NSƯT Chí Trung cùng ê-kíp diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ vừa có buổi giao lưu và biểu diễn vở Ai là thủ phạm tại TP.HCM. Giám đốc nhà hát đã chia sẻ những trăn trở của mình về thực trạng sân khấu ở Hà Nội.
"Ở Hà Nội, nhà hát Tuổi trẻ là nơi duy nhất còn sáng đèn, bán được vé. Tuy nhiên, khán giả ở đây có tâm lý nhận vé mời. Nếu vé mời thì đi rất đông. Tôi không muốn điều đó xảy ra. Khi bạn thưởng thức một sản phẩm, mua một sản phẩm thì phải từ chính tấm lòng của bạn. Còn giấy mời tạo ra một món ăn trung tính mà điều đó thì tôi không cần", anh cho hay.
NSƯT Chí Trung chia sẻ về chuyến lưu diễn miền Nam. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Anh kể một tuần nhà hát Tuổi trẻ vẫn diễn 2-3 buổi nhưng không được như ngày xưa là một vở ra mắt thì diễn 70 buổi liên tục. Khán giả chỉ tập trung mua vé các vở hài kịch, còn chính kịch thường thưa vắng khách. Anh cho biết sắp tới chỉ mở sân khấu nhỏ với 100-200 ghế ngồi.
Nhìn nhận về thực trạng hoạt động sân khấu ở Hà Nội, Chí Trung đánh giá đìu hiu và khó khăn. Anh hài hước nói: "Ở Hà Nội nhà hàng còn ít khách, khó hoạt động được thì nhà hát không bán được vé cũng là dễ hiểu. Trong khi ở miền Nam mọi thứ đều sôi động. Ai cũng muốn Nam tiến chứ có Bắc tiến đâu".
Lần này Nam tiến, nhà hát Tuổi trẻ sẽ có một tháng lưu diễn tại TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu từ 18/4-10/5. NSƯT Chí Trung cho biết những suất diễn này đều theo đơn đặt hàng nên không lo chuyện bán vé.
Trả lời câu hỏi về việc có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp nên dễ dàng đem về những hợp đồng biểu diễn cho nhà hát.
Chí Trung cho rằng: "Đương nhiên là mối quan hệ nhưng trên tinh thần thương hiệu nhà hát phải có. Bản thân tôi cũng có thương hiệu. Mối quan hệ là chơi lâu thì mới có. Còn việc đi xin tiền, cần sự giúp đỡ của doanh nghiệp lớn thì phải thế nào chứ bình thường, kể cả trải bản thân ra cũng không làm được. Họ biết tôi làm hết lòng vì nhà hát. Nhà hát là thương hiệu mạnh nên họ muốn hợp tác. Tôi quan niệm là cả hai cùng đồng hành với nhau chứ không đi xin, để họ cho".
Chí Trung cho biết sân khấu kịch Hà Nội đìu hiu. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Trong dịp lưu diễn lần này, anh khẳng định vở diễn đậm dấu ấn phong cách kịch của Nhà hát Tuổi trẻ mà không thay đổi bất cứ điều gì. Anh tin rằng thị hiếu khán giả hai miền khác nhau nhưng bản thân mỗi vở diễn phải có màu sắc và phong cách khác nhau.
"Tôi là tôi, khán giả đến xem vì tôi khác chứ không phải tôi giống anh Thành Lộc, Hồng Vân. Như vậy đâu còn là thương hiệu nữa", anh nhấn mạnh.
Vở Ai là thủ phạm do Chí Trung đạo diễn kể về cuộc sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 1980 ở Hà Nội. Đó là những mảnh đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh là “Quân khu Phượng Hà”. Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều cách giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau…