NSƯT Thành Lộc: 'Tôi thích sự cô độc!'
Nam nghệ sĩ này từng nói anh là người có khát vọng sống và yêu rất mãnh liệt. Hoài bão lớn nhất của anh là xây dựng một nhà hát của riêng mình nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ làm được
NSƯT Thành Lộc và Thanh Vy trong vở Vua thánh triều Lê. |
Đêm nào cũng là “live show”
- Vào nghề đã nhiều năm nhưng sao anh không thực hiện một đêm diễn theo kiểu “live show” riêng Thành Lộc?
- Đêm nào mà tôi không “live show”, thật ra, 2 chữ đó dành riêng cho giới nghệ sĩ hoạt động trong ngành thu âm (audio), lâu lâu họ làm một đêm diễn “live” để người ta hát sống đúng chất giọng của họ trên sân khấu. Còn với những nghệ sĩ trình diễn như chúng tôi thì đêm nào cũng diễn thật.
Đúng ra, cách đây 10 năm, tôi có nghĩ đến việc tổ chức một đêm của mình, kỷ niệm 20 năm hoạt động và chọn kịch bản Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh để dàn dựng. Nhưng sau đó, tôi lại nghĩ không biết mình có bị rơi vào trường hợp tự đánh bóng tên tuổi vì lúc đó chung quanh mình, người ta làm quá nhiều, mình vô tình bị cuốn theo thời cuộc mà tôi gọi là “thời trang live show”.
Vai Tạ Thanh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi. |
Nghề này chỉ cho chúng tôi “nhập đồng” vài giờ, thì làm sao có thể trải nghiệm biết bao mảnh đời, biết bao số phận trong một đêm.
- Biểu diễn thành công vô số dạng vai khác nhau, có vai diễn nào “hạ gục” anh chưa?
- Nhân vô thập toàn, không có ai hoàn hảo cả. Trong nghệ thuật vẫn thế, thậm chí bây giờ người ta lại thích tìm cái đẹp trong sự méo mó, không được hoàn hảo. Điều này nói theo góc độ mỹ học đó là nét đẹp đương đại. Đó là nói đùa với nhau thôi nhưng tôi nghĩ điều đó cũng hợp lý vì sẽ rất là mê tín nếu chúng ta cứ nghĩ mọi sự sáng tạo của người nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trình diễn, đều là hoàn hảo. Đôi khi có những vai diễn tôi rất tâm đắc nhưng khán giả thì ngược lại.
NSƯT Thành Lộc và NS Tú Trinh trong vở Những con thú thủy tinh (đạo diễn Đoàn Khoa). |
NSƯT Thành Lộc trong vở 12 bà mụ trên sân khấu IDECAF. |
- Từng ra Hà Nội biểu diễn, anh đánh giá thế nào về thị hiếu khán giả Thủ đô?
- Vở Ba chàng lính Ngự Lâm gây cảm xúc lạ với khán giả Hà Nội vì nhiều yếu tố: phong cách dàn dựng lạ, phóng khoáng của người TPHCM, trang phục đẹp, đầu tư cảnh trí hoành tráng. Chúng tôi mang vở này ra Hà Nội lúc đó thật sự được xem là luồng gió mới. Tuy nhiên, tôi nhớ có một vài bài báo ở Hà Nội viết mang tính chất mỉa mai. Điều này không lạ vì có khen, thì có phê.
Riêng vở Dạ cổ hoài lang, quay lại Hà Nội diễn hai lần trong một năm, đó là thành công lớn đối với chúng tôi. Bây giờ tôi nghĩ khán giả Hà Nội thích xem kịch TPHCM hơn. Người ta cũng trông chờ các đoàn kịch ở phía Nam ra. Để thay đổi khẩu vị mà họ đã quá quen thuộc và nhàm chán.
NSƯT Thành Lộc là người nhận nhiều giải Mai Vàng nhất. Trong ảnh, anh nhận giải Mai Vàng lần thứ 13 - 2007, dành cho đạo diễn sân khấu được yêu thích nhất. Ảnh: N.HỮU. |
NSƯT Thành Lộc nhận giải Mai Vàng lần thứ 15 - 2010 hạng mục Đạo diễn sân khấu cùng vở Ngàn năm tình sử |
Trăn trở lớp đàn em
- Vì sao anh vẫn chưa mở lớp truyền nghề trong khi nhiều nghệ sĩ khác ít tuổi nghề hơn đã sớm trở thành “thầy, cô”?
