Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hồng Đăng, Việt Anh đang bị màn ảnh phía Bắc tận dụng'

NSND Hoàng Dũng cho biết anh thường xuyên góp ý về cách làm nghề cho thế hệ diễn viên trẻ như Hồng Đăng, Việt Anh, thậm chí không ngại sử dụng những lời gay gắt.

Đầu năm 2017, NSND Hoàng Dũng - người được mệnh danh là "con dao pha" của nền kịch nghệ đương đại nhận quyết định nghỉ hưu, thôi giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Đêm diễn chia tay nam diễn viên gạo cội ở rạp Công nhân vào ngày 1/1 đầy nước mắt.

Nhiều người ví NSND Hoàng Dũng như nhân vật Bá Nhơ trong vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo, người đắm say, vắt kiệt và sống chết với tiếng đàn để đem lại âm thanh hạnh phúc cho đời. Và cũng nhờ vậy mà luôn được mọi người yêu mến, kính trọng.

NSND Hoang Dung chia se ve Hong Dang anh 1
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.

'Nếu mình thực sự là người lớn, lớp trẻ sẽ là người bé'

- Sau khi anh nghỉ hưu, NSND Trung Hiếu được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.  Là người có nhiều năm gắn bó với nhà hát, anh đánh giá như thế nào về năng lực của người kế nhiệm - là NSND Trung Hiếu?

- Quan điểm của tôi là chúng ta phải đặt niềm tin vào lớp kế cận. Khi tôi lên làm giám đốc cũng có người bảo thế này, thế khác. Quan trọng là người lãnh đạo phải luôn làm hết mình, có như thế, lo lắng của mọi người mới tiêu tan hết. Trung Hiếu cũng vậy.

Chúng ta hay nhìn vào thói quen của nhau thay vì năng lực thực sự. Nhưng thực ra, năng lực mới là cái quyết định. Một nhà hát cần phải có một lãnh đạo có khả năng nghệ thuật. Nếu anh có tiếng nói trong nghệ thuật thì dù tiếng nói trong cuộc sống của anh có thể chưa chuẩn xác, người ta vẫn phục anh.

Trung Hiếu đáp ứng được những điều đó. Tất nhiên, để hoàn thiện còn cần một quá trình. Không ai có thể nhận mình giỏi giang ngay ở những ngày đầu tiên. Tôi cũng vậy, khi tôi làm giám đốc, tôi chỉ cố gắng phát huy hết khả năng của mình chứ không dám nhận mình tài giỏi. Cứ làm tốt, mọi người sẽ ghi nhận.

- Trong đêm diễn chia tay anh cách đây không lâu, người ta thấy thế hệ của Trung Hiếu, Công Lý, Kiều Thanh và lớp trẻ hơn như Chí Nhân, Mạnh Hưng đều rơi nước mắt. Anh đã gắn với với thệ hệ “hậu bối” như thế nào để nhận được những tình cảm như vậy?

- Khi họ mới chập chững về nhà hát, tôi cũng gần gũi, nói dạy dỗ thì to tát quá nhưng có bảo ban, hướng dẫn làm nghề. Chắc mình lao động nghệ thuật nghiêm túc, các em coi là một tấm gương và hướng tới nên cũng dành cho nhiều tình cảm.

Trong thời gian tôi làm lãnh đạo, Nhà hát Kịch Hà Nội không có mâu thuẫn lớn, mọi người luôn yêu mến nhau. Đó cũng là điều mà tôi đã xây dựng. Già trẻ đều phải hòa đồng vì sự phát triển chung. Với lớp trẻ, muốn họ hiểu mình, mình phải yêu quý họ đã.

Trong đời sống cũng như nghệ thuật, tôi tâm niệm nếu mình thực sự là người lớn thì họ sẽ là người bé. Còn nếu mình là người lớn mà không ra người lớn thì cũng khó trách họ là người bé mà lại không đúng với người bé.

NSND Hoang Dung chia se ve Hong Dang anh 2
Hoàng Dũng vừa trở lại màn ảnh nhỏ với phim thể loại tâm lý tội phạm cùng 2 học trò là Hồng Đăng và Việt Anh.

 

- Ngoài việc từng làm lãnh đạo, anh còn là một nhà giáo. Khi đóng phim hoặc làm việc chung với lớp diễn viên trẻ trong đó có nhiều người là học trò, anh có thường đưa ra những góp ý, nhận xét?

- Không chỉ với những phim cùng đóng, vở kịch cùng tham gia, tôi mới góp ý cho họ. Khi phim đã lên sóng, nếu thấy điều gì chưa hợp lý, tôi sẽ gọi điện hoặc gặp trực tiếp để nhận xét. Tất nhiên, không phải lúc nào ý kiến của tôi cũng đúng tuyệt đối nhưng quan trọng, nó xuất phát từ ý đồ tốt.

