Đỗ Thị Hà vượt qua hơn 80 thí sinh, góp mặt trong top 40 Miss World 2021. Trong hành trang "chinh chiến" của cô có bốn bộ trang phục đến từ nhà thiết kế Đỗ Long. Anh vốn nổi tiếng với phong cách sexy táo bạo, nhưng những thiết kế Đỗ Thị Hà khoác lên người lại kín đáo và chừng mực.
Chia sẻ với Zing về việc làm váy cho Hoa hậu Việt Nam 2020 cũng như nguyên tắc làm nghề, nhà thiết kế Đỗ Long cho biết: "Khách mặc váy không hoàn hảo là tôi không ngủ được".
- Anh là người đảm nhận thiết kế trang phục dạ hội cho Hoa hậu Đỗ Thị Hà tại Miss World 2022. Điểm đặc biệt cần lưu ý khi làm váy áo cho Đỗ Thị Hà là gì?
- Tôi làm bốn bộ cho Hà, gồm hai bộ dạ hội, một bộ cocktail dress (váy tiệc ngắn) và một bộ cho phần thi Top Model. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảng thời gian làm ra những bộ váy ấy, vì đó là khi giãn cách xã hội, mọi thứ quá khó khăn. Tôi phải tìm mọi cách để hoàn thành, cho thợ cắt ở một chỗ, sau đó chuyển qua một nơi khác để may, rồi tiếp tục đưa qua một nơi khác để đính đá.
Thân hình của Đỗ Thị Hà cũng có khuyết điểm. Tôi có nhiệm vụ dùng trang phục che đi những khuyết điểm và tôn lên ưu điểm của Hà là đôi chân dài, thẳng như kiếm Nhật.
Hôm Hà trình diễn thử ở buổi send-off, tùng váy của bộ đầm màu hồng quá nặng, khiến cô ấy không bước đi được. Tôi phải mang về, tháo ra và chỉnh lại gấp. Chỉnh xong, tôi lại tới phòng tập xem cảnh Hà tập luyện với Minh Tú. Tận đến khi tôi tận mắt nhìn thấy Hà bước đi thoải mái với bộ đồ đó, tôi mới yên tâm. Chỉ cần còn có nguy cơ khách mặc váy không hoàn hảo là tôi không ngủ được.
- Đỗ Thị Hà mặc váy của anh sải bước trong cuộc thi sắc đẹp hàng đầu hành tinh, cũng coi như anh đang đại diện các nhà thiết kế Việt trong cuộc thi ấy. Mức độ áp lực của anh ra sao?
- Đương nhiên áp lực chứ. Đây là lần đầu tôi làm váy cho thí sinh của cuộc thi sắc đẹp lớn như Miss World, ê-kíp của Đỗ Thị Hà phải đặt trọn niềm tin vào tôi thì mới lựa chọn.
Vì thế khi làm đồ cho Hà tôi cũng đã cố hết sức mình, làm đẹp nhất trong khả năng của bản thân. Trong quá trình làm, có lần tôi thấy sản phẩm không đẹp, tôi bỏ hết và làm lại từ đầu.
- Ngoài Đỗ Thị Hà, có khách hàng nào gần đây khiến anh chật vật sửa thiết kế?
- Đó là diễn viên Leyla Milani - vợ của tỷ phú người Mỹ Manny Khoshbin. Cô ấy trông thấy hình ảnh Đỗ Mỹ Linh mặc váy của tôi, sau đó đã tìm được tài khoản cá nhân của tôi và nhắn tin đặt đồ.
Ban đầu, tôi không biết gia thế của cô ấy. Đến khi bạn bè đang sống ở Mỹ của tôi nói, tôi mới biết cô ấy là vợ tỷ phú, nhà rất giàu. Bộ đồ cô ấy đặt có hai cánh nơ lớn, nên tôi phải đóng gói cẩn thận trước khi gửi sang Mỹ. Với tôi, bộ đồ chưa hoàn hảo, nhưng khách hàng rất hài lòng.
Hiện tại, Milani đã đặt tôi làm tiếp một bộ nữa để mặc trong sự kiện vào tháng 3. Đây cũng không phải khách hàng quốc tế đầu tiên của tôi, nhiều người nước ngoài đặt váy của tôi lắm, từ Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út) hay Dubai chẳng hạn. Họ thấy Lý Nhã Kỳ mặc váy của tôi đi thảm đỏ, họ thích và liên hệ đặt may rất nhiều.
Tôi biết là mình nên PR cho tên tuổi, nhãn hiệu, nhưng đôi khi bận quá nên quên. Vậy nên đôi khi tôi cảm thấy mình đang gặp may mắn mới có vị thế như hôm nay (cười).
- So sánh giữa trong và ngoài nước, đâu là thị trường mang lại doanh thu tốt hơn với riêng anh?
- Bán váy cho khách nước ngoài không có doanh thu tốt như khách Việt Nam. Nhưng may mắn trong thời gian giãn cách xã hội, tôi lại có nhiều đơn hàng quốc tế nên nguồn thu vẫn ổn. Trong 3 tháng bùng dịch, chỉ có một tháng tôi bị lỗ 100 triệu đồng, còn lại đều ổn. Hiện tại, khách trong và ngoài nước đều đặt hàng, tôi may đồ không kịp (cười lớn).
- Anh là tay ngang, từ stylist nhảy sang làm thiết kế, không được đào tạo bài bản chuyên môn nhưng thành công trong giới showbiz. Ai đứng sau anh?
- Tôi phải tìm mọi cách để cân bằng. Hơn nữa, tôi là nhà thiết kế, nhưng tôi không thể tự tay đính, may, thêu toàn bộ được. Tôi phải thuê thợ có chuyên môn lành nghề. Chúng ta không thể may đẹp bằng thợ may, hay đính đẹp bằng thợ đính, đúng không?
