Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng được nhiều người ví là “con sói già” dũng mãnh, “gã phù thủy” quái kiệt của sân khấu Việt. Ông từng là Giám đốc của hai sân khấu kịch nổi tiếng nhất miền Bắc là Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam. Suốt quãng thời gian dài hoạt động nghệ thuật, Lê Hùng là “kiến trúc sư” của nhiều vở diễn gây tiếng vang nhưng cũng vướng vào nhiều cuộc tranh luận với đồng nghiệp trên báo chí khi còn làm công tác quản lý. Sau khi nghỉ hưu, ông miệt mài tập trung vào chuyên môn. Lê Hùng hiện đang dựng vở kịch kinh điển Bình minh nơi đây yên tĩnh cho Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Lê Hùng. Ảnh: Lê Quang Đức |
- Trong khi khán giả trong Nam phải xếp hàng, thậm chí mua vé chợ đen để xem “Tấm Cám” – một vở diễn có nội dung hướng đến trẻ em thì sân khấu ngoài Bắc suốt một thời gian dài không dựng tác phẩm nào dành cho thiếu nhi. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sân khấu, ông lý giải sao về điều này?
- Nhận định của bạn hoàn toàn chính xác, sân khấu miền Bắc đúng là đang thiếu trầm trọng những vở diễn hướng đến khán giả nhỏ tuổi. Hơn nữa, chúng ta còn đang thiếu một nhà hát kịch chuyên nghiệp phục vụ riêng thiếu nhi. Lỗi này thuộc về cơ quan quản lý văn hóa, chúng ta chưa nghĩ tới việc phát triển lâu dài sân khấu kịch. Do vậy, tôi hy vọng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có một nhà hát kịch thiếu nhi đúng nghĩa.
Khi sang Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch để dựng một vở kịch, tôi có nhận được một câu hỏi là “Ở thủ đô nước ông có bao nhiêu nhà hát dành cho thiếu nhi?”, tôi trả lời vội vàng là “Chúng tôi có 5 nhà hát dành cho thiếu nhi”.
Nhưng câu trả lời đó, tự tôi thấy là không chính xác vì tính cả một số loại hình nghệ thuật khác như xiếc, múa rối mới là 5, chứ ở Hà Nội chưa có một nhà hát kịch chuyên nghiệp nào dành cho thiếu nhi cả. Tuy nhiên, nghe câu trả lời của tôi, họ bảo thế thì ít quá vì thủ đô nước họ có tới 200 nhà hát phục vụ thiếu nhi, cả tư nhân lẫn nhà nước!
- Năm vừa qua, sân khấu miền Bắc dựng thành công nhiều tác phẩm kinh điển của thế giới. Theo ông, đây có phải là một hướng đi tích cực?
- Tôi nghĩ đây là bước đi quan trọng của nghệ thuật sân khấu. Việc dựng những tác phẩm kinh điển của thế giới là một cách để chúng ta học hỏi những tinh hoa của họ. Một nền sân khấu không biết học hỏi những thành quả của nhân loại thì không thể phát triển được. Đó cũng là lý do khiến các bộ, ban ngành luôn ủng hộ, hỗ trợ và đầu tư để các nhà hát dựng những vở kinh điển.
Nhiều năm trước đây, khi còn công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam, bản thân tôi cũng là người thường xuyên dựng những vở kịch kinh điển của thế giới như Macbeth của Shakespeare hay Nhà búp bê của Henrik Ibsen. Tôi còn mang các tác phẩm do mình dàn dựng ra nước ngoài, lưu diễn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Na Uy. Với những vở diễn nổi tiếng toàn thế giới như vậy, muốn biết mình đã dựng thành công hay chưa, chất lượng ra sao thì cần phải được mang ra thế giới để người nước ngoài đánh giá.
Hiện tại, tôi đang dựng một vở kịch nổi tiếng của Nga cho Nhà hát Kịch Quân đội, sau khi dựng xong, ban lãnh đạo nhà hát và tôi sẽ mời những người bạn Nga, Việt kiều Nga, cũng như những người đã sống và làm việc ở Nga xem để họ đánh giá về chất lượng nghệ thuật của vở diễn.
