Theo hồ sơn bản án, vào thời điểm năm 2005, Chánh Tín giữ chức Phó Chủ tịch Ngân hàng Phương Nam. Ông cùng với công ty của gia đình (CTCP điện ảnh và truyền thông Chánh Tín, do con trai ông là Nguyễn Chánh Minh Thức làm giám đốc) sản xuất bộ phim “Dòng máu anh hùng”.
Chánh Tín buồn rầu kể lại sự việc với phóng viên. Ảnh: Khắc Thành |
Chi phí sản xuất bộ phim là 1,5 triệu USD. Do thiếu tiền nên Chánh Tín phải đứng ra bảo lãnh vay Ngân hàng Phương Nam 8,3 tỷ đồng để làm phim.
“Dòng máu anh hùng” hoàn thành với những thành công về mặt nghệ thuật ngoài mong đợi, bộ phim này đã đoạt giải Hạng ưu - Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương năm 2007.
Phim công chiếu trong nước, sau khi trừ chi phí thu về được 3,5 tỷ đồng, nhưng số tiền này không thấm vào đâu so với số tiền mà Chánh Tín đã bỏ ra làm phim. Vì thế ông quyết định mang “đứa con tinh thần” ra nước ngoài công chiếu nhằm thu hồi vốn.
Khi mang ra nước ngoài chiếu thì không ai đến xem vì họ đã mua... đĩa lậu trước đó. Từ đó, Chánh Tín lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, cho đến năm 2009 số nợ lên đến 10,5 tỷ đồng.
Trong đơn xin hoãn thi hành án, Chánh Tín viết: “Tôi làm đơn này xin xem xét cho gia đình được hoãn thi hành án từ tháng 3 - 9/2014. Vì hiện nay tôi đang bị bệnh hiểm nghèo nên chưa đủ điều kiện tìm chỗ ở mới sau khi phải thi hành án”.
Giữa năm 2008, Chánh Tín cùng vợ là bà Bích Trâm bàn bạc và thống nhất đem ngôi nhà của gia đình nằm trên đường Ba Vì (quận 10, TP.HCM) thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để bảo lãnh số tiền 8,3 tỷ đồng vay trước đây.
Không kiếm ra tiền trả nợ, nên đến tháng 5/2009, vợ chồng Chánh Tín quyết định bán căn nhà cho Ngân hàng Phương Nam. Vì không hiểu luật, Chánh Tín đã đơn phương hủy hợp đồng thế chấp bảo lãnh để thực hiện giao dịch bán nhà mà chưa có sự đồng ý của con trai là Nguyễn Chánh Minh Thức (Tổng Giám đốc công ty Chánh Tín), là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vì thế, giao dịch mua bán nhà của Chánh Tín là trái luật, vì nhà đang thế chấp không được đem ra mua bán.
Sau đó, Ngân hàng Phương Nam đã đưa vụ việc ra tòa. Ngày 18/7/2012, TAND quận 10 tuyên Chánh Tín thua kiện và ông phải giao ngôi nhà cho Ngân hàng Phương Nam.
Căn nhà của Chánh Tín sắp phải giao cho Ngân hàng Phương Nam. Ảnh: Khắc Thành |
Không đồng ý với phán quyết này, Chánh Tín làm đơn kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm đầu năm 2013, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trong thời gian này, Chánh Tín cũng đầu tư hàng tỷ đồng vào dự án trồng rau sạch tại tỉnh Lâm Đồng. Dự án cũng thất bại khiến nam diễn viên lâm vào cảnh trắng tay.
Thời gian gần đây, ông lại mắc bệnh nặng về tim mạch, huyết áp, tiểu đường... và liên tục phải đi bệnh viện. Vừa xuất viện vào đầu tháng 3/2014 thì ông nhận được thông báo ngày 20/3 là hạn cuối cùng phải giao nhà cho Ngân hàng Phương Nam để đảm bảo việc thi hành án.
Ngay sau đó, Chánh Tín đã làm đơn xin tạm hoãn thi hành án có điều kiện và gửi đơn đến TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM “cầu cứu”. Trong đơn ông viết: “Tôi làm đơn này xin xem xét cho gia đình được hoãn thi hành án từ tháng 3 - 9/2014. Vì hiện nay tôi đang bị bệnh hiểm nghèo nên chưa đủ điều kiện tìm chỗ ở mới sau khi phải thi hành án”.
Tâm sự buồn của người nghệ sĩ
Tiếp xúc với phóng viên, nam diễn viên buồn rầu: “Cả một đời lao động cật lực với niềm đam mê nghệ thuật, sau thành công sau với diễn Nguyễn Thành Luân trong phim "Ván bài lật ngửa". Tôi tiếp tục dốc hết tiền bạc và tâm huyết vào "Dòng máu anh hùng", bộ phim này đã mang lại thành công về mặt nghệ thuật, nhưng lại bị ăn cắp bản quyền, dẫn tới thất bại về doanh thu. Chính vì thế mà tôi bị phá sản, lầm vào cảnh nợ nần chồng chất".
Đơn xin hoãn thi hành án của NSƯT Chánh Tín. |
Chánh Tín cho biết thêm, sau khi lâm vào cảnh nợ nần, ông vẫn tích cực tham gia vào hoạt động nghệ thuật và cho ra một số bộ phim đình đám khác như: Chết lúc nửa đêm, Hiệp sỹ guốc vông, Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn,... Nhưng những bộ phim này lần lượt đi vào vết xe đổ của "Dòng máu anh hùng" - chi phí đắt đỏ nhưng doanh thu ít ỏi. Vì thế chẳng những không trả được nợ mà số nợ ngày càng một lớn hơn.
NSƯT trầm ngâm: “Cả một đời lao động, cống hiến hết mình vì điện ảnh mới dành dụm tiền mua được căn nhà, sắp tới đây nhà mất tôi lại lâm vào cảnh trắng tay. Thành công với nghệ thuật nhưng cũng chính niềm đam mê nghệ thuật đã giết tôi. Từ đỉnh cao sự nghiệp nhưng khi về già tôi lại lâm vào cảnh bi đát như thế này”.