NSND Thanh Hoa: 'Nhân viên phải chấp nhận sự đồng bóng của tôi'
"Khi làm kinh doanh, tôi không phải là người biết chi ly tính toán, chắt chiu. Các cụ có câu 'vung tay quá trán' thì tôi thậm chí vung tay quá đầu gấp mấy lần" - NSND Thanh Hoa chia sẻ về 'cuộc chiến' trên thương trường.
- Phòng trà Aladin là một tụ điểm ca nhạc được nhiều khán, thính giả yêu mến nhưng hiện đã tạm ngừng hoạt động. Không biết vì lý do gì thưa chị?
- Có 2 lý do để Aladin tạm ngừng hoạt động. Thứ nhất là khách sạn Thắng Lợi xin lại địa điểm để xây dựng, tôi đang đi tìm địa điểm khác. Lý do thứ hai là tôi chưa tìm địa điểm nào phù hợp, thích ứng với yêu cầu. Hiện nay, tất cả các tụ điểm của Hà Nội rất đắt, nếu với mức thuê của Hà Nội hiện nay để làm một phòng trà ca nhạc như tôi thì không đủ mức chi. Khán giả đến với Aladin không phải để uống rượu nên doanh thu của nó không lớn. Dự định của tôi sẽ mở cửa trở lại phòng trà Aladin vì thực tế, một ngày, có khoảng 20 cuộc điện thoại hỏi thăm, nhắc nhớ phòng trà Aladin.
Doanh nhân Thanh Hoa. |
- Hiện nay chị vẫn đi hát, theo đuổi con đường nghệ thuật, lại giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thanh Hoa concert. Liệu có bận rộn, “tham lam” quá không?
- Tôi nghĩ là không! Tôi xuất hiện trên sân khấu ít hơn nhiều rồi, những chương trình nào tôi cảm thấy cần mình như một nhân chứng lịch sử, tôi sẵn lòng xuất hiện. Hoặc những chương trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giao lưu với sinh viên, với lớp trẻ, những chương trình mà khán giả muốn nghe lại những ca khúc tạo nên dấu ấn trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình như: Tàu anh qua núi, Làng lúa làng hoa, Ca dao em và tôi….thì tôi tham gia. Hiện giờ tôi ít đi hát và nếu dùng ca hát để kiếm sống thì chắc là không và tôi không chạy sô. Kinh doanh và ca hát, tôi vẫn điều tiết rất nhịp nhàng.
- Là người nổi tiếng, điều ấy có giúp gì trong công việc kinh doanh của chị?
- Có lẽ là thuận lợi hơn rất nhiều. Vì chắc uy tín trong tiếng hát của tôi, sự quý mến của thính giả dành cho giọng hát của tôi khiến họ cảm nhận được rằng: nếu để cho tôi đứng ra chỉ đạo một chương trình nghệ thuật sẽ khiến người ta yên tâm hơn về chất lượng. Mặt khác, công ty Thanh Hoa concert hoạt động được 7 năm, đối với những khách hàng đã từng đến sẽ giữ quan hệ đó và họ quay trở lại nhiều lần.
Một phòng trà đặt lợi nhuận tài chính lên hàng đầu thì giữ được uy tín về nghệ thuật là điều rất khó khăn. Giữ được phong cách nghe văn hóa và chất lượng nghệ thuật cao thì tài chính, lợi nhuận thu được không cao. Để giữ được điều đó, tôi nghĩ không phải là dễ, vì khi đã kinh doanh, ai cũng muốn làm giàu, ai cũng muốn nhiều tiền, nhưng đôi khi mình phải biết mình giữ cái gì. Cái tên Thanh Hoa mọi người dành cho tôi quá lớn để so với tất cả các lợi nhuận. Gọi là thiệt thì cũng đúng, nhưng thiệt cái này lại được cái khác! (cười)
- Kinh doanh có làm giảm sút tình cảm của chị với nghệ thuật không?
- Khó lắm! Ca hát đối với tôi không phải là nghề nghiệp đơn giản, mà nó như là nguồn sống, là lý tưởng. Đời sống âm nhạc sống trong tôi như là cuộc đời mình. Cho nên, tôi vẫn thèm hát chứ, nhớ sân khấu, thỉnh thoảng mới được lên và mỗi lần lên như một sự chắt chiu, trân trọng.
- Công việc kinh doanh thuận lợi, ca hát vẫn là lý tưởng sống. Chị dồn tâm sức cho lĩnh vực nào hơn?