- Vậy khó khăn lớn nhất khi dàn dựng một vở kịch kinh điển là gì, thưa ông?
- Kịch kinh điển yêu cầu các nghệ sĩ phải hiểu được xuất xứ và tiếng nói của tác phẩm. Nhiều tác phẩm đã xuất hiện hàng trăm năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị vì nội dung rất sâu sắc, do vậy nghệ sĩ bắt buộc phải vỡ chữ khi nhận kịch bản và sau đó diễn đúng tinh thần của vở kịch. Không hiểu thông điệp, ý nghĩa của tác phẩm thì khó có thể diễn tốt được. Khó khăn của đạo diễn là phải chọn lựa, hỗ trợ và hướng dẫn các nghệ sĩ làm được điều đó.
Đạo diễn Lê Hùng đang dựng vở Bình minh nơi đây yên tĩnh cho Nhà hát Kịch nói Quân đội. Ảnh: Lê Quang Đức |
- Cá nhân ông có nhìn thấy hướng đi nào để vực dậy sân khấu miền Bắc?
- Tôi nghĩ chẳng có hướng nào cả. Bây giờ, chúng ta cứ cố tìm ra một cái hướng để rồi răm rắp đi theo thì cũng không ổn chút nào. Tôi chỉ nghĩ rằng, muốn vực dậy sân khấu thì phải hiểu khán giả. Nếu chỉ nói thì nhiều người nói hay lắm nhưng quan trọng vẫn là tác phẩm, không có tác phẩm hay thì chẳng ai đến với sân khấu mà muốn có tác phẩm hay thì phải hiểu khán giả.
Vở diễn mà chỉ diễn một lần duy nhất rồi vứt vào kho, không đến được với khán giả thì không nên dựng ngay từ đầu, tránh mất công sức của nghệ sĩ và tiền bạc của nhà nước, dựng như thế là vô cùng lãng phí.
- Việc một số sân khấu kịch chạy theo nhu cầu của khán giả có được coi là hiểu khán giả không?
- Hiểu là biết khán giả cần gì. Tại sao vở Tấm cám bán vé tốt mặc dù đã được chuyển thể và dàn dựng rất nhiều? Vì khán giả vẫn cần những vở diễn có nội dung như thế. Hiểu không phải là chạy theo, đuổi theo khán giả mà phải dẫn dắt khán giả và kéo họ về phía mình.
Điều quan trọng trong sự tồn tại của một nhà hát mà không phải lãnh đạo nào cũng nhận ra, đó là tác phẩm. Tác phẩm nhạt thì chắc chắn khán giả sẽ quay lưng với sân khấu. Và sân khấu đừng lẽo đẽo chạy theo sau khán giả.
- Có ý kiến cho rằng, sân khấu tụt dốc vì lực lượng nghệ sĩ trẻ không còn mặn mà với loại hình nghệ thuật này. Ông nghĩ sao về điều đó?
- Tôi thấy lớp trẻ hiện nay có nhiều điều chi phối hơn chúng tôi ngày trước, phải lo nhiều thứ hơn ngày trước nên cũng không trách lớp trẻ được. Nhưng tôi thấy vẫn rất nhiều bạn yêu nghề và thực sự có tài năng. Tất nhiên trẻ thì luôn cần phải cố gắng trau dồi rất nhiều.
- Sau khi rời vị trí lãnh đạo tại Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam, công việc của ông có gì khác?
- Không còn làm công tác quản lý, tôi có nhiều thời gian hơn dành cho nghệ thuật. Trước đây do bận rộn với công việc ở hai nhà hát nên có những thời gian tôi không chú trọng được vào chuyên môn. Nhưng từ khi nghỉ hưu thì khác, tôi miệt mài dựng vở cho rất nhiều nhà hát khắp đất nước, nơi nào cần là tôi có mặt.