Tôi đến gặp bác Trần Hạnh trong một ngày cuối thu, cơn mưa phùn cùng gió lạnh của mùa thu làm cho con ngõ ngoằn nghèo vào nhà nghệ sĩ thêm hiu quạnh, dừng xe trước căn nhà 4 tầng khang trang nằm gần cuối ngõ, nghệ sĩ mở cửa đón tôi bằng một nụ cười thân thiện.
Bước vào nhà tôi thấy bác đang cắt mướp và rau mồng tơi để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Nhìn thấy tôi, bác ái ngại: "Bác không mấy hẹn nhà báo đến nhà vì nhà cửa như này đây. Trông bên ngoài có vẻ hoành tráng 4,5 tầng nhưng vào trong mới thấy chật, khốn khổ như thế nào". Rồi bác lại tất bật trong công việc bếp núc, nhìn người nghệ sĩ già đang ở cái tuổi 84 vất vả luộc rau làm tôi thấy e ngại, tôi đề nghị giúp đỡ thì bác từ chối. Bác cười: “Thôi, bác làm quen rồi, cứ ngồi đấy chờ tôi một tý sẽ xong ngay”.
Khi tôi đến, trong bộ quần áo màu nâu sòng đã cũ, người nghệ sĩ già ấy đang cặm cụi nhặt rau cho bữa cơm chiều. |
Để xua đi cảm giác bối rối đang bao trùm lên căn phòng bếp khoảng 15 m2, tôi lấy cây thuốc vừa mua ra biếu bác, cầm cây thuốc bác gật gù: “Đúng thứ bố thích? Ngồi xuống đi ta nói chuyện nào, đấy là chỗ của thằng con áp út, rõ khổ cách đây 20 năm nó bị tai nạn giờ không được bình thường cho lắm nên nhà cửa hơi bừa bộn, có mỗi bố và nó ở đây hai người chăm sóc lẫn nhau. Bố chẳng tiếp khách ở đây bao giờ cả, phòng bố ở trên kia cơ, nhưng thôi ngồi đây cũng được".
Nghệ sĩ Trần Hạnh nói tiếp: "Bình thường bác vẫn tự chạy xe máy đi đóng phim. Ngày nào không đóng phim thì ở nhà, nấu cơm hai bữa, ăn xong lại rửa bát cho con trai áp út. Mọi khi bác vẫn đi chợ nhưng dạo này con dâu lại nhất định giành lấy. Nó bảo tiện nhưng bác biết nó không muốn để bác phải trả tiền.
Nếu không đi đóng phim, bác vẫn có lương hưu, khoảng gần 3 triệu đồng, cũng đủ ăn. Giờ ngoài việc nấu ăn, bác lại mang kịch bản ngày trước từng đóng mang ra đọc lại coi như là một cách để mình nhớ lại những kỷ niệm đã qua. Cũng chẳng mấy khi bác đi chơi với bạn bè vì mỗi người đều có gia đình công việc riêng. Bác cũng chẳng muốn ảnh hưởng đến cuộc sống của người ta. Gần đây, bác chẳng đóng phim gì. Không phải bác nghỉ mà người ta không gọi đi nữa, bác cũng thích làm lắm. Với cả, vui là một chuyện, còn có tiền nữa".
Ở độ tuổi gần đất xa trời mà người nghệ sĩ già vẫn phải tự nấu cơm rửa bát và làm vệ sinh nhà cửa. |
Những đồ dùng cũ kỹ trong căn bếp của người nghệ sĩ già. |
Bác nói: "Ngày trước, bác ở 50 ngõ Phát Lộc, phố cổ đấy nhưng cũng nghèo lắm. Bà nội bác phải nuôi đến 11 người con, nhà chật đến mức độ phải bán đi mà. Sau đó, bác chuyển về Hàng Tre xong rồi Nguyễn Hữu Huân. Thấy bác lang thang nhiều quá nên Sở văn hóa cấp cho một cái nhà ở Hàng Bồ nhưng gia đình đông quá nên chuyển về đây. Bác làm gì có tiền đâu, nhà này mua bằng tiền của vợ đấy chứ. Đóng phim cả đời làm gì mua nổi một cái nhà.
Bác làm nghề đóng giày ở Tràng Tiền từ năm 16 tuổi. Ngày làm giày, tối đi sinh hoạt đoàn kịch thanh niên. Năm ấy sân khấu kịch của thành đoàn thanh niên Hà Nội sinh hoạt ở hồ Thuyền Quang bây giờ. Đáng lẽ ban ngày đi làm mệt, tối phải nghỉ nhưng bác cứ sinh hoạt đến 11, 12 giờ đêm. Cái nghề diễn này nó đến với bác từ đấy.
Năm 1959, bác vào đoàn kịch Hà Nội nhưng đến 1961, sau khi nhận được huy chương mới được biên chế. Thời ấy, bác định đi học để được đào tạo bài bản khi nghe tin trường Sân khấu mở khóa đào tạo chính quy đầu tiên. Nhưng một người bạn của bác lúc đó đã khuyên: 'Thôi, bây giờ mày học làm gì, học cũng phải ra làm, để tao giới thiệu mày về đoàn kịch Hà Nội'. Năm ấy bác đã một vợ ba con rồi. Lương hồi đó bác được lương bậc hai, khoảng 36 đồng. Hồi ấy 36 đồng to lắm, nước bây giờ hai nghìn một chén chứ ngày xưa có hai xu thôi. Nhưng thật ra thì cũng đủ ăn thôi, vợ với ba con cơ mà.
