Chương trình Quán thanh xuân với chủ đề Về nhà xem phim lên sóng tối 5/7. Thông qua chia sẻ của dàn khách mời - các nghệ sĩ gạo cội - khán giả được ôn lại kỷ niệm cách đây hàng chục năm với loạt phim truyền hình như Chuyện nhà Mộc, Xin hãy tin em, 12A và 4H, Người vác tù và hàng tổng, Đất và người...
Những ngày đầu làm phim khó khăn, thiếu thốn
NSND Khải Hưng, người đặt nền móng cho phim truyền hình Việt Nam, tâm sự những trải nghiệm khó quên khi lần đầu làm phim. Ông kể khi thực hiện bộ phim đầu tiên Người thành phố, ê-kíp chỉ có 3 người với nhiều khó khăn, thiếu thốn.
"Khi quay cảnh đêm, Đài truyền hình không có đèn chiếu sáng. Chúng tôi phải mượn đèn từ xưởng phim truyện. Hôm ấy quay ở đường Bảo Khánh, ê-kíp đợi dân phố đi ngủ rồi mới quay, vào 12h đêm".
Chương trình Văn nghệ Chủ nhật, phát sóng trên VTV3, cũng là một kỷ niệm, một dấu ấn trong thời thanh xuân của đạo diễn Khải Hưng. Ông bảo khi ấy mình đang khao khát làm phim nên nhận lời. Nhiệm vụ của ông là phải đảm bảo mỗi tuần có một phim lên sóng.
NSND Khải Hưng chia sẻ trong chương trình. |
NSND chia sẻ: "Lúc ấy, tôi có trong tay 2 bộ phim, Mẹ chồng tôi quay từ năm ngoái chưa phát sóng (2 tập). Và tôi đang làm hậu kỳ phim Người tình của cha. Tôi nghĩ mình sẽ 'chiến đấu' được 3 tuần. Tôi nghĩ 3 tuần dài nhưng vụt cái là hết. Khi đang chiếu Người tình của cha, tôi nghĩ có khi đứt sóng.
Ai làm truyền hình nghe từ đứt sóng thì sợ lắm, chắc chắn bị kỷ luật. Khi tôi đang hết sức hoang mang, anh Đoàn Trúc Quỳnh mang đến một kịch bản. Tôi đọc ngay và mời anh ta ở lại. Chúng tôi ký hợp đồng và tôi làm luôn".
Theo đạo diễn, từ những ngày đầu khó khăn, ê-kíp sau đó có thêm kịch bản, biên tập và đủ lực để chiến đấu dài hơi.
Kể về hành trình dài 30 năm gắn bó với phim truyền hình, đặc biệt là những phim về đề tài tuổi trẻ, sinh viên, NSƯT Đỗ Thanh Hải nói: "Tôi làm bộ phim Xin hãy tin em khi mới ra trường, vào năm 1996 và Của để dành là năm 1998. Không hiểu sao hồi đó tôi lại làm được những phim như thế, khi xem lại vẫn rất xúc động.
So với thế hệ trước, chúng tôi đứng từ xa ngưỡng mộ. Khi chúng tôi còn đang học, các cô chú ở đây đã rất giỏi, là những cây đa cây đề. Nhìn anh Hoàng Dũng, chị Minh Hằng lúc ấy mình thần tượng lắm. Cho nên, chúng tôi cũng có sự tính toán. Mình không giỏi làm phim về nông thôn, phim chiến tranh. Mình sinh ra ở thành phố, đô thị, nên mình chọn chủ đề nào gần gũi nhất, về tuổi trẻ, sinh viên. Có lẽ vì thế mà đã tạo nên sự đa dạng cho phim truyền hình".
Nghệ sĩ Trọng Trinh bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân trên phim trường. Anh gọi đó là những năm tháng đã đi qua không thể nào quên, chặng đường đầy màu sắc.
