- Trên sân khấu cải lương, người ta quá rành “bà già ba miền” Lê Thiện nhưng với khán giả truyền hình, bà chỉ là "lính mới" vào nghề. Bà có tiếc khi duyên với phim ảnh đến với mình quá muộn?
- Trước đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ có thể đến với truyền hình nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi rất tiếc vì bén duyên phim ảnh muộn. Điều vui sướng nhất chính là bạn bè, đồng nghiệp ở lứa tuổi của tôi đều rất mừng vì tôi có thể đại diện cho họ đến với khán giả. Ai cũng mong muốn có sức khỏe để tiếp tục cống hiến hết mình cho nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, bản thân tôi cũng thế.
Đến với phim ảnh sau nhiều năm đứng trên sân khấu cải lương, tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc hóa thân vào nhân vật. Khi còn đi học, tôi được những người thầy sân khấu dạy bảo cho nhiều hành trang quý giá.Những trải nghiệm, chẳng những không làm cho hành trang đó vơi đi mà còn giúp tôi thu nạp thêm ngày càng nhiều vào kho báu của mình. Chính vì vậy, khi đóng phim, tôi sẽ lục lọi lại khó báu đã có rồi tìm, dung nạp thêm thực tế ngoài đời để khắc họa, thổi tâm hồn vào vai diễn.
NSƯT Lê Thiện Trong một cảnh phim "Vừa đi vừa khóc". |
- Là người góp phần không nhỏ vào sự thành công của đoàn cải lương xung kích Trần Hữu Trang trước đây, bà nghĩ sao khi một bộ phận giới trẻ hiện nay đang quay lưng lại với bộ môn nghệ thuật này?
- Đoàn cải lương xung kích là một khóa đào tạo thứ ba của nhà hát Trần Hữu Trang. Mọi người nguyện ý sẽ tạo nên một lớp nghệ sĩ vừa có tài vừa có đức và các diễn viên của đoàn xung kích đã làm được điều đó. Vào lúc bấy giờ, tôi còn làm việc và giữ chức phó giám đốc nhà hát. Sau khi xin xuống phụ trách trực tiếp, quản lý đơn vị trẻ này, tôi từng cùng các em đi tới những vùng sâu xa, hải đảo để diễn. Nếu cách đây 15 - 20 năm, nói đến đoàn cải lương xung kích nhà hát Trần Hữu Trang, người ta sẽ nghĩ ngay đến một mô hình sáng giá, chỉ trong vòng 5 năm hoạt động đã được tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Diễn viên bị mai một là lỗi ở người lãnh đạo. Ở đây, không thể nói khán giả quay lưng lại với sân khấu cải lương là lỗi ở họ, mà tại mình. Bạn đã chạm vào nỗi đau của tôi. Biết nói sao bây giờ… khi mà nghệ thuật đã thành thương trường. Những người cầm cân nảy mực chưa hoặc không đánh giá hết được sản phẩm nào tốt thì dù những người có tâm huyết muốn làm, muốn thực hiện cũng không có bệ phóng.
Trong đoàn xung kích, năm nay em nào trẻ nhất cũng đã ở tuổi 40. Tỉ lệ ở lại với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn bao nhiêu lưu lạc tứ tán. Để có được một ê-kíp ăn rơ như vậy, đào tạo mất 5 năm, biểu diễn 5 năm, phát triển 5 năm là hết chừng 15 năm, đâu ai hiểu được điều đó. Chính vì vậy, sau khi về hưu gần 10 năm, tôi không dám bước tới sân khấu, vì nỗi buồn không còn vô hình mà dường như lúc nào cũng hiện hữu.
- Vậy lý do nào khiến bà bất ngờ trở lại sân khấu cải lương sau 15 năm vắng bóng trong vở “Vụ án trộm trứng gà” cách đây hai năm?
- Khi nghe bạn hỏi điều này, cảm giác xuất hiện đầu tiên trong tôi chính là vô cùng xúc động. Thú thật, tôi nghiền trở lại sân khấu cải lương lắm nhưng bản tính của tôi là tác phẩm nào tôi thích và vừa với sức thể hiện, tôi mới dám làm. Sau khi nghỉ hưu, tôi không tham gia nhiều vở cải lương bởi tuổi tác có hạn. Sân khấu đòi hỏi chất trẻ nên tôi rất sợ phải "cưa sừng làm nghé". Riêng Vụ án trộm trứng gà, tôi vào bà Năm rất ngọt vì tôi thích nhân vật này. Đó là một bà già thẳng tính, dám nói lên sự thật, dám đương đầu với cái ác để bảo vệ những người yếu thế hơn mình.
