Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NSƯT Chí Trung: 'Tôi bị Lưu Quang Vũ nhập hồn'

"Trong thời gian dựng kịch của anh Vũ, tôi mất ăn mất ngủ, trở thành thằng già khó tính, chửi bới, cấu véo diễn viên khi họ diễn vô hồn, đọc sai thoại' - Chí Trung nói.

"Cứ nghĩ mình chỉ diễn được hài ba lăng nhăng"

- Đem đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ vào TP.HCM khi khán giả hai miền Nam - Bắc có gu thưởng thức kịch khác nhau, trong vai trò người dàn dựng hai vở “Lời thề thứ 9” và “Mùa hạ cuối cùng”, anh gặp những áp lực gì?

- Tôi không chạy theo gu. Tôi quan niệm người làm nghệ thuật phải cải tạo được gu. Các bạn có thể thích kịch Phú Nhuận, Idecaf hay Hoàng Thái Thanh nhưng chúng tôi là kịch mang phong vị Bắc. Cũng như bạn có thể thích hủ tíu Nam vang, hủ tíu bò kho, bún bò Huế nhưng chúng tôi là phở Bắc Hà. Vậy ai quan tâm đến phở Bắc Hà thì đến đây.

Hai vở Lời thề thứ 9 Mùa hạ cuối cùng là kịch của Lưu Quang Vũ đã tạo nên thành công lớn vào tháng 9 vừa qua khi diễn tại Hà Nội. Cũng có người cho rằng, kịch Lưu Quang Vũ có thể diễn ở Hà Nội nhưng mang vào TP.HCM chắc gì đã thành công. Thế nhưng tôi lại nhận được rất nhiều ý kiến từ trang cá nhân, email, tin nhắn điện thoại của nhiều khán giả gốc Bắc đang sinh sống trong này, rằng tôi phải có trách nhiệm mang kịch Lưu Quang Vũ vào đây. Tôi rất tự tin và cho rằng những điều hay lẽ phải, giá trị sống, tính dự báo trong kịch Lưu Quang Vũ vẫn chinh phục được khán giả phương Nam vì họ là những người nhanh, nhạy và hiểu biết, chứ khán giả miền Bắc lại “lập lờ” và khó tính hơn.

Hơn nữa, các bạn phương Nam cũng nên đổi món. Ăn mãi hủ tíu, bún bò cũng chán nên người ta sẽ tìm đến phở. Chúng tôi lại là những người thợ đích thực, vào tận nơi để bán, chắc chắn sẽ mang đến cho khán giả những món ăn ngon.

- Nhiều người cho rằng kịch Bắc sâu sắc, mang tính châm biếm cao nên có cảm giác nặng nề, trong khi đó, kịch Nam lại nhẹ nhàng, tính giải trí cao. Là người nghệ sĩ, anh có muốn thay đổi để làm mới?

- Không, tôi không thích thay đổi vì phải giữ được yếu tố vùng miền. Nếu đồng hóa những thứ không thuộc về mình thì đó là cách đào thải nhanh nhất. Tôi là người nghệ sĩ hài mang tính chua cay, châm biếm. Khách nào muốn tìm điều này cứ tìm, còn khách nào muốn đi vào rạp cầm theo gói bỏng ngô, cười ha ha, rồi đi ra cửa sau thì tôi không thể cải tạo những vị khách đó. Tôi chỉ làm nhiệm vụ bán hàng và mang phong vị riêng của Nhà hát Tuổi trẻ, của đất Bắc.

- Một vở diễn quy tụ quá nhiều dàn diễn viên gạo cội, nghệ sĩ ưu tú, anh có gặp khó khăn trong việc xếp vai?

- Không, tôi có gần 200 diễn viên trong tay, mọi thứ nằm trong tay, tôi biết ai hợp với vai gì. Hơn nữa nghệ sĩ ngoài Bắc khác, không phải họ có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú sẽ chỉ đóng vai chính. Họ ăn lương nhà nước nên phải làm, chứ không như nghệ sĩ trong Nam trông vào lịch quay phim hay những nhà hảo tâm.

