Lê Thanh Hòa bắt đầu gia nhập làng thời trang vào khoảng 10 năm trước, tên tuổi anh đồng hành cùng Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo. Lâu dần, danh xưng "nhà thiết kế của các hoa hậu" bắt đầu gắn liền với anh.
Ở tuổi 37, nhìn lại hành trình sự nghiệp, Lê Thanh Hòa cho biết đã đến lúc anh bước xuống khỏi danh xưng trên. "Không phải vì tôi lớn tuổi hay lỗi thời, chỉ là tôi nghĩ mình nên nhường cơ hội cho các bạn trẻ tài năng", anh nói.
Đóng cửa hàng vì dịch Covid-19
- Đâu là màu sắc, chất liệu anh cho rằng sẽ là xu hướng của năm 2022?
- Tiết lộ trước về bộ sưu tập thật ra rất khó. Tôi chỉ có thể chia sẻ rằng tone màu chủ đạo sẽ gợi lên nắng và gió, đó là tone màu nhiệt đới. Về chất liệu và kỹ thuật, tôi vẫn theo đuổi kỹ thuật dành cho dòng thời trang cao cấp đã tạo nên tên tuổi của thương hiệu.
Nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt, buổi trình diễn cho bộ sưu tập mới sẽ diễn ra vào tháng 4 ở TP.HCM. Bộ sưu tập lần này được lấy ý tưởng từ hoa như những lần trước, nhưng ẩn dụ hình ảnh người dân vươn lên từ khó khăn sau dịch. Ở thời kỳ khó khăn, mỗi người vẫn có thể vươn lên, tỏa sáng, như những bông hoa trong sa mạc. Đây là ý tưởng, cũng là tên gọi cho bộ sưu tập.
Khi còn đi học, tôi thường mơ hồ trong việc lên ý tưởng cho thiết kế, thậm chí nghĩ rằng bản thân phải chọn ý tưởng thật cao siêu, chưa ai làm. Nhưng đến khi ra trường, tôi mới nhận ra mình không nên làm những gì quá bay bổng, xa vời. Cứ xuất phát từ những gì đơn giản mà tốt nhất, mọi người sẽ đón nhận. Nếu cố chấp theo đuổi những gì xa vời, vượt quá khả năng, bản thân sẽ bị chới với.
Lê Thanh Hòa chia sẻ phải đóng một cửa hàng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
- Đâu là thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh?
- Khó khăn lớn nhất không liên quan đến chuyên môn thiết kế là khoảng thời gian hai năm dịch bệnh vừa qua. Đó là khó khăn không ai lường trước được.
Bị ảnh hưởng đến doanh thu, tôi phải đóng cửa bớt một cửa hàng. Dịch nổ ra từ cuối tháng 4, tôi cầm cự được khoảng 4 tháng thì quyết định đóng cửa. Thà đóng lại rồi sau này có cơ hội tôi mở cái mới. Hiện tại tình hình đang khó khăn, nếu tôi gồng gánh sẽ là làm khó cho các cộng sự.
- Anh có thể tiết lộ mốt chút về chi phí duy trì cửa hàng và trả lương cho nhân viên?
- Tôi chỉ có thể nói rằng tốn rất nhiều (cười). Tôi phải thuê một căn nhà lớn, vừa làm trụ sở sản xuất vừa là cửa hàng.
Tính cả TP.HCM và Hà Nội, tôi có khoảng 80 nhân viên. Đợt dịch tôi không cho bất kỳ ai nghỉ việc và vẫn hỗ trợ đủ chi phí cho mọi người. Lúc vinh quang tôi có họ bên mình. Những lúc khó khăn thế này chính là lúc họ thật sự cần tôi, nên tôi sẽ không bỏ bất kỳ ai.
"Tôi không sợ bị đào thải"
- Trong giới thời trang lộng lẫy nhưng khắc nghiệt này, nguyên tắc làm nghề của anh là gì?
- Sau gần 10 năm làm nghề, tôi đạt được nhiều điều, không ít trong đó là nhờ may mắn. Nhưng thành quả ấy còn có thêm sự cố gắng và đam mê cộng hưởng. Tôi thấy nghề thiết kế đào thải rất nhanh, có thể hôm nay sản phẩm của tôi được yêu thích, nhưng hôm sau khách hàng đã không còn ưa chuộng.
Nhà thiết kế 37 tuổi không sợ bị đào thải khỏi ngành thời trang. |
- Anh sợ bị đào thải?
- Tôi không sợ. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bị đào thải, đó là điều chắc chắn trong ngành thời trang. Nên không còn cách nào khác, tôi phải luôn cố gắng thôi.
- Nhiều người cho rằng anh chỉ có thể duy trì danh tiếng bằng việc làm trang phục cho các hoa hậu, người đẹp. Anh nói gì?
- Mọi người nghĩ tôi chọn con đường thiết kế cho hoa hậu để thành công nhanh. Thực ra đây không phải con đường thành công duy nhất, cũng không phải định hướng ban đầu của tôi. Khi mới ra trường, tôi đã ra những bộ sưu tập có tính ứng dụng khác.
