Cơ thể bạn có thể tự sản sinh ra rượu sau khi ăn các thức ăn chứa đường và tinh bột. Ảnh: Freepik. |
Vào năm 2019, theo báo cáo được công bố trên tạp chí BMJ Open Gastroenterology, một người đàn ông 46 tuổi được chẩn đoán mắc phải tình trạng bệnh lý bất thường này.
Các chuyên gia y tế cho biết người đàn ông khỏe mạnh, năng động và không có bệnh lý gì trước đó. Nhưng từ năm 2011, ông phải điều trị bằng kháng sinh do chấn thương ngón tay cái. Sau đó, ông bắt đầu trải qua giai đoạn trầm cảm, thay đổi tính cách và say xỉn (mặc dù không uống rượu).
Sau đó, tình cờ người đàn ông bị bắt vì lái xe khi say rượu. Các xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn pháp lý.
Khi người đàn ông nói mình không uống rượu. Ban đầu, các bác sĩ và cảnh sát đã không tin. Sau khi xét nghiệm, người đàn ông được chẩn đoán mắc một tình trạng y tế hiếm gặp được gọi là hội chứng "nhà máy bia tự động" (Auto Brewery Syndrome), theo The New York Times.
Theo trang Healthline, hội chứng nhà máy bia (ABS-Auto Brewery Syndrome) còn được biết đến với tên gọi là hội chứng lên men ruột. Đây là trạng thái mà cơ thể tự chuyển đổi các thức ăn chứa đường và tinh bột (carbohydrate) thành ethanol. Tình trạng này khiến bạn say mà không uống rượu.
Các nhà nghiên cứu cho biết hội chứng này khó chẩn đoán và dễ bị nhầm lẫn với các hội chứng y tế khác. Thông thường, các trường hợp phát hiện là do bị bắt vì uống rượu khi lái xe mặc dù họ không hề uống đồ chứa cồn.
Nguyên nhân chính gây ra hội chứng tự sinh rượu phần lớn là có nhiều nấm men trong đường ruột như: Candida albicans, Candida glabrata, Torulopsis glabrata, Candida krusei, Candida kefyr, Saccharomyces cerevisiae (men bia).
Thông thường, Saccharomyces cerevisiae là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng này. Khi số lượng của men bia này tăng lên trong đường tiêu hóa trên nền bệnh lý tiểu đường, bệnh Crohn hay xơ gan, chúng trở thành mầm bệnh và lên men carbohydrate thành ethanol (rượu). Điều này dẫn đến sự gia tăng nồng độ cồn trong cơ thể dẫn đến hội chứng ABS.
Trong trường hợp của người đàn ông 46 tuổi nói trên, các bác sĩ phát hiện trong ruột ông có một loại nấm và chúng liên tục tiêu thụ carbohydrate để tạo năng lượng thay vì oxy và sản xuất ethanol như một sản phẩm phụ.
Hội chứng này cũng có thể là biến chứng của một số bệnh khác, điển hình là bệnh gan. Khi gan không hoạt động bình thường và chức năng loại bỏ rượu của gan chậm hơn bình thường cũng dẫn đến các triệu chứng cơ thể tự sinh rượu.
Hội chứng lên men ruột có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Trẻ em sơ sinh hoặc mới biết đi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu mắc phải hội chứng ruột ngắn. Khi đó, các em dễ bị say sau khi ăn uống các loại nước ép trái cây chứa nhiều carbohydrate tự nhiên như cam, bưởi, táo...
Hội chứng này có thể khiến bạn cảm thấy say mà không uống rượu hoặc cảm thấy say dù chỉ uống một ít rượu (chẳng hạn hai cốc bia). Chúng có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm một số tình trạng sức khỏe như: Hội chứng ruột kích thích, trầm cảm và lo âu.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.