Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ đại gia Hứa Thị Phấn vắng mặt trong đại án Oceanbank

Do sức khỏe yếu nên nữ đại gia Hứa Thị Phấn, một trong 4 bị can bị truy tố bổ sung sau khi TAND Hà Nội trả hồ sơ, đã có đơn xin được xét xử vắng mặt trong phiên tòa đầu tuần tới.

Những bóng hồng trong vụ án Hà Văn Thắm Sáng 28/8, TAND Hà Nội dự kiến đưa Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm ra xét xử. Trong số 19 bị cáo nữ, một số bóng hồng khá thân cận với cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank.

Ngày 28/8, TAND Hà Nội dự kiến đưa Hà Văn Thắm (45 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và 50 đồng phạm ra xét xử về các tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số 51 bị cáo trên, có nữ đại gia Hứa Thị Phấn (70 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển Phú Mỹ). Bà Phấn là một trong 4 bị can bị đề nghị truy tố bổ sung sau khi TAND Hà Nội trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung hồi tháng 3 vừa qua. Bà này bị đề truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Nu dai gia Hua Thi Phan vang mat tai toa anh 1
Bà Hứa Thị Phấn. Ảnh: Vietnamnet.

Vì lý do sức khỏe, nữ đại gia 70 tuổi đã gửi đơn tới tòa xin được xét xử vắng mặt. Cùng có đơn xin vắng mặt giống bà Phấn còn có Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc khối Kế toán và Giao dịch trong nước Oceanbank), Nguyễn Viết Hiền (cựu Giám đốc Phòng giao dịch Âu Cơ Oceanbank).

Theo cáo buộc, do muốn thâu tóm một số ngân hàng về OceanBank, Hà Văn Thắm đã gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện cho nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) và đặt vấn đề chuyển giao lại ngân hàng này cho Thắm.

Tháng 2/2012, bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ (thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc TrustBank) ký hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm, bán gần 85% vốn điều lệ của ngân hàng này với tổng giá trị ghi trong hợp đồng gần 4,5 tỷ đồng.

Đổi lại, ông Thắm phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, quyền được sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng cùng một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại TrustBank.

Nu dai gia Hua Thi Phan vang mat tai toa anh 2
Ông Hà Văn Thắm tại phiên sơ thẩm hồi tháng 2. Ảnh: Anh Tuấn.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản TrustBank, ông Thắm phát hiện một số khoản vay lớn, dư nợ xấu của nhà băng này không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng.

Hà Văn Thắm sau đó thỏa thuận, chuyển nhượng lại TrustBank cho ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB).

Tháng 10/2012, bà Phấn ký lại hợp đồng với ông Danh, chuyển nhượng hơn 250 triệu cổ phần TrustBank với số tiền 4,6 tỷ đồng. Sau khi tiếp quản, ông Danh đã làm thủ tục đổi tên ngân hàng trên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Để có 500 tỷ đồng thanh khoản cho nhà băng này, ông Danh mượn tài sản của bà Phấn để thế chấp cho Oceanbank.

Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, sau khi bàn bạc, thống nhất với bà Phấn và Thắm, ông Danh đã nhờ lái xe tên Bình thành lập Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Trung Dung để ký hợp đồng tín dụng vay Oceanbank số tiền 500 tỷ đồng.

Biết công ty này không có vốn điều lệ 250 tỷ đồng như đã khai báo trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số tài sản đảm bảo không đảm bảo giá trị cho các khoản vay nhưng Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn (Phó tổng giám đốc Oceanbank), vẫn phê duyệt cho vay và cho vay vượt quá giới hạn quy định. Hành vi này của ông Thắm và Hoàn gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 343 tỷ đồng



Vân Thanh

Bạn có thể quan tâm