Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chiều 18/6, nữ bệnh nhân là N.T.T., 50 tuổi, trú tại Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Tiến sĩ Vũ Đình Phú, trưởng khoa Hồi sức tích cực, nhận định: "Trường hợp này không có bệnh nền và ở độ tuổi không quá cao. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải nhập viện trong bệnh cảnh rất nặng nề và là điển hình của tình trạng viêm phổi do SARS-CoV-2".
Trước đó, trường hợp này được cách ly tập trung ngày 8/5 do có yếu tố dịch tễ. Một ngày sau, bà T. có biểu hiện ho, sốt, tức ngực và được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Bà được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19 với mã số 3285.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân mệt nhiều, suy hô hấp, sốt cao liên tục, khó thở tăng, co kéo cơ hô hấp và rối loạn tiêu hóa nặng. Do đó, các bác sĩ đã quyết định chuyển bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay trong đêm 15/5.
Bệnh nhân cảm ơn bác sĩ trong ngày được xuất viện. Ảnh: BVCC. |
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được thở oxy lưu lượng cao bằng máy HFNC sau đó chuyển vào khoa Hồi sức tích cực ngày 22/5 trong tình trạng đã được đặt ống nội khí quản, duy trì thuốc vận mạch, trợ tim, an thần, giảm đau.
Bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc hô hấp tích cực, điều trị kháng sinh chống bội nhiễm, kết hợp chế độ thở máy dưới sự theo dõi, đánh giá sát sao của bác sĩ.
Hai ngày sau, các bác sĩ phát hiện hình ảnh đông đặc dưới màng phổi 2 bên của bệnh nhân và nhận định tình trạng viêm phổi diễn biến nặng hơn, qua đó chỉ định theo dõi cơn bão Cytokine do Covid-19, lọc máu liên tục hấp thụ độc tố.
Sau 3 lần lọc máu liên tiếp, đến ngày 26/5, bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí kết quả cận lâm sàng còn tệ hơn, chỉ số nhiễm trùng tăng cao, tình trạng đông máu rối loạn nghiêm trọng, tiên lượng rất nặng.
Qua hội chẩn, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực tiếp tục lọc máu hấp thụ độc tố lần thứ 4, đổi kháng sinh theo kết quả cận lâm sàng, đồng thời hồi sức tích cực cho bệnh nhân bằng thuốc vận mạch, an thần, giãn cơ, chống đông máu kết hợp thông khí mở phổi, tư thế nằm sấp, dinh dưỡng bổ trợ đường tĩnh mạch.
Đến ngày 3/6, sau 4 lần lọc máu hấp thụ độc tố, 12 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, sức khỏe bệnh nhân cuối cùng cũng có tiến triển, chức năng phổi cải thiện, chỉ số rối loạn đông máu giảm.
"Đây là những tín hiệu cho thấy bệnh nhân đã vượt qua thời điểm nguy kịch", bác sĩ Phú giải thích.
Chiều cùng ngày, các bác sĩ đã đánh giá và rút ống thở thành công cho bệnh nhân. Bà T. từ thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản được chuyển sang thở oxy, có thể tự hít thở khí oxy qua gọng kính.
Ngày 15/6, tròn một tháng chăm sóc tích cực, bệnh nhân chính thức được ngừng thở oxy và tập vận động. Bà T. lúc này có thể tự bước đi.
Đến hôm nay, bệnh nhân hoàn toàn ổn định về sức khỏe, thể trạng và tinh thần. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của bà T. 3 lần đều âm tính. Do đó, các bác sĩ đã làm thủ tục cho bệnh nhân xuất viện và bố trí xe đưa bà H. về nơi cư trú.
Bác sĩ Phú chia sẻ: "Để có được kết quả này, thời gian qua, bệnh nhân đã được can thiệp chăm sóc tích cực kịp thời và theo dõi sát sao. Do đó, sự hồi phục của bệnh nhân là nguồn động viên rất lớn đối với chúng tôi thời điểm này".
Bên cạnh bà T., Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng công bố 4 bệnh nhân khác được xuất viện trong ngày 18/6. Trong đó có cụ bà 79 tuổi ở Chương Mĩ, Hà Nội từng phát hiện u túi mật và được chỉ định phẫu thuật. Sau một thời gian diễn biến nặng, bệnh nhân cũng đủ tiêu chuẩn ra viện.