Sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1, Tràng Tiền, Hà Nội) với 180 ghế ngồi, 3 hôm trở lại đây bất ngờ sôi động. Sự xuất hiện của Romeo và Juliet - tác phẩm kinh điển của đại văn hào William Shakespeare, do NSND Anh Tú dàn dựng đã khiến không ít người tò mò, háo hức, ngay cả khi trên tay họ là những tấm vé mời.
Lần thứ 3 Romeo và Juliet được dàn dựng trong lịch sử sân khấu Việt Nam nhưng sức hấp dẫn của tác phẩm vẫn còn nguyên. Và như thường lệ, với kịch kinh điển, người dàn dựng luôn dễ bị rơi vào trạng thái "được ăn cả, ngã về không". Hoặc được tung hô khen ngợi, hoặc bị "ném đá" tơi tả.
NSND Anh Tú - "kỵ sĩ" của thánh đường sân khấu cũng không tránh được tâm thế đầy áp lực đó.
Diễn viên trẻ Ngô Minh Hoàng đóng vai Romeo trong vở Romeo và Juliet. Ảnh: Sơn Hoàng. |
Bài toán khó từ một cốt truyện 'bất di bất dịch'
Từ khi ra đời đến nay, số lần Romeo và Juliet của William Shakespeare được dàn dựng trên sân khấu, được chuyển thể thành điện ảnh - truyền hình là không thể kể xiết. Mỗi đạo diễn ở mỗi quốc gia lại có những cách giải mã khác nhau một tác phẩm kinh điển. Tuy nhiên, về mặt cốt truyện, gần như "bất di bất dịch".
Romeo và Juliet do NSND Anh Tú dàn dựng cũng lấy bối cảnh thành Verona của Italy thế kỷ thứ 16. Ở đó có câu chuyện tình lãng mạn và ngang trái của chàng trai dòng họ Montaghiu – Romeo và cô gái dòng họ Capulet – Juliet.
Đôi trẻ sinh ra trong hai dòng họ có mối thù truyền kiếp, gần như không thể hóa giải. Thế nhưng, họ lại yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên để rồi Romeo phải thốt lên với những tự sự mộng mơ, đắm say: "Đó, phương Đông đó và nàng Juliet là mặt trời".
Song, tiếc thay, cuộc gặp gỡ đầy lãng mạn tại ban công nhà nàng Juliet và khoảnh khắc thiêng liêng của cuộc hôn ước bí mật tại nhà thờ đã chẳng thể kịp xóa tan hận thù của hai dòng họ, như kỳ vọng của cha xứ. Hận thù đã vượt lên trước tình yêu. Anh họ Juliet giết chết người bạn thân nhất của Romeo, ngay sau đó Romeo giết chết anh họ của Juliet để trả thù.
Trong vở kịch do NSND Anh Tú dàn dựng, tình yêu và hận thù được đan xen vào nhau. Ngay sau những ngôn từ lãng mạn, tình tứ, bay bổng là những tiếng bước chân truy đuổi, tiếng dao, kiếm mài vào sắt kêu ghê rợn. Ngay sau những điệu múa đầy hứng khởi là những âm thanh choang choảng, đay nghiến, căm hờn từ hai dòng họ đối nghịch.
Romeo và Juliet mang thông điệp tình yêu sẽ chiến thắng hận thù. Ảnh: FBNV. |
Sân khấu của họa sĩ - NSƯT Doãn Bằng chuyển cảnh không nhiều nhưng chỉ vài nét sắp đặt về cảnh trí cũng giúp khán giả hình dung được sự thay đổi về mặt không gian và trạng thái của nhân vật. Không cần những hình hộp cồng kềnh, Doãn Bằng vẫn tạo được một sân khấu đầy ước lệ và thuyết phục được người xem.
Chỉ với một cảnh trí là bậc gỗ trên cao, Doãn Bằng tạo nên một không gian vừa là ban công, vừa là cửa ra vào, vừa là bệ tại nhà thờ để cha xứ đứng lên. Đặc biệt, đáng khen ngợi hơn cả về thiết kế sân khấu là chiếc cầu vỡ làm đôi giữa hai hình khối sân khấu - biểu trưng cho mâu thuẫn giữa hai dòng họ.