- Thật ra tôi dồn tâm sức cho công ty nhiều hơn. Công ty của tôi đang hợp tác với VTV4 thực hiện chương trình cuộc thi hát “Tôi yêu tiếng nước tôi” cho kiều bào Việt Nam xa Tổ quốc. Năm nay, có khoảng 9, 10 nước Đông Âu có kiều bào Việt sinh sống tham gia dự thi. Tôi hi vọng đến năm sau, nó sẽ trở thành phong trào, cứ 2 năm một lần, chắc chắn tương lai kiều bào Việt Nam sống trên khắp thế giới sẽ ủng hộ cuộc thi này. Đây là sân chơi đầu tiên dành cho kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Tôi có suy nghĩ rằng, công ty Thanh Hoa giành được sự yêu quý của bà con và trong nhiều năm trở lại đây, tôi đi lưu diễn ở nước ngoài, nhận thấy đã đến lúc mình phải trả ơn họ, tạo một sân chơi để họ hướng về đất nước, không phải chỉ là sự đóng góp về vật chất mà đó là tình cảm họ dành cho Tổ quốc.
- Khi nhắc tới kinh doanh là nói tới lợi nhuận. Trong khi, ca hát thuộc về nghệ thuật, hướng tới những giá trị thẩm mĩ. Có điều gì mâu thuẫn ở đây không thưa chị?
- Nó không hề mâu thuẫn. Bởi hát không phải là phi lợi nhuận. Thật ra, ở cái tuổi của tôi, cứ chăm chỉ đi hát thì còn nhanh giầu hơn làm bất kỳ một thứ kinh doanh nào! (cười) Bởi là nghệ sĩ nhân dân, mỗi một lần xuất hiện thì được trả khá cao, thậm chí gấp 3, 4 lần lương hưu, nên tôi cũng không đòi hỏi. Bởi chẳng ai có thể tỏa sáng cả cuộc đời, nên nhận được bao nhiêu tiền trong mỗi lần tham gia biểu diễn mình cũng trân trọng và cảm ơn tình cảm của mọi người dành cho.
Vẫn đi hát nếu có chương trình phù hợp. |
- Chất nghệ sĩ trong con người của chị có làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của chị không?
- Ảnh hưởng nhiều đấy! Các nhân viên của tôi thường nói: “Cô chẳng giống một chủ tịch hội đồng quản trị gì cả, cô giống một nghệ sĩ nhiều hơn”. Cách làm việc theo kiểu gia đình, rất giản dị, gần gũi và bộc bạch, ngay cả bộc bạch những điều không cần thiết. Nhưng đó là bản tính của người nghệ sĩ, thích được chia sẻ.
Có lẽ đó là cảm xúc, là cách nghĩ của người nghệ sĩ trong tôi, nó tồn tại và trở thành bản năng rồi. Nếu bây giờ đòi hỏi tôi nghiêm khắc như một giám đốc khác thì tôi không làm được. Có lẽ nhân viên phải chấp nhận sự đồng bóng của tôi thôi. (Cười)
- Những ngày đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, chị có thể chia sẻ đôi điều?
- Khi bước chân vào mở công ty, tôi phải học từ đầu và đã phải trả giá không ít. Tôi không biết cơ cấu để thành một công ty, nhất là thuế, nhiều vấn đề không biết. Tất cả đều mới và lạ, tôi phải mua sách về đọc. Tôi tự trau dồi tích lũy kinh nghiệm qua từng ngày và hiểu ra một điều: có trí tuệ mới kinh doanh giỏi được!
- 7 năm làm trong lĩnh vực kinh doanh. Chị đã đúc rút cho mình những kinh nghiệm gì?
- Khi làm kinh doanh tôi không phải là người biết chi ly tính toán, chắt chiu. Các cụ có câu “vung tay quá trán” thì tôi thậm chí vung tay quá đầu gấp mấy lần. Trong 7 năm ấy, tôi đã tự rút ra ít nhiều kinh nghiệm để mình có thể nhuần nhuyễn được giữa chất nghệ sĩ và sự khốc liệt của thương trường, quản lý nghệ sĩ vừa dễ chịu, mà cũng vừa khó khăn. Ở bất kỳ một lĩnh vực nào, con người ta tồn tại lâu dài nhất ở tình nghĩa và sự chân thành, trong kinh doanh cũng không ngoại lệ.
- Những thăng trầm trong cuộc đời “dạy” chị những gì trong kinh doanh?
- Con người ta càng nhiều sóng gió trong cuộc đời thì càng trưởng thành hơn. Đối với người nghệ sĩ như tôi, tất cả những sóng gió ấy sẽ được ghi dấu ấn nhiều hơn để được sự yêu thương, sự quan tâm của công chúng. Va vấp sẽ khiến con người ta phấn đấu và khát vọng. Cô đơn khiến con người ta cảm nhận sự ngọt ngào của hạnh phúc. Tôi ngộ ra điều đó, không chỉ trong lĩnh vực đời sống riêng mà cả trong kinh doanh cũng vậy. Tôi chuyển sang làm lĩnh vực truyền thông. Mong muốn của tôi là mang âm nhạc Việt Nam gửi tới kiều bào đang sống ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Theo Vietnamnet