NÔNG DÂN MIỀN TÂY LÊNH ĐÊNH TRĂM KM MANG HOA RA CHỢ TẾT
Khi cái lạnh đến ngày một nhiều hơn và chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nguyên đán, những người nông dân trồng hoa ở miền Tây khăn gói vượt trăm km đường sông lên TP. HCM bán Tết.
Trăm ngày cho chuyến chợ xuân
Hơn trăm ngày là khoảng thời gian người trồng hoa kiểng ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) chăm chút cho vụ hoa bán Tết. Đây cũng là thời điểm chín muồi để họ xuất bán hoa kiểng.
Thông thường, mùa vụ của người trồng hoa kiểng Chợ Lách bắt đầu vào tháng 9 âm lịch. Các sản phẩm hoa kiểng rất đa dạng, mang nét đặc trưng miền Tây.
Những chuyến ghe cuối cùng của xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách đã đầy ắp hoa kiểng lên đường đi TP.HCM bán dịp Tết. |
Theo chân người dân quê Chợ Lách, tôi tìm đến xã Vĩnh Hòa vào những ngày cận Tết. Hôm tôi có mặt cũng là ngày cuối cùng người dân chuyển toàn bộ số hoa kiểng trồng được lên những chiếc ghe to hàng chục tấn để đi TP.HCM bán.
Vĩnh Hòa là một trong số ít xã có hàng trăm hộ dân trồng và buôn bán hoa kiểng, số lượng sản phẩm lớn nhất nhì huyện Chợ Lách. Chợ Lách cùng với thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) thường được gọi là "thủ phủ" hoa kiểng miền Tây.
Người trồng hoa kiểng xã Vĩnh Hòa chuyển hàng lên ghe. |
Với việc giao thông bộ kết nối miền Tây và TP.HCM đã dần hoàn thiện, nhiều người không nghĩ việc vận chuyển sản phẩm hàng hóa nói chung, hoa kiểng nói riêng lại dùng những chiếc ghe to đùng.
Thật ra, những chiếc ghe chở hàng hóa này rất quen thuộc trong ký ức của người dân quê miền Tây, nhưng đã hiếm người dùng. Phần lớn mọi người bỏ phương thức vận chuyển này vì mất nhiều thời gian hơn đường bộ.
Những chiếc ghe có tải trọng hàng chục tấn, di chuyển khá chậm vẫn được người trồng hoa kiểng Chợ Lách chọn dùng để chở hoa kiểng. Không ít người thích thú với hoạt động và phương thức vận chuyển này. |
Nhưng rồi, Vĩnh Hòa với đặc thù kênh rạch như mạng nhện đã giữ hồn cho những chiếc ghe to tướng kia. Người dân vẫn dùng ghe để chở hoa kiểng lên TP.HCM vào dịp Tết.
Chuẩn bị cho chuyến hành trình, họ mang hoa kiểng lên ghe, đặt chúng chi chít mọi nơi có thể để được, nhiều lúc mất cả lối đi. Số lượng hoa kiểng mang lên mỗi ghe có khi lên đến hàng trăm chậu, nặng đến hơn 50 tấn. "Chở hoa mỗi lần mỗi khó, nên anh em chúng tôi tận dụng tối đa", ông Bảy Nam, một người dân trồng hoa, chia sẻ.
Người trồng hoa khẩn trương chuẩn bị cho kịp chuyến hoa bán Tết. |
Khi những chiếc ghe đã đầy kín và sẵn sàng xuất bến, ông Bảy Nam về nhà. Mất vỏn vẹn chưa đầy 10 phút cho việc tắm gội, ông gọi nhanh vợ mình: "Bà ơi, đi". Khi đứa cháu nhỏ kêu lớn "ông ngoại!", ông Nam ôm chầm lấy cháu còn vợ thì thủ thỉ: "Con ở nhà ngoan, ngoại đi bán vài ngày về mua thêm quần áo mới cho con".
Vợ chồng ông Bảy Nam chuẩn bị hành lý, từ giã cháu ngoại. |
Để rõ hơn chuỗi ngày lênh đênh của người dân, tôi ngỏ ý được đồng hành trên chiếc ghe chở hoa kiểng của ông Huỳnh Trung Hiếu và được chấp thuận. Ông Hiếu không trồng hoa mà là người lái ghe chở thuê cho ông Bảy Nam.
Phút giây chào tạm biệt người thân của người bán hoa kiểng khi ghe rời bến. |
Trắng đêm lênh đênh hơn trăm km
Một chiều mùa xuân nắng yếu ớt, những chiếc ghe đầy hoa ở Chợ Lách rời bến quê, thong thả rẽ dòng nước.
Ghe chở hoa kiểng của người dân Chợ Lách rẽ dòng nước đi, mang hơi thở mùa xuân từ quê ra phố chợ. |
Những chiếc ghe xuôi dòng ra khỏi địa phận Bến Tre, sang Trà Vinh, qua Tiền Giang, Long An rồi đến TP.HCM. Tổng đoạn đường sông mọi người đi phải đi hơn 100 km. Ông Huỳnh Trung Hiếu có thể nhận biết được thời điểm dòng nước chảy xuôi hay ngược, đoạn sông nào cạn hay nông để thành thạo cho ghe băng dòng.
