NSND Khải Hưng không thích phim Việt có cảnh sex
"Phim Việt nở rộ cảnh phòng the nhưng tôi lại thấy những cảnh nóng rất khiên cưỡng. Ví dụ như phim Bi, đừng sợ là một bộ phim nói về tình dục một cách rất cực đoan" - đạo diễn, NSND Khải Hưng chia sẻ.
- Gần đây, các đạo diễn hiện nay lạm dụng việc đưa những cảnh nóng ra trailer để câu khách. Theo ông, cách làm này cần thiết không?
- Những cảnh mát mẻ hay cảnh nóng chỉ có ở phim điện ảnh, còn phim truyền hình nước ta hầu như không có. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao những cảnh nóng có thể xuất hiện tràn lan ở trên phim điện ảnh như thế?
Tôi nhớ đã đọc ở Google, xác định đến 80% người dùng Internet ở Việt Nam gõ vào chữ sex trong mục tìm kiếm. Điều đó chứng tỏ người Việt rất tò mò. Với điện ảnh, tôi cho rằng những cảnh nóng không có gì đáng phàn nàn nếu nó đặt đúng chỗ, đúng ngữ cảnh trong bộ phim.
Tôi đã trải qua những buổi xem phim cách đây vài chục năm, lúc phải xếp hàng rồng rắn để mua được một vé xem phim của Ba Lan hay của Bulgari. Trong phim có cảnh sex, nhưng đối với tôi những cảnh đó không gợi cái gọi là gợi dục. Tôi chỉ cảm giác người ta đang trân trọng vẻ đẹp tinh khiết của con người.
Khoảng năm 1992, chúng ta có một bộ phim Việt Nam nhưng do người Pháp làm là Người tình, nói về tình yêu của một cô gái người Pháp và chàng trai Châu Á. Trong phim có rất nhiều cảnh nóng nhưng tôi lại thấy nó quá hay và đẹp.
Còn điều lạ lùng là bây giờ phim Việt nở rộ cảnh phòng the nhưng khi xem phim, tôi lại thấy những cảnh nóng rất khiên cưỡng. Ví dụ như phim Bi, đừng sợ là một bộ phim nói về tình dục một cách rất cực đoan. Dù mục đích của nhà làm phim không gây ra sự gợi dục nhưng tôi cảm thấy họ đưa ra vấn đề một cách áp đặt, thách thức khán giả phải hiểu theo cách làm của họ. Tôi cho rằng đó là một cách mới nhưng chưa thuyết phục. Khi không thuyết phục, tức là tự trong tôi sẽ đào thải.
Tôi nói thẳng là tôi không thích xem loại phim này. Người Á Đông muốn đưa cảnh giường chiếu vào trong phim phải hết sức tế nhị và nếu nói theo trường điện ảnh là "cảnh sex ấy phải nằm ở trong cái tình huống nào, thì nó mới gây ra được xung đột và tạo ra câu chuyện. Không phải bỗng nhiên anh cởi đồ là thành phim hot, phim nóng".
Ngẫm nghĩ đi ngẫm lại, chúng ta đang làm điện ảnh trong cơ chế thị trường. Nhà sản xuất bỏ tiền ra làm phim phải nghĩ đến chuyện thu hồi vốn, kéo khán giả vào rạp. Vì vậy, các trailer phải thật nóng bỏng, khiến khán giả tò mò mua vé vào rạp xem phim.
Theo tôi, sex chỉ là một thứ để PR. Và bộ phim hiếm hoi có cảnh sex rất đẹp là Áo lụa Hà Đông, đoạn có cảnh nóng giữa hai nhân vật chính. Nó khiến tôi cảm thấy tinh khiết. Còn lại phần lớn cảnh nóng trong phim Việt tôi thấy giả, gượng gạo, khiên cưỡng, không đẹp hay cuốn hút. Dĩ nhiên, tôi cũng không trân trọng.
- Từ "Không cân sức", "Cánh đồng bất tận", "Bi, đừng sợ", "Giữa hai thế giới", dù đoạn trailer chỉ dài hơn 1 phút nhưng vừa đủ truyền tải và PR cho nội dung chính của phim. Theo anh, vì sao trong thời gian ngắn nhưng có 4, 5 cảnh giường chiếu?
- Khán giả hãy đứng ở góc độ nhà buôn, cứ nhìn con số tổng kết của Google, 80% nghĩa là rất nhiều người Việt Nam hứng thú với sex. Từ đó, nhà buôn thấy có mảnh đất để bán sản phẩm và quyết định đưa cái cảnh nóng vào để cuốn hút. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng, đi buôn cũng phải tuân theo luật, nhưng chúng ta lại chưa có luật chặt chẽ. Đôi khi họ quảng cáo hàng dởm để kéo khán giả vào rạp.
- Tức là hoàn toàn vì mục đích thương mại?
- Chính xác, hoàn toàn vì mục đích thương mại.
- Vậy là cần một cơ chế quản lý chặt chẽ hơn?
- Tôi thấy không cần một cơ chế quản lý nào hơn cả. Quan trọng là chúng ta đã chấp nhận thị trường nghĩa là phải chấp nhận bị đào thải những gì khán giả không tiêu hóa được.