- Tôi thấy mình chưa có gì để dạy người khác. Trong quá trình làm việc trên sàn diễn, tôi luôn có ý thức phải truyền nghề, một số nghệ sĩ trẻ tinh nhanh sẽ lĩnh hội được. Là người được đào tạo bài bản trong trường lớp đàng hoàng nhưng tôi đi học lóm nhiều lắm. Tôi nghĩ các bạn trẻ được làm việc với tôi là may mắn vì tôi không phải là người giấu nghề. Việc đi dạy chính thức thì tôi không dám vì với bằng trung cấp diễn viên, tôi không có tư cách gì để dạy ai nên chỉ truyền đạt kinh nghiệm thôi.
- Trong số những gương mặt diễn viên trẻ của Idecaf, anh đánh giá cao gương mặt nào?
- Tôi rất ngại đánh giá diễn viên nào trên báo chí vì điều đó sẽ làm cho họ tự mãn. Tuy nhiên nếu nói về những diễn viên về với sân khấu chúng tôi từ 5 đến 10 năm tỏa sáng và làm tôi bất ngờ thì có Đại Nghĩa, Lê Khánh, Lương Thế Thành và Đình Toàn. Lương Thế Thành ban đầu có nhiều nhược điểm từ diễn xuất cho tới giọng nói nhưng hiện nay đài từ đẹp ra và diễn rất chững chạc. Đó là người tôi bất ngờ nhiều nhất.
NSƯT Thành Lộc và NS Lê Khánh trong vở Một cuộc đời bị đánh cắp. |
- Xem ai đó diễn xuất, bắt gặp những nét diễn giống anh, anh có thấy bực bội không?
- Không, tôi mừng vì mình có sức lan tỏa. Bản thân tôi cũng ảnh hưởng nhiều bậc tiền bối nhưng không ai phát hiện ra vì nó thuộc về sự “thông minh” của riêng tôi. Bạn nào để lộ ra thì tay nghề còn dở. Tôi nghĩ nghệ thuật mang tính thừa hưởng di sản nên học tập được từ nhiều người sẽ có lợi cho mình. Nói như vậy, tôi cũng học từ những diễn viên trẻ khi tôi phát hiện ở họ có những điều hay.
- Bằng kinh nghiệm của nghệ sĩ hơn 30 năm tuổi nghề, anh có lời khuyên nào cho lớp nghệ sĩ trẻ?
- Thật ra đồng nghiệp trẻ hiện tại đang được trải thảm đỏ, chủ động cuộc đời họ nhiều. Thế hệ chúng tôi phải ganh tị với họ…! Chúng ta đang sống trong bối cảnh quá thuận lợi về các phương tiện truyền thông, bất kỳ ai hay hoặc dở đều có thể nổi tiếng. Chính vì vậy, nó giống con dao hai lưỡi. Tôi đã từng rơi vào trường hợp dành những lời khuyên cho những người trẻ, thì đây đó tôi bắt gặp sự phản ứng, cho rằng suy nghĩ của tôi không còn hợp thời. Vậy nên tôi không dại gì đi làm công việc đó nữa. Đối với những người trẻ, thật sự, họ cần lời khuyên thì sẽ đến, chứ tôi không chủ động. Không công kích đồng nghiệp
- Gần đây làng giải trí nổi lên những vụ lùm xùm về chuyện chẳng phục tài nhau, bêu riếu nhau trên các phương tiện truyền thông dẫn đến ảnh hưởng hình ảnh đẹp của giới nghệ sĩ. Anh nghĩ gì về điều này?
- Môi trường nào cũng có người lương thiện và người không tử tế. Những vụ lùm xùm này ở môi trường nào cũng tồn tại, chẳng qua là trong thế giới trình diễn, người của công chúng thì dễ bị chú ý hơn, vấn đề còn lại thuộc về nhân cách từng con người. Đôi khi giới giải trí bị một số người trong giới truyền thông lợi dụng.