- “Mùa hạ cuối cùng” từng được NSND Phạm Thị Thành dựng thành công cách đây 30 năm. Khi dựng lại, anh gặp khó khăn gì?

- Khó khăn nhất của tôi cũng đúng như câu hỏi của bạn. Cách đây 32 năm, NSƯT Phạm Thị Thành dựng và gây được tiếng vang. Khó khăn của tôi là tái dựng lại vở diễn của cô giáo mà thoát khỏi cái bóng của cô mà vẫn đưa được hơi thở của thời đại vào, vì đối tượng của tôi là khán giả trẻ. Làm thế nào để các bạn trẻ cảm nhận và ngồi xem từ đầu đến cuối, đó là trở ngại của tôi.

Tôi đã đưa yếu tố điện ảnh vào vở kịch này và đã thành công. Tại Liên hoan quốc tế, tôi được giải đạo diễn xuất sắc nhất với vở kịch này. Một nhà tài trợ đã kết hợp với chúng tôi để diễn 100 suất chiếu miễn phí cho sinh viên của 119 trường đại học, cao đẳng tại địa bàn Hà Nội. Suốt 2 tiếng đồng hồ, các bạn sinh viên ngồi im phăng phắc, sung sướng xem, không ai bỏ về. Sinh viên vốn là những người nhạy cảm, nếu không hay, kể cả miễn phí hay phát quà, họ cũng sẽ bỏ về như thường.

- Điều gì đã tạo nên thành công cho anh trong vai trò đạo diễn?

- Đó là tôi bị nhà thơ Lưu Quang Vũ nhập hồn. Không tin mọi người cứ hỏi vợ tôi thì biết, tôi mất ăn mất ngủ kể từ khi dựng vở Mùa hạ cuối cùng. Với kịch của anh Lưu Quang Vũ, tôi và Lê Khanh thuộc từng lời thoại, nó như ngấm vào máu rồi nên không thể nào chịu nổi khi diễn viên nói sai ý, không hiểu được tính công dân trong từng câu thoại, trong cách xử lý tình huống…

Các diễn viên trẻ thiếu hẳn sự rung động chính trị, thiếu hẳn tâm tư cuộc sống, nói tầm phào… trong khi lời của anh Vũ, cứ nói đủ, nói đúng đã là hay lắm rồi. Nhưng diễn viên hay thêm lời vớ vẩn, lăng nhăng, thán từ vào câu thoại khiến tôi trở thành một “thằng già” khó tính. Tôi cứ nhảy bổ lên sân khấu, cấu véo thằng nọ, vả vào con kia… Đó không phải vì tôi khó tính mà với anh Lưu Quang Vũ thì không thể diễn linh tinh được. Tôi nghĩ mình bị anh Vũ nhập hồn là vì vậy.

Khi được giải đạo diễn xuất sắc cho vở này, tôi bất ngờ lắm. Tôi nhận ra rằng hóa ra mình cũng có tâm hồn, vì từ trước đến giờ cứ nghĩ mình diễn hài, ba lăng nhăng.

"Sẽ không đóng Táo Giao thông nữa"

- Đường hoàng là Phó giám đốc Nhà hát nhưng anh vẫn không ngại năn nỉ, van xin các đơn vị lớn mua vé ủng hộ, anh không sợ mất hình ảnh?

- Tôi không sợ vì áp lực. Ngoài việc cơm áo gạo tiền còn là vấn đề danh dự nữa. Tôi dẫn 47 con người bỏ ăn, bỏ gia đình vào đây theo mình đâu phải đi chơi. Ngoài việc lo ăn, ở thì ở khách sạn quận 1 đâu có rẻ, lại phải trả tiền cát-xê cho mọi người, chưa nói phải hoàn thành nhiệm vụ làm rạng danh Nhà hát Tuổi trẻ. Chúng tôi đem kịch Lưu Quang Vũ vào để nó trở thành một thương hiệu, đưa kỷ niệm 35 năm Nhà hát vào để trở thành một biểu tượng, do đó, tôi gặp nhiều áp lực chứ.