Một bộ phim có quá nhiều cảnh sex mà toàn sex dởm đánh lừa người xem thì bản thân khán giả sẽ ngoảnh mặt lại. Lúc đó, nhà sản xuất cần một loại phim khác thay thế ngay. Việt Nam đã có luật điện ảnh, chúng ta cứ làm theo luật. Chúng ta đang vận hành một cơ chế thị trường thì để cho thị trường vận hành.
Hiện nay, các nhà đạo diễn hầu hết là những người làm thuê. Ít người cực đoan như ông Bi, đừng sợ lắm. Các đạo diễn phải tuân thủ ý kiến của người bỏ tiền, một khi nhà đầu tư muốn sex thì đương nhiên là có cảnh cởi đồ... Còn trailer, hầu hết làm sai tinh thần của phim. Nó chỉ có tác dụng duy nhất là câu khách. Có lẽ, họ cũng đọc được thông tin giống tôi là có bao nhiêu phần trăm người Việt tìm kiếm từ khóa sex nên họ làm trailer, phim có nhiều cảnh nóng để khán giả mua vé vào rạp.
Một cảnh trong phim "Bi, đừng sợ". |
- Anh nghĩ thế nào về ý kiến những cảnh sex ở trong các đoạn trailer chưa tới tầm? Sex phải gợi mở, còn Việt Nam quay cảnh nóng theo kiểu một là ước lệ, hai là quá trần trụi và thô tục?
- Tôi nghĩ những cảnh sex ước lệ đã qua rất lâu. Đó là thời chúng tôi làm phim cách đây mấy chục năm. Một ông trưởng ban thư ký biên tập của đài truyền hình thời ấy nói rằng: "Phải hôn đứng, không được hôn nằm. Nếu hôn nằm, ông cắt".
Nhưng từ khi chúng ta mở cửa, chúng ta bắt đầu "hội nhập". Từ khi gọi là xã hội hóa, thị trường hóa phim ảnh thì chúng ta đi hơi quá đà, đôi khi các nhà làm phim mô tả chi tiết cảnh sex đến nỗi nó gần với một bộ phim cấp 3. Tôi thấy điều đó là phản cảm. Mặc dù những cảnh sex rất cần, đôi khi nó gợi mở cho chúng ta một cảm giác rất yêu thương, về đồng loại, thứ tình cảm rất cao đẹp. Nhưng khi ngồi xem phim Việt có cảnh sex, tôi thấy khán giả cười. Vậy tại sao họ cười? Họ cười bởi thấy không thật hay rung động. Đó là một thứ phản ứng.
Tôi không thích phim Việt có cảnh sex
- Nhưng trong tình hình bão hòa như hiện nay, liệu có sản sinh ra một thế hệ công chúng mà họ coi đấy là điều mặc nhiên trên màn ảnh?
- Công chúng bây giờ rất thông minh. Họ ít khi bị lừa đến hai lần. Phim ảnh là sản phẩm văn hóa tiêu dùng. Nhà đầu tư dụ khách mua hàng bằng cách lộ hàng của mấy người đẹp, tạo scandal thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đánh vào tâm lý tò mò. Khán giả có thể thấy thất vọng một lần, mà cùng lắm là dại đến hai lần. Khi không có khách mua hàng, cảnh sex bẩn trong phim phải tự giải tán thôi!
Tất cả các nước khi phát triển ngành điện ảnh truyền hình đều trải qua giai đoạn này, nó sẽ nạc ra nạc, mỡ ra mỡ chứ không nửa nạc nửa mỡ như hiện giờ.
- Theo anh quá trình đó ở Việt Nam sẽ diễn ra trong bao lâu?
- Chúng ta mới đang vận hành cơ chế nửa thị trường, chưa hẳn là thị trường nhưng đó là câu chuyện khác. Đôi khi, các đạo diễn đưa những cảnh nóng trần trụi và chi tiết quá lại nghĩ mình mở đầu ra một trào lưu của thế giới về giải phóng tình dục cho cả nhân loại. Nhưng nhân loại đã làm 20-30 năm. Đấy là cái ngây thơ đáng yêu của người Việt, cứ nghĩ mình đang đi chinh phục cả toàn cầu.
Tôi nghĩ phim đạt giải quốc tế, đầu tiên nó phải chinh phục được nhiều người xem Việt Nam. Phim phải thuyết phục được dân của anh đã, rồi hãy đi chinh phục thế giới. Đó là thước đo chính xác nhất.
- Gần đây, anh thích bộ phim Việt nào?
- Có thể tôi khắt khe quá, lại tuổi tác nữa nên không thích phim Việt có cảnh sex. Nhưng có một bộ phim tôi thấy hay là Mùa len trâu. Một dạng phim gần như không có chuyện, dạng phim tập tục và hay ở cái tập tục.
Người miền Bắc chưa biết mùa len trâu, mùa nước nổi ở phía Nam như thế nào. Đặc biệt, người nước ngoài cũng chưa biết điều đó. Đạo diễn đã thành công khi đem đến cho người xem biết một tập tục đầy chất văn hóa dân gian của người Nam Bộ. Có lẽ lâu lắm rồi mới có một bộ phim hay như thế.
Theo VTC News