Trước khi đi, ông Hiếu thường có thói quen tắm gội. Ông nói khi tinh thần dễ chịu cũng là lúc ông cảm thấy yêu đời, yêu nghề hơn. Dù đã 63 tuổi nhưng theo ông, việc lênh đênh hàng chục, hàng trăm km lái ghe cũng không làm mình quá mệt mỏi. |
Đã hơn 20 năm lái ghe đi khắp các tỉnh miền Tây, ông Hiếu là người hay nói, hay cười, thích chia sẻ chuyện đời mình. Ông cũng nói chở hoa kiểng không giống như những loại hàng hóa khác. Ngắm nhìn hoa, ông thấy lòng nhẹ hơn.
Không thể thiếu vắng trong chuyến hành trình của ông Hiếu là vợ chồng ông Bảy Nam, chủ của những chậu hoa kiểng nhiều sắc màu: cúc, mào gà, ớt kiểng... Tất cả được vợ chồng ông trồng và chắt chiu chăm sóc từ hơn 3 tháng nay. Đến lứa bán Tết cũng là những ngày dài vợ chồng ông quần quật làm lụng suốt ngày.
Vợ chồng ông Bảy Nam vui vẻ trong không gian ghe chật hẹp. Đây là khu vực buồng lái của ghe, chỉ rộng vỏn vẹn vài mét vuông. Nó cũng là chỗ ăn nghỉ của vợ chồng ông, ông Hiếu chủ ghe và tôi trong nhiều ngày. |
Ông Bảy Nam là thương binh, hiện 56 tuổi. Ông rất hay cười, chân chất, mộc mạc và vô cùng mến khách.
"Năm nay, giá hoa cúc chỉ khoảng 150.000 đồng/cặp, thấp hơn những năm trước. Nếu chuyến đi này không bán được hoa với giá ổn, nhiều khả năng tôi huề chi phí, thậm chí thua lỗ", ông nói.
Ông Hiếu vẫn giữ lái, trong khi vợ chồng ông Bảy Nam ngủ thiếp đi trong tiếng động cơ ầm ĩ. |
Tình người mang xuân ra chợ
Ông Bảy Nam đã hơn 20 năm làm nghề trồng và buôn bán hoa kiểng ngày Tết. Trong ngần ấy năm đó, thì có hơn 10 năm ông chở sản phẩm hoa kiểng lên TP. HCM để bán.
Nhiều năm trước, ông bán ở khu vực Bến Bình Đông. Năm nay, ông chọn nơi bán là khu vực bến ven đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TP.HCM).
Người trồng hoa kiểng miền Tây đến bến ven đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TP.HCM) bán hoa kiểng dịp Tết. |
Ven đường Trần Xuân Soạn, có gần trăm chiếc ghe chở hoa kiểng, được bày trí khá gọn gàng. Các chủ ghe phần lớn ở miền Tây, nhiều nhất đến từ Bến Tre và Đồng Tháp.
Ông Nam cho biết hoạt động mua bán hoa kiểng ngày Tết tại đây có thể không náo nhiệt như tại Bến Bình Đông. Nhưng ông lựa chọn vì thích kiểu chân quê, ít trả giá của người dân khu vực này. Hoạt động buôn bán của vợ chồng ông vì thế không quá xô bồ.
Đã 26 Tết, hoa bán chậm khiến ông Bảy Nam và vợ không khỏi lo lắng. |
Thời gian rảnh, cũng là lúc ông ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, cảm nhận đâu đó niềm hạnh phúc khi những chậu hoa lâu ngày chắt chiu được nhiều người yêu thích.
Khác với chồng, vợ ông Bảy Nam lại thường xuyên lo lắng hoa bán không được. Đã 26 Tết, lượng hoa kiểng của vợ chồng ông vẫn ít người mua. Những cái nhìn lo lắng đâu đó hiện lên.
27 Tết, hoa kiểng của vợ chồng ông Bảy Nam đã bắt đầu khá hút người mua. |
Chiều và đêm 27 Tết, không gian quầy hoa kiểng của gia đình ông Bảy Nam có phần náo nhiệt hơn. Người đến xem và mua hoa cũng nhiều hơn so với hôm trước.
Bằng chất giọng đặc sệt miền Tây, ông Nam tươi cười: "Tôi đã nói là người ta sẽ mua hoa kiểng ngày một nhiều. Cũng như mọi năm thôi, có khi đến 29, 30 Tết mọi người mới đi chợ mua hoa kiểng".
Cũng như gia đình ông Bảy Nam, hoạt động mua bán của người trồng hoa kiểng miền Tây từ chỗ vắng khách hiện đã tấp nập hơn. |
Hoa kiểng đến tay khách hàng. |
Đêm 27 Tết, quầy bán hoa kiểng của ông Bảy Nam và những tiểu thương khác vẫn chưa vắng người. Ông Bảy Nam cũng bận rộn hơn và chẳng còn thời gian ngồi chuyện trò.