Trong vòng một năm, tôi đến Phú Yên đến 3 lần. Lần đầu tiên, khi đặt chân đến gành Đá Đĩa, bãi Môn, vịnh Vũng Rô, tháp Nhạn... tôi đã không thể thốt nên lời với cảnh vật nơi đây. Tôi thấy mình may mắn khi đi cùng một người bạn vốn là người bản địa để được khám phá thêm nhiều vùng đất mà nét nguyên sơ vẫn vẹn nguyên. Tôi thấy tiếc vì Phú Yên đẹp quá mà du lịch không phát triển. Nhưng tôi lại thấy mừng vì nhờ vậy, tất cả những gì đẹp nhất ấy vẫn còn gìn giữ được cho đến ngày nay, mà không có bàn tay con người phá hoại.
Tôi ghé thăm biển Long Thủy thuộc xã An Phú, cách trung tâm thành phố Tuy Hoà khoảng 12 km về phía bắc. Đây được xem là một trong những bãi biển hoang sơ với những hình ảnh giản dị đặc trưng của một làng quê ven biển.
Con đường quanh co trong làng được trải bê tông nhưng nhiều đoạn, ổ gà chằng chịt. Từ con đường huyết mạch của xã, tôi men theo con đường nhỏ giữa những ngôi nhà nhỏ của các ngư dân, bãi biển hiện ra trước mặt. Đó là hình ảnh nên thơ với rặng dừa gió reo trong buổi chiều tà. Chiếc thuyền thúng nằm dài trên bờ cát sau chuyến ra khơi cùng ngư dân. Hình ảnh người nông dân trên chiếc xe bò kéo trên bờ cát phẳng lỳ. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng và ám ảnh mãi chính là nụ cười của những đứa trẻ xứ Nẫu - hồn nhiên như bao đứa trẻ của các vùng quê Việt Nam nhưng lại đặc trưng hơn bởi sự rụt rè, nhút nhát.
Những đứa trẻ quen với muối mặn của biển, cái nắng bỏng rát vào những ngày hè, nước da càng mặn mòi hơn. Trong buổi chiều tà, khi ánh nắng dần tắt, chúng thích nô đùa cùng sóng biển, tung tăng trên bờ cát. Sau những giờ học trên lớp có lẽ, biển chính là nơi chúng được chơi đùa thỏa thích nhất.
Tôi nhớ nụ cười tỏa nắng của những cô, cậu bé chừng 7-8 tuổi với hàm răng sâu, những chiếc răng cửa bị gãy, trơ phần lợi, có khi để lại phần chân đen. Có lúc chúng ngượng ngập lấy tay che đi, như thể sợ hàm răng sún của mình lọt vào ống kính. Nhưng khi đã quen, chúng lại rất hòa đồng sẵn sàng cười thả ga.
Tôi nhớ hình ảnh cậu bé 3 tuổi vẫn còn nem nép trong vòng tay mẹ nhưng khi thấy ống kính giơ lên, cậu khóc thét vì sợ. Dù mất đến cả vài chục phút làm quen, cậu vẫn mếu máo khi chụp hình.
Tôi lại nhớ để có được bức hình tập thể chụp chung với chúng, tôi nhờ một cô chị, chừng học cấp 2. Nhưng cô bé không dám cầm vào chiếc máy ảnh, phần vì sợ, phần vì không biết sử dụng như thế nào dù đã được hướng dẫn nhiệt tình.
Những đứa trẻ ở Long Thủy có thể lân la trên khắp bờ cát chơi trò đắp tượng, hay khi đã chán lại chạy thật nhanh xuống biển, chơi trò té nước. Những con sóng bạc đầu thi nhau đập bờ khiến chúng vừa chạy nhảy trên nước vừa lo lấy tay giữ quần vì sợ tụt. Hình ảnh đó thật giản dị và thanh bình biết bao. Bây giờ, nhiều đứa trẻ được ba mẹ trang bị cho những chiếc áo phao có màu sắc sặc sỡ như cam, xanh chuối... để đảm bảo an toàn mỗi khi chơi đùa dưới nước.
Tôi lại nhớ đến hình ảnh của bé Ly, 11 tuổi khi đến với gành Đá Đĩa. Tranh thủ những ngày hè, cô bé được mẹ mở cho “sạp hàng” nhỏ ngay trên mặt đường nhựa nóng đến bốc khói dẫn xuống gành. Sạp hàng của cô bé là những con ốc, vỏ ốc, những cây san hô chết... Những món đồ có giá từ 1.000-2.000 đồng, cao nhất cũng chỉ vài chục nghìn đồng.
Cô bé có đôi mắt đen láy ấy kể rất nhiều cho chúng tôi nghe về con đường trải nhựa đến với thắng cảnh này. Cô bé cũng nắm rõ mùa nào khách đông, khách vắng như một hướng dẫn viên thực thụ.
Cô lại khoe vài đặc sản nơi đây là những trái dứa rừng đỏ tươi mới hái, vài loại bánh kẹo do chính người dân địa phương làm... Khi ra về, tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh cô bé đung đưa trên chiếc võng cũ sờn nhưng miệng thoăn thoắt kể và ánh mắt tràn đầy niềm hy vọng.
Và trong những chuyến hành trình đến Phú Yên ấy, tôi còn gặp nụ cười của những đứa trẻ thành thị khi chúng vui chơi trên bãi biển ở thành phố Tuy Hòa, chơi những trò hiện đại ở quảng trường; những đứa trẻ sống bên cạnh nhà thờ Mằng Lăng, những đứa trẻ ở Sông Hinh hay dưới chân đèo Cả...
Phú Yên trong tôi nào đâu chỉ có hoa vàng, cỏ xanh, cát trắng... mà ánh mắt của những đứa trẻ mới là những ký ức thật đẹp.