Bạn có thấy xã hội chúng ta dễ bị cuốn theo lối sống a dua và “ném đá” tập thể. Nếu nói một cách hài hước thì họ quan tâm đến nhau một cách “dã man”. Một bộ phận không nhỏ thích “ném đá” vào một cá nhân nào đó. Đó là một chuyện rất đáng buồn.
NSƯT Thành Lộc và NSƯT Thanh Ngân. |
NS Minh Nhí, NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT đạo diễn Hoa Hạ và NSƯT Thành Lộc tại lễ trao giải Mai Vàng lần VII - 1997 tại Suối Tiên. |
NS Hoài Linh và NSƯT Thành Lộc. |
- Nhiều nghệ sĩ tâm sự rằng họ là những người cô độc, còn anh?
- Tôi thích chứ không cảm thấy mình cô độc. Tôi thích một mình sau khi từ chốn ồn ào về đến nhà. Khi đó, tôi chỉ biết ôm cái tivi đến 3-4 giờ sáng hoặc xem trang mạng cá nhân. Ngày xưa, tôi có thói quen sau khi diễn, chui vào một quán bar hay một quán cà phê nào đó để xả hết cảm xúc của vai diễn còn vương vấn trong người. Lúc đó tôi cố gắng lấy lại sự quân bình trước khi về nhà và bây giờ vẫn giữ thói quen đó.
- Anh có hài lòng với thu nhập hiện nay của bản thân không?
- Không, nhiều năm qua tôi đã thấy điều này rồi. Vì nó là điều nghịch lý của xã hội. Đôi khi có những chương trình ca sĩ chỉ hát 2 bài thôi, người ta có thể cầm trong tay 20 - 25 triệu đồng trong vòng 10 phút, còn tôi đứng trên sân khấu 3 giờ, thù lao chỉ bằng nửa đôi giày họ mang, có khi không bằng.
- Nếu phải chọn lựa giữa một nghệ sĩ biểu diễn và một đại gia giàu có, anh chọn điều nào?
- Trước hết hãy hiểu đúng hai từ đại gia. Theo tôi, đó là những người giàu bằng chính tài năng của mình và họ có tác phẩm trí tuệ để lại cho cuộc đời. Còn ở Việt Nam mình thì hễ giàu có là cứ bị gọi đại gia. Riêng tôi, tôi thấy mình không đủ sức để làm đại gia.
NSƯT Thành Lộc cho rằng anh không đủ sức để làm đại gia. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Mục đích của tôi khi chọn nghề diễn viên không phải để trở thành người giàu có. Tuy nhiên, bản thân sự giàu có không phải tội, nếu là nghệ sĩ mà giàu có thì ta sẽ vun đắp thêm niềm đam mê nghệ thuật của mình. Trên thực tế, xuất phát điểm của tôi đã là một người không giàu có. Cho nên, tôi vẫn mong mình trở nên giàu có để làm được nhiều điều đúng với mơ ước của mình về nghệ thuật.
- Hoài bão lớn nhất cuộc đời anh là gì?
- Xây dựng một nhà hát của riêng mình mà chắc chắn sẽ không bao giờ làm được. Tôi không nghĩ mình sẽ làm việc lâu dài với Công ty Thái Dương. Do đó, tôi mơ ước xây dựng một nhà hát theo phong cách của riêng mình với khoảng 10 diễn viên.
Anh ước mơ có một nhà hát của riêng mình. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng |
Tôi sợ má Bảy Nam lắm!
- Nhắc đến NSND Thành Tôn - cha anh và người mẹ tảo tần, anh nhớ nhất điều gì ở họ?
- Tôi và cha có một điều giống nhau: luôn luôn bị lãnh đạo “đì”. Bởi vì cha tôi là một người nổi loạn, luôn lên tiếng phản kháng lại sự bất công. Ông không bao giờ kén vai, khi chấp nhận đóng thì vai đó trở thành vai hay. Tôi chịu ảnh hưởng ở ba tôi điều này.
