Anh cùng lúc vừa phải chạy show Táo VTV, lại vừa phải làm Táo Tuổi Trẻ (NH Tuổi Trẻ, những hai chương trình liền: Táo Cười đón xuân, Táo Hóng đón xuân; cả trong hai vai trò diễn viên, đạo diễn). Câu chuyện cuối năm với “siêu Táo” vì thế cũng đầy “chất Táo”: có cái cười thả phanh, nhưng cũng có cái cười buồn…
“Một đằng là pháo tầm cao, một đằng là pháo tầm thấp. Pháo tầm cao thì thường là nhắm vào những nỗi bất công, bất cập của xã hội, nói thay cho nỗi niềm của những người dân thấp cổ bé họng. Còn mục tiêu của pháo tầm thấp thì là chỉ quẩn quanh mấy chuyện nhân tình thế thái, trong nhà ngoài ngõ, nên gọi là 'Táo dân sinh'…”.
Chương trình gặp nhau cuối năm. |
Cười rồi thì lựa lời mà bảo nhau
- Trong khi VTV dùng cáp treo chở Táo lên giời thì NH Tuổi Trẻ lại dùng thang dây đưa Táo xuống đất là cớ làm sao?
- Thì đã bảo, một đằng là pháo tầm cao, một đằng là pháo tầm thấp mà lại! Pháo tầm cao thì thường là nhắm vào những nỗi bất công, bất cập của xã hội, nói thay cho nỗi niềm của những người dân thấp cổ bé họng. Còn mục tiêu của pháo tầm thấp thì là chỉ quẩn quanh quanh mấy chuyện nhân tình thế thái, trong nhà ngoài ngõ, nên mới gọi là Táo dân sinh. Hay nói cách khác, một đằng là Táo Nhà nước, một đằng là Táo… nhà dân. Nhưng thôi, Táo nào mà chả là Táo, miễn cứ gặp Táo là bà con được cười thả phanh là được! Cười xong rồi thì nhẹ nhàng bảo nhau nên làm gì cho phải…
- Năm nay, ngoài “Táo cười đón xuân” (phát trên sóng truyền hình 10 đài TH địa phương vào đêm 23 tháng chạp - PV), nghe nói ra xuân, NH Tuổi Trẻ còn tung thêm món “Táo Hóng”? Cụ thể là họ nhà Táo các anh “hóng” gì vậy?
- Ngày thường có Xóm hóng, thì ngày Tết có Táo Hóng vậy. Theo đó, những ông Táo, bà Táo, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng (do tôi, Vân Dung, Minh Hằng, Đức Khuê thủ vai) sẽ lân la quanh xóm gom nhặt chuyện nhà này, nhà nọ về kể nghe chơi. Xoay quanh chủ đề “đức - tâm”, Táo Hóng lần này (công diễn tại NH Tuổi Trẻ từ mồng 6 Tết) sẽ gồm 3 tiểu phẩm: Thiên đình tây du hí, Việt Liều về Lước, Người ngay sợ kẻ gian.
Trong Táo Hóng (vẫn với kịch bản của “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng), các Táo Văn Hóa, Giao Thông sẽ được một phen chu du trời Âu cùng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu để nghe Táo Cộng đồng cùng vợ con báo cáo về quá trình hội nhập với người dân nước bạn. Chứng kiến cuộc sống vất vả của những người Việt xa xứ nơi đất khách, ba thầy trò Ngọc Hoàng đã lập tức khăn gói quả mướp về lại VN và đến thăm Xóm Hóng đúng hôm cả xóm đang linh đình tổ chức “lễ hội hóa trang”. Thế rồi một loạt chuyện bi hài đã xảy ra khi dân xóm nhầm tưởng những người của Thiên đình là … hội những người bán hàng đa cấp; còn cái anh chàng “Việt kiều” giỏi món “quay tay”, hóa ra chỉ vì vốn gốc là một anh đầu bếp, ở bên kia chuyên làm nghề… lắc chảo…
- Năm nay, trước khi “họ nhà Táo” xuất hiện, khán giả đã… suýt được cười với Ơn giời cậu đây rồi và Chết cười nhưng kết quả là… không cười nổi. Cái món hài kịch nghe chừng là hơi mạo hiểm với truyền hình thực tế, anh có thấy vậy?