Tôi may mắn khi được các bạn hoa hậu thời điểm đó lựa chọn sản phẩm của mình để mặc. Vô tình từ đó tạo ra hiệu ứng, lan truyền từ người này tới người kia. Ngay cả bây giờ, làm đồ hoa hậu không phải kim chỉ nam nghề nghiệp của tôi.
- Có nhiều nhà thiết kế Việt bắt đầu vươn tầm quốc tế với những bộ trang phục đậm màu sắc cá tính, phá cách và khác lạ, trong khi trang phục của anh được nhận xét là quá "hiền". Anh có nghĩ mình nên thay đổi để theo đuổi hướng đi mới mang tầm quốc tế không?
- Mỗi người có con đường riêng, sẽ có lúc tôi quay trở lại với đam mê của mình. Biết đâu trong bộ sưu tập sắp tới sẽ có một số thiết kế mang đến sự ngạc nhiên cho mọi người thì sao?
Lê Thanh Hòa gắn liền với danh xưng "nhà thiết kế của các hoa hậu". |
Thích được gọi là nhà thiết kế của các hoa hậu
- Anh cảm thấy ai là người mặc trang phục của mình đẹp nhất?
- Tôi đã làm việc với hầu hết hoa hậu ở Việt Nam, nhưng có một người tôi đã và sẽ luôn nhắc đến như nàng thơ của mình, đó là Hoa hậu Đặng Thu Thảo. Tôi và Thảo làm việc cùng nhau từ khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp và Thảo vừa đăng quang.
Chính nhờ cô ấy, khán giả cũng biết đến tôi. Tôi luôn nghĩ cô ấy là người hợp với trang phục của mình nhất. Về tính cách và quan điểm, tôi và cô ấy giống nhau. Vì thế, khi làm việc chung, chúng tôi dễ dàng hợp tác, hỗ trợ và khiến sản phẩm trở nên hoàn hảo.
- Ngày xưa là Đặng Thu Thảo, vậy bây giờ hoa hậu nào anh cảm thấy phù hợp với trang phục của mình nhất?
- Bây giờ tôi có nhiều nàng thơ (cười). Đỗ Mỹ Linh, Tiểu Vy, Lương Thùy Linh... rất nhiều bạn mặc đồ của tôi, và mỗi bạn đều có vẻ đẹp riêng.
Gần đây, tôi đã làm váy dạ hội cho Á hậu Kim Duyên dự thi Miss Universe Vietnam. Trước giờ, tôi vẫn làm đồ cho thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, nhưng chỉ làm cho các bạn thi ở trong nước thôi, chưa làm đồ để đi thi quốc tế. Tôi đã làm việc với Duyên ở các cuộc thi trong nước rồi, nên lần này tôi nhận lời giúp đỡ cô ấy ở cuộc thi quốc tế.
- Có ý kiến cho rằng việc anh chỉ lựa chọn hoa hậu trình diễn trang phục của mình thay vì người mẫu khiến các thiết kế thiếu đi tính thời trang chuyên nghiệp?
- Mỗi khi ra mắt một bộ sưu tập nào, tôi đều phải chọn nàng thơ, người mẫu chính cho bộ sưu tập đó. Nếu bộ sưu tập theo phong cách dịu dàng, trong trẻo thì phải tìm những người nhẹ nhàng. Còn nếu bộ sưu tập cần sự cá tính, tôi sẽ tìm những người mạnh mẽ cho phù hợp.
Hơn nữa, khi ra mắt một bộ sưu tập, tôi phải tính đến nhiều yếu tố. Tôi phải làm truyền thông, quảng bá chứ. Nếu để một người mẫu giữ vị trí mở màn, kết màn hoặc vedette, liệu sự chú ý, mật độ tương tác với bộ sưu tập có nhiều như khi tôi giành vị trí đó cho một hoa hậu không? Thời trang là nghệ thuật, nhưng vẫn phải đảm bảo tính thương mại, nên tôi phải tính toán để bộ sưu tập của mình đến với khán giả nhiều nhất có thể.
Nhưng tôi luôn sử dụng người mẫu cho đúng mục đích, để trang phục được tỏa sáng. Nếu hợp, tôi sẽ chọn người mẫu trình diễn như bình thường. Trước đây, khi Hoàng Thuỳ chưa thi hoa hậu tôi vẫn sử dụng Hoàng Thùy và Minh Triệu đấy thôi.
Lê Thanh Hòa chọn Hoa hậu Đặng Thu Thảo là nàng thơ cho các thiết kế của mình. |
- Vậy với danh xưng "nhà thiết kế của các hoa hậu" thì sao, anh phản hồi thế nào?
- Thật ra cũng rất thích (cười lớn). Để có một danh xưng gắn liền với tên tuổi, khán giả và khách hàng phải ưu ái, không phải ai cũng có được vinh dự này đâu.
Nhưng gần đây, các nhà thiết kế trẻ nổi lên, nhiều bạn cũng có định hướng đi theo con đường tôi đã đi trong 10 năm qua. Tôi nghĩ đã đến lúc mình không dám nhận danh xưng này nữa rồi. Không phải vì tôi lớn tuổi hay lỗi thời, chỉ là tôi nghĩ mình nên nhường cơ hội cho các bạn trẻ tài năng.