Công Lý, Hồng Đăng hay Việt Anh, kể cả tôi góp ý gay gắt, góp ý sai các bạn ấy cũng phải nghe và luôn lắng nghe. Khi họ cảm nhận thấy sự chân tình của mình, họ sẽ không giận. Còn tất nhiên, cái nào các em làm được, tôi thấy thích hợp, tôi sẽ ghi nhận.

- Theo anh, ưu và nhược điểm của thế hệ Hồng Đăng, Việt Anh – những diễn viên đang quen mặt và được nhiều người yêu thích trên truyền hình hiện nay là gì?

- Hồng Đăng, Việt Anh là những học viên khóa đào tạo diễn viên truyền hình mà tôi tham gia giảng dạy vào năm 2003. Tính đến thời điểm hiện tại, 2 bạn ấy đã chín, dễ dàng thăng hoa trong nghệ thuật. Nhưng nói thật là đơn vị sản xuất và các đạo diễn tận dụng 2 bạn ấy hơi nhiều.

Điều này tôi cũng đã góp ý với đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Nhưng cũng khó trách vì khán giả truyền hình rất yêu quý và luôn muốn các bạn ấy xuất hiện.

Cùng lứa với Việt Anh, Hồng Đăng cũng còn nhiều gương mặt sáng. Nhưng rất tiếc là không phải ai cũng có điều kiện để phát triển. Diễn viên muốn được yêu mến cần rất nhiều yếu tố như hình thức, tư duy, gia đình ủng hộ. Nhiều bạn có năng khiếu nhưng gia đình không cho theo nghề thì cũng đành chịu.

Nhập viện cấp cứu khi đang đóng ông trùm trong phim hình sự

- Anh vừa trở lại màn ảnh nhỏ với vai diễn ông trùm Phan Quân trong phim "Người phán xử". Ê-kíp thực hiện chia sẻ việc anh phải nhập viện trong quá trình quay phim. Sức khỏe hiện tại của anh thế nào?

- Bây giờ thì sức khỏe của tôi tạm ổn rồi. Thời gian quay phim, tôi có bị chảy máu dạ dày nhưng chảy lúc nào thì tôi không biết. Việc tôi phải vào viện cấp cứu, nằm điều trị dù không dài nhưng cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến lịch quay của đoàn làm phim.

Đến khi đoàn phim yêu cầu trở lại thì tôi vừa truyền xong mấy đơn vị máu. Tôi cũng rất thông cảm với đoàn làm phim vì để thực hiện cảnh quay rất đông người với công an, cảnh sát, xe chuyên dụng, súng ống, không dễ dàng chút nào.

Không phải bỗng dưng có thể nhờ các lực lượng đó giúp đoàn làm phim nên dù chưa khỏi hẳn nhưng tôi vẫn cố gắng đến trường quay để thực hiện cảnh quay cuối cùng này.

Nếu tôi không đến phim trường thực hiện cảnh quay đó thì không biết bao giờ mới thực hiện được và cũng có khi không thể thực hiện được.

NSND Hoang Dung chia se ve Hong Dang anh 3
Hoàng Dũng chia sẻ trong buổi họp báo chiều 14/3 tại Hà Nội.

- "Người phán xử" là bộ phim hiếm hoi được thu tiếng đồng bộ, do vậy đòi hỏi khả năng đài từ chuẩn xác của diễn viên. Điều này có khiến anh và các diễn viên trong phim gặp khó khăn?

- Thu tiếng đồng bộ, đòi hỏi các diễn viên phải ăn nhập với nhau. Bạn thoại một kiểu, tôi thoại một kiểu mà không bắt được cái e của nhau thì rất khó làm việc.

Tôi đã lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim, với các dạng vai khác nhau, từ những năm 1984-1985. Tôi nghiệm ra một điều, diễn ở phim trường là chủ quan, lồng tiếng là khách quan. Vai diễn có thể sẽ không đạt chỉ vì khách quan. Chính tôi lồng tiếng cho vai của tôi, nhiều khi còn không khớp chứ chưa nói đến người khác lồng cho mình.

Thế nên việc thu tiếng đồng bộ sẽ là xu thế. Nó làm phim chân thực hơn nhiều. Khi ngữ điệu, lời nói đi kèm với cảm xúc, nét mặt, khán giả sẽ dễ dàng cảm nhận được nội dung. Nhờ đó, vai diễn của diễn viên cũng đạt hơn.

Đạo diễn Khải Anh: 'Khán giả sẽ quên Đan Lê là vợ tôi'

Nam đạo diễn sinh năm 1982 cho biết diễn xuất của Đan Lê trong phim truyền hình “Người phán xử” sẽ chứng tỏ được rằng anh không hề ưu ái vai diễn cho vợ.

 





Quang Đức

Ảnh: VFC

Bạn có thể quan tâm