Bác có hai vai được nhiều huy chương vàng nhất, đó là vai Nguyễn Trãi trong vở Lam Sơn thụ nghĩa. Chỉ tiếc là những năm đó tốn tiền quá nên người ta không quay phim lại. Vở thứ hai là Tiếng gọi. Năm ấy người ta chỉ tập kịch thôi, họa hoằn lắm một năm mới có 1 đến 2 bộ phim".
Cái nghề diễn đến với ông như một duyên phận đã định. |
Nhiệt tình với nghề nên đôi lúc người nghệ sĩ này cũng xao nhãng chuyện nhà cửa. "Vợ bác cũng hay cằn nhằn: 'Anh chỉ thích các cô ở ngoài thôi, em ở nhà anh cũng chẳng cần'. Những lúc như thế, bác cũng chỉ biết nói: 'Nghề nghiệp mà, biết làm thế nào được, em cố gắng'. Nhưng bà ấy ghen kinh lắm.
Bác nhớ trong vở Lam Sơn tụ nghĩa, bác có đóng một cảnh với cô Lưu Nga - mẹ của Bằng Kiều - trong vai cô lái đò. Suốt vở kịch không có một đoạn tình cảm nào thế mà bà nhà bác cầm con dao lên phía cánh gà, nhất định không cho mở màn. May quá lúc đó có nhà bà cô ở gần, mấy bà cô mới chạy sang thuyết phục, nói mãi bà mới chịu về", ông bật cười khi nhớ lại chuyện quá khứ".
Người nghệ sĩ già bật cười khi nhớ lại chuyện quá khứ, |
Nụ cười hiền từ mà khán giả vẫn thường được thấy trên tivi. |
"Bác đóng phim từ khi về hưu, năm 1989, sau khi rời khỏi đoàn kịch Hà Nội. Một, hai phim đầu người ta thấy đóng được, thế là trở nên đắt giá. Thời ấy, bác nhận được lời mời liên tục, vậy mà giờ ít được mời đi đóng phim. Đôi khi cũng thấy buồn, đi quen rồi giờ toàn bó chân ở nhà, giờ mỗi lần có người mới đi đóng phim là vui lắm, có khi vui quá cả đêm không ngủ được ý.
Đóng phim và đóng kịch có rất nhiều thứ khác nhau. Trước ống kính cũng không ngại lắm, trước khán giả mới sợ. Từ móng chân đến sợi tóc đều lọt vào mắt khán giả nên những sai sót là điều không thể cho phép.
Nhưng đóng phim khổ lắm, nhiều ngày nắng nóng mà bác cứ phải ra mặt nhựa đường, đứng hàng tiếng đồng hồ. Bác còn nhớ khi quay một phim ở Thái Bình. Lúc đó đoàn làm phim tập trung khoảng 20 nông dân, ông bà nào cũng mang nón đi. Khi đạo diễn hô mở nón ra, thế là 20 người nông dân liền trả lại tiền và đi về. Họ bảo: 'Chúng tôi đi làm phải có nón, không đội nón như này chúng tôi ốm ra thì sao, ai sẽ chịu trách nhiệm'. Thế là họ bỏ về hết làm cả đoàn phim cứ ngơ ngác nhìn nhau không biết phải làm thế nào, đấy người nông dân còn sợ nắng ấy thế mà bác cứ đầu trần đứng hàng giờ quay cũng không thấy xi nhê gì cả.
Còn có một bộ phim nói về người Mường ở Hòa Bình. Lúc ấy, trời rét lắm. Đạo diễn trẻ mặc đến hai cái áo khoác vẫn còn run, thế mà bác phải cởi áo ra, đã thế lại còn tưới nước để thay mưa. May quá lúc đóng phim, mình nhập tâm vào vai diễn nên không cảm thấy rét. Khi phim đóng máy mới cảm nhận được. Đó, đóng phim vất vả thì không thấy đau ốm gì, thế mà hôm qua, trời chỉ vừa nắng một chút thôi, bác đi ra đường về đã bị cảm ngay.
Vai nông dân đầu tiên bác chẳng biết gì cả. Là trai phố cổ mà nên bác có biết làm gì đâu. Nhưng nhờ đóng phim mới biết được nhiều chuyện, từ gặt lúa, đi cày, đi cấy cho đến tát nước bằng cả gầu đai và gầu sòng, bác đều làm được, bác làm việc như nông dân, đến độ mà người dân ở đó cũng phải nói: 'Ông này mà khoác áo nông dân về làng, chẳng ai biết ông là diễn viên'".