"Công việc làm phim trong giai đoạn đó hoàn toàn bằng sự tâm huyết và đam mê. Ngày đó chỉ quay 1 máy, hệ thống máy rất cồng kềnh và cái gì cũng thiếu. Tôi nhớ phim đầu tiên của tôi là Mưa dầm ngõ nhỏ. Anh Bùi Bài Bình đang đạp xe, thế là trẻ con ùa ra xem, phải quay lại.
Ngày ấy không có bộ đàm, toàn dùng loa mồm. Cứ hét um lên, càng làm thế lại càng náo loạn, mọi người nhào ra xem, quay đi quay lại".
Minh Hằng kể kỷ niệm đóng phim với Quyền Linh
Trong chương trình, NSND Minh Hằng cho biết chị có nhiều kỷ niệm với bộ phim Người Hà Nội, đóng cùng diễn viên Quyền Linh. Chị vào vai bà vợ người dân tộc, theo chồng lên thành phố.
"Mỗi cảnh phim, tôi bị một trận đòn vùi dập. Có cảnh Quyền Linh cầm thanh mía vụt vào người, khiến tôi tối tăm mặt mũi. Khi quay xong, bạn ấy xoa vào lưng nói xin lỗi chị. Về nhà, tôi ốm mấy ngày đấy".
NSND Hoàng Dũng từng dẫn đầu ê-kíp lồng tiếng. |
Minh Hằng kể thời ấy, chị còn làm thêm nghề lồng tiếng phim truyện nhựa, phim truyền hình, phim nước ngoài. Ê-kíp lồng tiếng gồm NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh... Chị tiết lộ thu nhập từ việc lồng tiếng khá cao.
"Hôm nay tôi bật mí cho khán giả biết rằng những diễn viên lồng tiếng như tôi có thu nhập rất ổn. Tôi đã mua được 1 căn nhà bởi tiền lồng tiếng" - chị nói.
Đáp lời Minh Hằng, NSND Hoàng Dũng dí dỏm: "Có thể Minh Hằng chẳng tiêu gì nên mua được nhà. Tôi tiêu nhiều nên không mua được nhà".
Là người đầu tàu của ê-kíp lồng tiếng ngày xưa, diễn viên Hoàng Dũng trải lòng: "Trong phòng lồng tiếng của Trung tâm nghe nhìn Việt Nam hồi ấy, tôi và anh Quốc Trọng tạm gọi là bầu sô. Thông thường, tôi hẹn anh Tuấn lên lúc 1h, xong hẹn chị Hằng đến khoảng 2h, anh Hưng, chị Quỳnh khoảng 3-4h. Nhưng có hôm mất điện, lúc mọi người đến đủ, phòng có đến 30 người. Đó là kỷ niệm rất khó quên".
Một khách mời khác xuất hiện trong Quán thanh xuân là NSND Nguyễn Hải - người chuyên vai phản diện, từ sân khấu đến phim truyền hình.
Nghệ sĩ kể về kỷ niệm bị phụ huynh mắng khi đóng vai Trịnh Khả trong Chuyện làng nhô: "Sau khi tôi hoàn thành phim, cụ thân sinh gửi lời nhắn qua một người rằng 'bao nhiêu vai tốt không diễn, đi diễn thằng mất dạy. Bảo nó đừng vác mặt về quê nữa'. Nhưng một năm sau tôi về, cụ không nói gì nữa, cụ lờ đi, vẫn cho tôi ăn Tết".
Nghệ sĩ Nguyễn Hải chuyên đóng vai phản diện. |
Anh bộc bạch thêm: "Không biết khán giả ở đây có thông cảm cho khuôn mặt của tôi không. Tôi chưa bao giờ nhận mình đẹp trai. Quả thật từ đó trở đi, đạo diễn cứ nhìn mặt tôi là tôi biết ngay thế nào cũng là vai khốn nạn.
Trong cuộc sống này, vai thiện vai ác, mặt tốt mặt xấu là hai mặt vấn đề. Có lúc cái tốt bùng lên, có lúc cái xấu bùng lên. Mong rằng khán giả từng theo dõi phim của tôi, hãy chia sẻ thông cảm và dang rộng vòng tay bao dung cho tôi".