- Có được tiếng cười trong đời sống đã khó, có được tiếng cười trên sân khấu còn khó hơn, lại là sân khấu truyền hình thực tế. Có làm hài kịch thì mới hiểu, lấy được tiếng cười của khán giả khó vô cùng. Diễn nguội trên sân khấu còn đỡ, chứ diễn live lên sóng truyền hình trực tiếp thì quả là độ rủi ro rất cao, vì ngộ nhỡ đâu có anh nào đó hứng lên nhỡ mồm thì cứu sao đây. Chưa kể, còn là yếu tố cộng hưởng từ khán giả.
Đơn cử, hôm chúng tôi diễn Táo cười đón xuân (để Công ty Nghe nhìn Hà Nội ghi hình, bán cho các đài địa phương phát sóng vào đêm 23 tháng Chạp vừa rồi), vào suất diễn chiều lèo tèo khán giả, y như rằng nghệ sĩ diễn “thiếu lửa” ngay. Tới suất tối, khán phòng được lấp kín, diễn xuất “bay” hẳn, khán giả cười nghiêng ngả. Làm hài, nhiều lúc phải tính cả yếu tố “ăn may” là ở đó…
“Khi yêu đừng quay đầu lại”
- Cũng như nhiều chương trình khác của NH Tuổi Trẻ, “Táo cười đón xuân” hai năm gần đây đã được sản xuất và phát hành theo phương thức “xã hội hóa”. Đã đến lúc hài kịch cũng trở nên khó bán vé sao, ở ngay chính tại “đại bản doanh của Đời cười”?
- Nhìn chung, làm nghệ thuật lúc này không thể làm cái anh Đại Lãn chờ sung được, không thể chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của khán giả được. Tôi đã thêm lần nữa thấm thía điều đó sau hai suất diễn “đắng lòng” của Vòng phấn Kafka mới đây. Điều không thể ngờ là sau 4 đêm liền đông nghịt khán giả tận đến phút cuối, ai nấy xem xong bắt tay nói cười hỉ hả, tưởng chừng như chắc thắng đến nơi, thì 2 suất diễn tiếp theo (không còn phát vé mời): một suất bán được… 21 vé, một suất bán được… 5 vé, thảm không thể tưởng!
Các vở kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, mỗi đầu giờ tôi đều thắp một nén nhang và tự hứa với lòng mình: Nếu như khán giả không đến, hoặc không ở lại vào phút chót thì tôi là người có tội với anh. “Xã hội hóa”, hay nói cách khác là tìm những người bạn đồng hành với mình (tôi không thích dùng chữ Mạnh Thường Quân) chính là để phần nào giúp sân khấu thoát ra khỏi những quang cảnh buồn tẻ không đáng có ấy, và trong nhiều trường hợp, còn là có tội.
Hài kịch cũng thế thôi, không chủ động là chết! Nhưng một mặt, anh cũng không nên “tham nhũng lòng tin” của những người bạn đồng hành. Đó là lý do mà năm nay, chúng tôi đã tự mình sản xuất Táo Hóng thay vì kêu gọi đồng hành, tài trợ. Thực tế cho thấy, khi một sản phẩm tốt được đẩy lên thành thương hiệu, sẽ lập tức có những thương hiệu tốt tìm đến với anh. 2014 vì thế đã chứng kiến mùa đầu tiên chúng tôi triển khai thành công mô hình “thẻ đồng thương hiệu”: Trên cùng chiếc thẻ ATM, là các thương hiệu bao gồm NH Tuổi Trẻ cùng những người bạn đồng hành, để mỗi khán giả khi đến xem kịch ở NH Tuổi Trẻ hay là khách hàng của các thương hiệu kia, sẽ đều nhận được những quyền lợi riêng dành cho chủ thẻ…
- Công nhận anh “lắm trò” thật đấy, kể từ ngày ngồi ghế Phó giám đốc NH Tuổi Trẻ! Thực ra, Chí Trung đã già chưa nhỉ?
- Già hay không thì chưa biết nhưng chắc không có “thằng điên” nào mà giờ này còn ngồi ở cơ quan đâu nhỉ! Nhưng mà, “khi yêu đừng quay đầu lại” (cười)!