Chiếc cầu gỗ này chỉ được nối liền trong khoảnh khắc cuối cùng của vở kịch, đó là khi Romeo và Juliet cùng mất đi và tình yêu của hai người đã xóa bỏ hận thù của hai dòng họ. Linh hồn của đôi trẻ đi từ phía hai đầu cầu, gặp nhau và ôm chầm lấy nhau. Đó cũng là khoảnh khắc đẹp nhất, và xúc động nhất trong Romeo và Juliet.
Cách giải mã phù hợp với khán giả trẻ
Những buổi công diễn đầu tiên của vở Romeo và Juliet có khá nhiều khán giả trẻ. Phần đông trong số đó là những người bạn đến để ủng hộ những gương mặt diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam lần đầu được đảm nhận vai chính. Tuy vậy, tâm thế "đi để ủng hộ" đã nhanh chóng chuyển thành tâm thế "thưởng thức nghệ thuật".
Nhiều khán giả trẻ bật cười khi nghe cuộc trò chuyện đầy "ngôn tình" giữa Romeo và Juliet hay những câu thoại trẻ trung và hài hước của nhân vật nhũ mẫu, cha xứ. Người trẻ không còn cảm thấy xa lạ với kịch kinh điển. Dường như đó cũng chính là chủ đích của NSND Anh Tú.
Phần âm nhạc do nhạc sĩ Tiến Minh phụ trách cũng hoàn toàn chinh phục người nghe. Ca khúc chủ đề là sự đan xen của lời Anh và lời Việt, vừa lãng mạn, vừa trẻ trung. Đặc biệt, lần đầu tiên một vở kịch kinh điển ở Việt Nam, người thể hiện ca khúc bước ra sân khấu đan xen với tình huống kịch. Dù là hát nhép (lipsync) nhưng vẫn mang lại cảm xúc thú vị cho người thưởng thức.
Không chỉ trẻ hóa kịch kinh điển bằng lời thoại hay cách đặt để âm nhạc, NSND Anh Tú còn giao vai chính cho những gương mặt trẻ nhất tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Vai Juliet được giao cho Ngô Thuận, còn vai Romeo được giao cho Ngô Minh Hoàng. Ngô Minh Hoàng mới vào Nhà hát được một năm, vốn đã trẻ lại còn kém Ngô Thuận một tuổi.
Hai diễn viên kết hợp khá ăn ý trên sân khấu, từ ánh mắt, nụ cười đến cả nụ hôn cũng đều tự nhiên và chân thật. Tất nhiên, nếu có gì cần phải góp ý thì đó là khả năng đài từ của Ngô Thuận và đặc biệt là Ngô Minh Hoàng còn hạn chế. Nhiều đoạn thoại như trả bài chưa toát được cảm xúc thực sự của nhân vật.
NSND Anh Tú - biên tập kiêm đạo diễn cửa vở kịch Romeo và Juliet. Ảnh: Quang Đức. |
Hai diễn viên hoàn thành tốt nhất vai diễn là NSƯT Trung Anh trong vai cha xứ và NSƯT Thúy Phương trong vai Nhũ mẫu. Dù không xuất hiện từ đầu đến cuối vở kịch nhưng lối diễn tự nhiên, khả năng đài từ sân khấu rành mạch, lành nghề, vừa khoan nhặt nhấn nhá, vừa đanh thép khi cần thiết của hai diễn viên gạo cội đã chinh phục được số đông khán giả. Đây là điều mà các diễn viên trẻ chưa làm được.
Nhưng tất nhiên, với những buổi biểu diễn đầu tiên, đài từ của diễn viên là thứ có thể thông cảm. Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết sau vở diễn, với tư cách là cố vấn văn học kịch, bà sẽ có những buổi làm việc với diễn viên, đặc biệt là những diễn viên trẻ về đài từ.