Tôi không được đào tạo bài bản về thiết kế, nên có những điểm yếu nhất định, như vẽ xấu chẳng hạn. Tất nhiên, cái gì không biết tôi đều đi học, học để biết chỗ nào sai và chưa đúng ý để chỉ cho thợ làm lại. Trong thời trang tôi nghĩ quan trọng nhất là mắt thẩm mỹ.
Quan trọng ở mình phải biết sắp xếp thời gian, phân chia công việc cho người khác. Tôi sẽ là người duyệt thành phẩm cuối cùng, kiểm tra lại từng chi tiết trên thiết kế trước khi giao cho khách hàng.
- Anh thường xuyên bị cho là sao chép, đạo nhái mẫu váy, và mới nhất là bộ đầm màu hồng của Đỗ Thị Hà tại Miss World. Anh nói gì về vấn đề này?
- Đúng là có những chi tiết tôi học hỏi từ mẫu thiết kế của nước ngoài, sau đó phát triển và chỉnh sửa theo ý tưởng cá nhân. Tôi thiết kế váy cho hoa hậu đại diện Việt Nam đấy, tôi đâu thể ngu ngốc sao chép váy trắng trợn như khán giả nói. Làm như vậy mang tai tiếng cho người Việt, sao tôi làm việc ấy được.
Còn về chuyện lấy cảm hứng và học hỏi theo mẫu thiết kế nào đó, ngành thời trang thế giới có rất nhiều, tôi đâu phải cá biệt.
- Anh từng có những tuyên bố như "tôi biết vị trí của mình ở đâu", "không làm đồ cho người mình không thích" hay "không làm đồ cho ca sĩ vì không PR được trang phục''. Anh không ngại bị đánh giá là tự cao và quá thực dụng?
- Tôi không ngại việc người khác nói hay nghĩ gì về mình. Và không phải ai có khả năng PR được đồ thì tôi cũng làm váy áo cho họ. Bạn bè chơi lâu với tôi đều biết tính, tôi sống tình cảm, nhưng phải biết điều và biết kính trên nhường dưới.
Quan trọng là nghệ sĩ vẫn biết và tìm đến tôi. Đồng nghiệp trong ngành cũng biết tôi bán được nhiều, một tháng thậm chí bán được vài tỷ đồng.
- Câu chuyện hay cá nhân nào truyền cảm hứng nhất đối với anh ?
- Câu chuyện truyền cảm hứng nhất với tôi chính là cuộc đời tôi. Tôi tự đi lên từ hai bàn tay trắng để có được ngày hôm nay. Nhiều người nghĩ tôi rất giàu nên có tiền làm show diễn, làm thời trang, nhưng thật ra đều là tiền tự tôi làm ra đấy.
Trước khi đến được với thiết kế, tôi từng làm ít nhất 20 nghề. Khi mới lên TP.HCM, tôi làm nhân viên phục vụ, phát tờ rơi, nhân viên văn phòng, phục vụ quán bar... Tôi bắt đầu kiếm tiền từ năm 8 tuổi cơ (cười).
Khi 8 tuổi, trẻ con khác chỉ lo ăn học, còn tôi lúc đó đã nghĩ ra cách mua truyện tranh mang vào lớp cho các bạn thuê lại hoặc mua bánh kẹo ở ngoài vào lớp bán lại cho bạn. Có lần, tôi thấy chú nuôi vịt và bán có lãi, nên cũng nhờ chú mua giúp 10 con vịt con về nuôi. Tôi nuôi lớn, bán đi và lãi 10.000 đồng/con, thời tôi còn nhỏ, số tiền này cũng lớn đấy.
Tôi còn nhận đính kết hoa thủ công lấy tiền, chắc đây là khởi đầu cho tôi đến với nghề thiết kế. Cứ kỳ nghỉ hè, tôi lại về quê đi rửa chén cho mấy quán nhậu, rửa đến nỗi tay chân lở loét cả.
Nhưng không phải nhà tôi nghèo mà tôi phải làm nhiều đâu, mẹ tôi kinh doanh giỏi và giàu là đằng khác. Nhưng tôi muốn tự lập, tự kiếm tiền.
- Vậy bây giờ, ngoài thiết kế thời trang, anh còn làm gì để có tiền?
- Với đa số người, khi có nhiều tiền, họ đam mê đồ hiệu. Còn tôi lại mang tiền đi mua nhà, mua đất.
Tôi cũng mua đồ hiệu, nhưng thi thoảng thôi và chỉ mua món dưới 30 triệu đồng. Với tôi, giá này là ổn, giá cao hơn tôi thấy đắt quá và không mua nữa. Thay vào đó, tôi mua đất, mua nhà ở quê hay vùng núi, đợi lên giá thì bán lại.
- Anh làm gì cho cha mẹ sau khi thành công, giàu có?
- Tôi về quê, mẹ vẫn chửi tôi bình thường (cười).
Mẹ luôn tin tưởng tôi, vì đã trông thấy tôi tự lập từ nhỏ. Sự tự lập đó một phần xuất phát từ việc cha mẹ tôi ly dị, nên tôi phải cố gắng tự lo cho mình. Nhiều khi tôi nghĩ nếu không có biến cố gia đình, có lẽ tôi cũng lêu lổng, thích đi chơi như những đứa trẻ cùng tuổi khác.
Bây giờ, tôi phụ mẹ xây nhà, thi thoảng cho cha mẹ tiền và giúp đỡ mọi người trong gia đình. Nhưng thật ra mẹ tôi cũng giàu, mẹ không cần tiền của tôi.