- Bận rộn với công việc Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và đưa kịch Lưu Quang Vũ lưu diễn tại TP.HCM, đó có phải lý do anh từ chối tham gia "Táo quân 2014"?

- Đó cũng là một trong những lý do. Tuy nhiên, lý do chính vẫn là tôi đọc kịch bản và không tìm thấy chất liệu để vai diễn hay hơn. Tôi thấy không vượt qua được chính mình để có vai diễn thành công trong lòng khán giả nên đã chủ động xin rút lui. Nói như thế không có nghĩa là tôi không đóng Táo quân. Tôi chỉ không đóng Táo Giao thông nữa thôi.

- Nói như thế đồng nghĩa với việc anh khẳng định Táo quân năm nay không hấp dẫn như mọi năm?

- Không phải thế. Tôi chỉ nói về Táo Giao thông của tôi năm nay không hay như mọi năm vì bản thân giao thông năm nay đã tốt hơn, rất nhiều vấn đề đã được giải quyết theo góc nhìn của tôi. Chất liệu của hài kịch là sự châm biếm, tỷ lệ nghịch với chất liệu cuộc sống, vì vậy khi thực tiễn đã tốt hơn rồi thì tôi không còn chất liệu cho vai diễn.

Kịch bản Táo quân năm nay tôi chưa đọc. Bản thân cũng chưa được mời đóng Táo Giao thông, chỉ biết rằng, nếu được mời, tôi sẽ không tham gia.

- Anh tuyên bố không tham gia “Táo quân 2014” vào thời điểm đưa đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ Nam tiến đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây phải chăng là một chiêu PR của Chí Trung?

- Mọi người nghĩ như thế cũng có ý đúng. Thực ra, tôi đã nói về điều này cách đây vài tháng trước, tuy nhiên, đúng thời điểm này, mọi người lại nhắc về nó, mà hỏi thì tôi trả lời thôi. Cái hay ở chỗ nó trùng với thời điểm tôi đưa kịch Lưu Quang Vũ vào TP.HCM nên có thể nói đây là một chiêu trò PR của tôi để mọi người chú ý hơn cũng không sao.

- So với tuổi 50, ngoài đời anh dí dỏm, hài hước và rất trẻ trung, điều gì tạo cho anh tích cách này?

- Do tôi có niềm tin yêu cuộc sống thôi. Tôi nghĩ rằng là một nghệ sĩ nên góp phần tươi đẹp cho cuộc sống. Nếu chúng tôi tươi tắn thì chúng tôi là một bó hoa, còn chúng tôi nhăn nhó, kêu la cuộc sống thì chúng tôi chỉ là mớ rau muống thôi.

- Bà xã, NSƯT Ngọc Huyền có vai trò như thế nào trong sự thành công của anh?

- Tôi sẽ trở nên sáo rỗng nếu dành cho vợ những lời khen và người ta sẽ nghĩ tôi nịnh vợ nhưng thực ra không dễ gì để chúng tôi vượt qua được 35 năm, từ yêu và lấy nhau. Đến giờ chúng tôi đã có hai người con trưởng thành.

Tất nhiên Ngọc Huyền rất đẹp, rất lung linh nhưng chỉ là với riêng tôi, và có khi chả có nghĩa lý gì so với người khác nhưng tôi luôn hãnh diện về vợ mình. Nếu ai hỏi thì tôi đều trả lời như thế.

Chí Trung và bà xã hạnh phúc sau 35 năm chung sống.

Thanh Ngọc Ảnh: Thành Luân

Bạn có thể quan tâm