Bức ảnh duy nhất NSƯT Thành Lộc chụp với cha - cố NSND Thành Tôn. |
Má tôi là người nghệ sĩ mê nghề và hát rất hay nhưng bà đã chấp nhận hy sinh, từ bỏ sân khấu sau ngày đất nước thống nhất, để ở nhà lo nội trợ. Má tôi cùng thời với cố NSND Năm Đồ, cố NS Ba Út. Tôi không bao giờ đem chuyện gánh hát về cho mẹ nghe, vì tôi muốn bà “thoát tục” hoàn toàn. Thường thì tôi nghe mẹ nói nhiều hơn, nhất là kể chuyện đọc báo. Tôi cứ làm như mới khi xem mẹ tôi “diễn” với những mẫu tin mà tôi đã biết. Mẹ tôi cũng rất nhạy cảm, bà bật khóc như mưa khi cả nước có dịch cúm gia cầm, thấy người ta giết chết những chú gà con hoặc khi nghe hung tin hai tòa tháp đôi của Mỹ bị khủng bố, hơn 3.000 người chết…
NSƯT Thành Lộc và mẹ - NS lão thành Huỳnh Mai. |
- Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, anh nhớ nhất kỷ niệm với bậc tiền bối nào?
- Đầu tiên là má Bảy Nam, tôi sợ má lắm vì bà nổi tiếng khó tính trong nghề nghiệp. Tôi còn nhớ khi đến nhà chị Kim Cương tập vở Người mua hạnh phúc, sau khi tập xong, chị Kim Cương bảo: “Đi lên lầu thăm má Bảy đi cưng!”. Tôi bước lên và run. Bà nhìn thấy tôi đã nói: “Ai vậy, ai lên nhà tôi vậy? Tôi là ghét mấy đứa còn trẻ mà diễn hay lắm đó nghen!”. Câu nói của má cởi mở hết mọi sự sợ hãi của tôi. Trong đời diễn viên của tôi, tôi chưa có được cơ hội diễn chung với bà, chỉ có đóng chung bộ phim Nước mắt học trò nhưng đó là một kỷ niệm đẹp mà tôi cất giữ mãi trong lòng.
NSƯT Thành Lộc và NSND Bảy Nam. |
NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc và NSND Phùng Há năm 2002. |
Với cố NSND Phùng Há, tôi là diễn viên trong đoàn của bà - ban cải lương Phụng Hảo. Lúc đó, có một vở tuồng mang tên Tướng cướp Hổ đầu sơn, hai nhân vật chính là Bạch Lê và Thanh Bạch, tôi đóng vai đứa con trai lưu lạc của chị tôi. Lúc tập tuồng, má bảy Phùng Há là người đã bẻ tay, bẻ chân cho tôi. Và má Bảy Phùng Há cũng đã nói y như má Bảy Nam: “Cái thằng này nó là con nhà ai mà hát hay quá vậy ta!”. Ngày xưa còn là con nít mà nghe được câu nói đó thật sung sướng.
Tình yêu không chỉ tình lứa đôi
Khi hỏi điều gì mang lại sức trẻ cho anh trên sân khấu trong khi nhiều người cho rằng nghệ sĩ cần có tình yêu lứa đôi mới có thể thăng hoa cảm xúc, NSƯT Thành Lộc nói: “Tôi cũng có tình yêu lứa đôi nhưng tình yêu là một phạm trù rất lớn. Nói đến tình yêu, tôi nghĩ nó không dừng lại ở tình yêu lứa đôi. Tôi là người có khát vọng sống và yêu rất mãnh liệt. Đôi khi ta chỉ cần một tình yêu cụ thể cho một con người rất cụ thể là đủ. Thật ra, theo ý kiến chủ quan của tôi, người ta nói một khái niệm tình yêu rất là lớn như: “Tôi sống vì khán giả”, “Tôi sống vì công chúng”… tất cả những điều đó đối với tôi rất mơ hồ, tưởng nó đang hiện hữu nhưng không phải vậy.
Mỗi đêm diễn, tôi chỉ cần xác định tôi diễn cho ai, tôi chỉ cần diễn cho một người ngồi trong cả trăm người dưới khán phòng thì ngày hôm đó tôi diễn hay hơn cả. Còn có khi tôi xác định mình diễn cho cả trăm, cả ngàn khán giả thì chưa chắc đêm diễn đó tôi đã xuất thần. Khi chúng ta có một mục đích sống rõ ràng thì cuộc sống của chúng ta mới thật ý nghĩa. Không thể có cái tình yêu chung chung được”.
Theo NLĐO