽ không còn đối mặt nhau được nữa.
Người yêu cũ có thể nói là "khái niệm" khá đẹp. Khi yêu nhau, tình cảm đó là chân thật, không giống thời điểm hiện tại. Vì vậy, những người trưởng thành luôn biết mỉm cười, im lặng bước qua tổn thương hậu chia tay và coi quá khứ như kỷ niệm đẹp.
Hãy suy nghĩ thật kỹ càng trước mỗi lời nói, quyết định công khai khi nó làm ảnh hưởng tới người khác, đặc biệt là những người từng có vị trí quan trọng trong lòng mình!
Chia sẻ trên Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM - đã đưa ra một số lời khuyên cho giới trẻ.
Thầy Hiếu cho rằng không nên quyết định "đường ai nấy đi" quá đột ngột, không xúc phạm nhau, không phủ sạch quá khứ và khiêu khích cơn ghen tức để tránh những hậu quả đáng tiếc như đăng đàn nói xấu, thậm chí làm hại nhau hậu chia tay.
Đừng góp phần lây lan virus nói xấu
Thói quen theo dõi tin tức trên mạng xã hội ngày càng ăn sâu vào giới trẻ. Bên cạnh tác động tích cực, không ít những ảnh hưởng tiêu cực đã được “mắt thấy tai nghe” mỗi ngày.
Bàn về chuyện like, share có ý thức không phải chủ đề mới. Tuy nhiên, nhiều dân mạng, đặc biệt là người trẻ, dường như vẫn chưa được định hướng đúng đắn về cách sử dụng mạng xã hội.
Tôn trọng quá khứ, bình yên sẽ đến với cả hai. |
Quay lại chuyện đăng đàn nói xấu người yêu cũ trên Facebook, chuyện hai người bỗng dưng thành chuyện thiên hạ. Những nút like, share dường như được bật chế độ tự động với vụ việc như vậy.
Điều này khiến mọi người phải đặt câu hỏi: Từ bao giờ, người dùng mạng dễ dãi trong việc quan tâm đến chuyện riêng tư của người khác đến thế?
Sự việc có lẽ không đến mức lan rộng nếu không có những bàn tán "thêm mắm thêm muối" của đám đông không liên quan.
Chia sẻ về cách sử dụng mạng xã hội, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em - cho hay nếu coi Facebook là nhà thì bất kể cái gì trong "ngôi nhà" đó đều phản ánh một phần con người bạn.
Thông tin đưa lên mạng phải cân nhắc thiệt hơn trên nhiều phương diện. Các bạn không nên đăng tin tùy tiện, làm ảnh hưởng đến chính mình và những người xung quanh.
Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra lời khuyên giới trẻ nên chọn lọc lúc đăng tải hay sử dụng thông tin trên mạng.
"Nếu biết cách, bạn sẽ chắt lọc thông tin hữu ích cho việc học tập, giao lưu bạn bè. Ngược lại, khi dùng tùy tiện, đôi khi hậu quả để lại rất lớn", thạc sĩ Lan Anh cảnh báo.
Nếu những nút like, share ấy dành cho hoạt động ý nghĩa, hành động tốt đẹp thì có lẽ mạng xã hội sẽ mang tới nhiều điều tích cực hơn là việc bàn tán chuyện không hay của người khác.