Sau khi vở diễn kết thúc, những tràng vỗ tay của khán giả khiến tôi cứ tưởng mình đang nằm mơ, được trở lại với thời trẻ trung, thời hoàng kim của mình. Bạn bè lên sân khấu ôm tôi và khóc nói: "Tao mừng lắm, mày diễn vẫn sôi nổi đầy lửa, đúng là một Lê Thiện của ngày xưa".
- Nhận lời trở lại sân khấu cải lương sau 15 năm vì thích vai bà Năm, còn thời điểm hiện tại, lý do gì khiến bà gật đầu đồng ý tham gia dự án phim truyền hình của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng?
- Trong cuộc đời nói chung và lĩnh vực nghệ thuật nói riêng, tôi vẫn luôn khát khao được trải nghiệm. Với phim Vừa đi vừa khóc, tôi lại có dịp thay đổi bản thân so với một số vai diễn trước đó. Đây là lần đầu tiên tôi hợp tác cùng Vũ Ngọc Đãng và vai diễn lần này được đạo diễn "đo ni đóng giày".
Trước đây, tôi từng nhận lời vào vai bà Mỹ trong Dù gió có thổi nhưng nếu như bà Mỹ được con cháu bao bọc, không phải lo nghĩ cơm áo gạo tiền, chỉ làm sao để giáo dục cho thế hệ sau hiểu được nề nếp gia phong thì bà Nguyễn Thị Nội trong Vừa đi vừa khóc lại khác. Bà sống trong cảnh nghèo khổ, lam lũ, chồng, con trai duy nhất và con dâu đều mất sớm. Một mình bà phải chống chọi với cuộc sống và không quên đau đáu khi chưa tròn xứ mệnh của một người làm dâu. Đến khi có Đông Dương, mọi sự tập trung, lo lắng cho "mầm mống" của dòng họ đều được bà dồn lên người cháu đích tôn. Vai diễn này giống như cuộc đời của nhiều người làm bà, làm mẹ khác - những người mang một cái suy nghĩ rất cổ xưa, mong muốn có cuộc sống gia đình đầy ắp tình cảm và lễ nghĩa, mong có cháu để nối dõi tông đường.
Trong phim Vừa đi vừa khóc, vì quá thương cháu trai nên bà Nội tìm hiểu qua sách vở, báo đài rất nhiều để có thể giúp cháu phát triển toàn diện. Một mình nuôi Đông Dương, bà vừa làm nội, làm cả cha lẫn mẹ vừa làm bạn để bù đắp cho cháu. Dù khoảng cách tuổi tác giữa bà và Dương khá xa nhưng tôi muốn lấy phân tích của những chuyên gia tâm lý bây giờ là muốn giáo dục con cháu, cha mẹ phải coi con mình là bạn để hóa thân vào nhân vật. Và trong phim, rõ ràng các bạn thấy tôi còn trẻ, nhiệt thành, nhí nhảnh và xì tin.
- Trong phim, bà và Minh Hằng có sự gắn bó mật thiết. Ngoài đời, mối quan hệ hai người ra sao?
- Khi làm bạn diễn chung với Minh Hằng, tôi cảm thấy rất thú vị. Ngoài đời, Hằng là một cô gái cá tính mạnh. Chính vì thế, con mắt người đời nhìn cô bé hâm mộ rất nhiều nhưng "phán xét không có trách nhiệm" cũng không ít. Đối với tôi, bất cứ diễn viên trẻ nào có tài thực sự, tôi đều rất yêu quý, không quan tâm tới những lời nói bên ngoài.
Khi bắt đầu tiếp xúc với Minh Hằng, điều đầu tiên cô bé chinh phục tôi chính là việc hóa thân thành cậu con trai Đông Dương. Coi Hằng trên phim đóng tưởng chừng như đơn giản thế nhưng thực tế, việc chịu đựng đến mức đày đoạ thể xác của một cô gái đẹp như vậy suốt hơn bốn tháng quay phim thật quá khủng khiếp, từ tóc tai, đi xe Chaly, đạp xe ba gác chở đầy cát gách trên con đường gồ ghề cho tới khi leo trèo nguy hiểm lên nóc nhà... Có hôm trời nắng chang chang phải chịu vừa cái nắng nóng của thời tiết, vừa đèn quay phim, người bình thường chịu đựng đã khó trong khi Minh Hằng còn phải nịt người để thể hiện vai diễn của mình.