Bao nhiêu khổ cực trong cuộc sống nhưng ông vẫn giữ được niềm tin và cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống mình đã có. |
Khổ cực là thế nhưng cát-xê đóng phim lại chẳng được bao nhiêu. Đôi khi người nghệ sĩ này cũng nhận được cái nhíu mày từ vợ nhưng vì yêu nghề, ông cũng đành nhắm mắt bước tiếp.
Bác nói: "Bây giờ còn khá chứ ngày ấy đi làm được bao nhiêu đâu. Làm một bộ phim nhựa dài cũng chỉ được mấy trăm thôi, có khi chỉ được mấy chục. Bao nhiêu người người ta can, bảo đi tìm nghề khác mà làm nhưng bác toàn bảo: 'Chính cái nghề này nó buộc chân tôi, không phải tại tôi. Nghề này nó cuốn rũ tôi đấy chứ.
Mỗi lần nghe vợ khuyên thôi đừng đóng phim nữa, đi về làm việc khác để nuôi con, bác cũng suy nghĩ, đắn đo nhiều chứ. Mình thương vợ thương con nhưng cũng yêu nghề lắm. Với cả, bác luôn nhớ câu: 'Công tác thì trông lên, sinh hoạt thì phải nhìn xuống'.
Có phim bác được đóng vai chính hẳn hoi như Chiếc bình tiền kiếp, hơn một tháng trời ở Hưng Yên, thế mà cát-xê được có 600.000 đồng. Cách đây 2,3 năm, khi bác làm Vệt nắng cuối trời lại được trả hơn 40 triệu đồng. Từ khi đi diễn cho đến bây giờ, đó là cát-xê cao nhất bác nhận được. Hai năm trở lại đây mới xuất hiện các hãng phim tư nhân, diễn viên mới được kha khá, ngày xưa cực lắm, cỡ như Chánh Tín cũng có gì đâu. Người nào có hậu phương vững chắc mới khá được. Nghề làm phim ảnh, bác cho người trẻ có chạy ba show một ngày đi chăng nữa cũng không đủ tiền mua ô tô".
NSƯT Trần Hạnh là vậy, dù cuộc sống khó khăn, dù cũng phải nâng lên đặt xuống vì đồng tiền nhưng nếu bắt buộc phải chọn lựa, ông luôn hết mình vì nghệ thuật.
"Bác nhớ cách đây hai năm, có lần đi đóng phim về khuya, trời mưa trơn trượt nên tôi bị ngã lăn ra đường và ngất luôn. May có một cậu ở trong làng nhìn thấy nên mới gọi người nhà ra. Lúc ấy taxi đưa bác đến bệnh viện Xanh-pôn, bác sĩ bảo là gãy xương. Trẻ thì nối nhưng già rồi thì chịu xấu một chút cũng được, nên bây giờ vai bác bị lệch. Thế mà ngày hôm sau bác vẫn phải nhịn đau để đến phim trường để tiếp tục những cảnh quay còn dang dở, cũng đành chịu thôi, biết làm sao được, mình đau nhưng đâu thể nào để cả đoàn làm phim chờ mình được.
Ngày xưa người ta tâm huyết hơn, bây giờ thì vì tiền hơn. Người ta cứ thấy phim nào được tài trợ kha khá thì cứ xô vào làm. Khi bác nhận kịch bản, bác biết cái gì làm được, cái gì không. Nếu có vấn đề, bác cũng chỉ biết nhắc đạo diễn. Nhưng đôi khi vì tiền cũng phải nén xuống mà làm thôi, nuốt nước mắt thôi. Có những phim bác không thích một chút nào", nghệ sĩ già chia sẻ.
Thế nhưng, khi thấy nhắc đến những nhận xét không mấy tích cực dành cho lớp diễn viên trẻ thời bấy giờ, ông lập tức xua tay: "Nhiều người cứ chê trách, nhiều khán giả cứ nói, họ thích xem phim của các bác hơn phim của những diễn viên trẻ. Bác cũng trả lời luôn là cái gì cũng cần phải có thời gian. Ngày xưa các bác cũng vậy thôi. Thêm nữa là bây giờ thị trường phim ảnh bây giờ rất rộng rãi. Nếu so sánh với phim của các nước, phim Việt cũng chưa ăn thua gì".
Suốt nhiều năm lăn lộn với nghề, cất cho mình bao nhiêu vai diễn ấn tượng nhưng thứ mà người nghệ sĩ ấy cảm thấy hài lòng nhất chính là tình cảm của khán giả.
"Đến bây giờ người ta vẫn thích bác, bác ra đường cứ phải đội mũ sùm sụp để ngồi lê la quán xá. Bác đi ăn, 'bị' người ta không lấy tiền nhiều rồi nên rút kinh nghiệm, đến quán toàn phải trả tiền trước, ăn xôi cũng thế, ăn phở cũng thế. Người ta toàn bảo bác: 'Ông này cứ như bao cấp ấy'".
Câu chuyện của chúng tôi kết thúc khi điếu thuốc thứ 6 cháy được một nửa, khi tôi ngỏ lời muốn ông cho xem lại những bài báo đã viết về ông trước đó và nhận được câu trả lời: "Tôi không giữ lại tờ báo nào viết về mình cả, kỷ niệm trong lòng người ta rồi kia mà".