Nhiều lúc qua một ngày lao động, quay xong, tôi ôm Minh Hằng mà nói: “Thương lắm”. Tôi nghĩ bụng, nếu tôi có con gái như Minh Hằng mà phải đóng gái giả trai như vậy, tôi sẽ không cho vì cực quá. Nhưng chính nhờ sự lao động tận tuỵ, nghiêm túc trong quá trình làm việc, Minh Hằng đã hoàn toàn chinh phục được tôi - một diễn viên lớn tuổi. Tôi thấy cô bé này là một người khó tính với vai diễn của mình nhưng là một diễn viên giỏi và hy vọng càng ngày, cô ấy càng giỏi hơn.
"Nếu tôi có con gái như Minh Hằng mà phải đóng gái giả trai như vậy, tôi sẽ không cho đâu vì cực quá". |
- Không chỉ Minh Hằng, Phương Thanh cũng là ca sĩ lấn sân sang phim ảnh. Một người diễn xuất chuyên nghiệp như bà nhìn nhận thế nào về các "tay ngang"?
- Trong Vừa đi vừa khóc, có hai nhân vật gắn bó xuyên suốt cả bộ phim với bà Nội chính là cô Chanh (Phương Thanh) và đứa cháu nội Đông Dương (Minh Hằng). Đây cũng chính là hai diễn viên để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Thích thú của tôi khi diễn với Thanh chính là được... tát vào mặt cô ấy. Đau đến mức chính Phương Thanh còn ngơ ngác vì bị bất chợt bởi khi diễn tôi không cho biết khi nào sẽ ra đòn. Khi xem lại trên phim, thấy mặt Thanh còn lằn mấy ngón tay, đó không phải nhờ lực lượng makeup đâu, là 5 ngón tay thiệt của tôi đấy. Thấy cô Chanh khóc, quay xong tôi cũng sợ lắm. Tôi hỏi: "Chết rồi, cô đánh có đau không?", Phương Thanh hồn nhiên trả lời: "Đau chứ cô nhưng con thích vậy đó. Cô cứ đẩy con lên như vậy, con diễn con sướng lắm". Qua một trong những tình tiết diễn chung như thế trong phim, tôi càng hiểu và thương Thanh hơn. Anh em trong đoàn phim hay chọc Phương Thanh trong vai cô Chanh khùng khùng, tôi lại suy nghĩ khác. Cái sự khùng của Thanh trong vai Chanh rất thật và đáng yêu. Thực tế, không phải diễn viên nào cũng có thể quên cái tôi để đóng hết mình như vậy.
Sự hoá thân của Minh Hằng trong vai Đông Dương mang tới cho tôi một sự quý trọng, yêu mến, còn ca sĩ Phương Thanh ở vai Chanh lại cho tôi niềm vui thứ hai khi diễn chung. Thực sự, tôi đã quên đó là một ca sĩ có tên Phương Thanh và chỉ thấy đây đích thực là đứa cháu nội đầy bất hạnh, vì cái suy nghĩ cố hữu của mình mà trong phim, tôi không cho nó giải thoát cuộc sống đau khổ.
"Khi diễn chung, tôi thực sự quên đó là một ca sĩ có tên Phương Thanh". |
- Quãng thời gian đóng phim để lại cho bà những kỷ niệm nào?
- Ở tuổi tác của tôi, theo nhịp độ làm việc của đoàn phim rất cực và mệt nhưng ê-kíp đã tạo cho tôi những niềm vui vô giá. Đó là sự kính trọng, thương yêu từ đạo diễn, phó đạo diễn, quay phim, diễn viên cho tới các anh chị em phục vụ… Mặc dù có những ngày làm việc rất căng thẳng, đạo diễn, quay phim làm khó tôi lắm nhưng sự khó khăn đáng yêu đó khiến tôi rất nhớ. Trong cái cực, cái khó cũng phải ló ra những niềm vui chứ không làm sao sống nổi. Tôi mượn câu: "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" để các bạn dễ hiểu. Tôi nhớ có cảnh, sau khi quay xong, tôi được cả đoàn phim cõng lên, không phải vì phân đoạn đó diễn hay mà vì khi đó nước lớn quá, lội vào bờ không được, báo hại 7 - 8 anh em không phân biệt ngành nghề lội xuống rước tôi và Minh Hằng lên bờ. Những kỷ niệm vui đó thật khó quên.
Trong đoàn làm phim, tôi lớn tuổi nhất nhưng nghịch ngợm nhất. Thói quen của tôi là khi làm việc căng thẳng, phải bỏ ra một ít thời gian để chọc người này, quậy người kia để tất cả có thể xả stress. Cũng chính vì thế, đoàn phim đặt cho tôi nick name "bé thần đồng" hay "hot girl Nguyễn Thị Nội" (cười).