Ở tuổi 57, Yim Soon-rye là một trong những nữ đạo diễn thành công nhất của điện ảnh Hàn Quốc hiện đại.
Yim Soon-rye là một trong những nữ đạo diễn thành công nhất của điện ảnh Hàn Quốc hiện đại. Ảnh: Movist. |
Cách đây gần 10 năm, bà từng mang bộ phim Forever the Moment (2008) của mình tới chiếu khai mạc Liên hoan phim Hàn Quốc lần thứ II tại Việt Nam. Đó là câu chuyện có thật về đội bóng ném nữ Hàn Quốc ở Thế vận hội mùa hè Athens 2004.
Năm nay, Yim Soon-rye trở thành người đứng lớp chỉ đạo diễn xuất cho chương trình điện ảnh Gặp gỡ Mùa thu lần thứ năm. Đó là lớp học gồm nhiều cái tên trẻ tài năng như Lê Bình Giang, Trần Dũng Thanh Huy, Đỗ Quốc Trung, Lê Hoàng, Trịnh Quang Minh...
Bà đã có chia sẻ về các đạo diễn trẻ của Việt Nam, cũng như trào lưu làm lại phim Hàn của điện ảnh Việt.
Cần phải xác định mình làm phim cho ai
- Lần đầu tiên làm giáo viên cho các đạo diễn trẻ Việt Nam tại chương trình Gặp gỡ Mùa thu, bà cảm thấy họ như thế nào?
- Tôi nghĩ họ đều rất thông minh, tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng và sự hứng khởi. Đó là niềm hy vọng lớn dành cho nền điện ảnh của nước bạn trong những năm tới đây.
- Theo bà, họ đã có điều gì, và họ đang thiếu điều gì nhất trong công việc làm phim?
- Điểm mạnh lớn nhất của họ là sức tập trung, và sự chăm chỉ mà tôi thấy được thông qua mỗi bài tập. Còn điểm yếu, tôi nghĩ là họ chưa dám mạnh dạn đưa ra thử nghiệm.
Chẳng hạn như về góc quay, các bạn học sinh vẫn sử dụng phương pháp thông thường. Nếu như can đảm hơn, họ hoàn toàn có thể đưa ra nhiều khung hình sáng tạo hơn.
Lim Soon-rye tại lớp học chỉ đạo diễn xuất của chương trình Gặp gỡ Mùa thu lần thứ 5. Ảnh: Nguyên Minh. |
- Trên thực tế, các sản phẩm của đạo diễn trẻ tại Việt Nam gặp khó khăn về đầu ra và cách tiếp cận công chúng. Điều đó có xảy ra tại Hàn Quốc, và bà có lời khuyên nào cho lớp đạo diễn trẻ Việt Nam không?
- Đây là điều mà ở đâu cũng xảy ra, không chỉ tại Việt Nam hay Hàn Quốc. Với một bộ phim hay nhưng không có ngôi sao hoặc vốn đầu tư dồi dào, các rạp chiếu phim chỉ dành cho nó số lượng suất chiếu ít ỏi, thậm chí là từ chối ngay từ đầu.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất trước khi làm phim là phải hiểu mình đang làm phim cho ai. Khán giả của bạn chỉ là một nhóm người, hay là số đông đại chúng? Từ đó, bạn mới có thể xác định số vốn đầu tư và hướng đi hợp lý.
Nếu xác định ngay từ đầu rằng tôi làm phim chỉ để truyền tải phong cách cá nhân, lượng khán giả tiếp cận sẽ ít, cũng không sao cả. Còn khi đã làm phim cho số đông đại chúng, một người đạo diễn cần nắm bắt rõ thị hiếu và thị trường của mình.
- Bà là nữ đạo diễn rất thành công tại Hàn Quốc. Nhưng có định kiến cho rằng nghề đạo diễn chỉ dành cho phái mạnh. Bà nghĩ sao về chuyện đó?
- Cá nhân tôi từ chỗ thắng giải một cuộc thi phim ngắn tại Hàn Quốc nên có cơ hội phát triển sự nghiệp, thực hiện nhiều bộ phim điện ảnh dài chiếu rạp cho tới tận hôm nay. Tôi nghĩ mình không gặp khó khăn gì vì giới tính trong nghề làm phim.
Nhìn rộng ra mà nói, nghề nghiệp nào cũng cần những mối quan hệ. Đàn ông dễ gây dựng quan hệ hơn phụ nữ, bởi họ có thể cùng nhau thoải mái uống rượu, đá bóng, đánh golf, chơi bóng chày… Các dự án phim hoàn toàn có thể nảy sinh từ những hoạt động đó. Còn phụ nữ thì rõ ràng là khó khăn hơn.
Song, người Hàn Quốc nay chú trọng tìm kiếm những kịch bản hay, độc, lạ. Nếu một người phụ nữ sở hữu điều đó, các nhà sản xuất, chế tác sẽ tự khắc tìm đến. Do đó, phái đẹp hoàn toàn có thể tự tin làm phim nếu như họ sở hữu thực tài.
Khán giả xem mãi phim remake sẽ thấy chán
- Hiện làm lại (remake) phim Hàn Quốc đang là trào lưu tại Việt Nam. Theo bà, kịch bản của người Hàn có điều gì đặc biệt khiến các nhà làm phim châu Á, không chỉ ở Việt Nam, đua nhau làm lại trong hơn một thập kỷ qua?
- Tôi nghĩ chính các nhà làm phim Việt Nam mới có thể đưa ra câu trả lời xác đáng nhất. Còn theo quan điểm của tôi, có hai lý do. Thứ nhất, kỹ thuật làm phim của Hàn Quốc phát triển rất mạnh so với các nước trong khu vực, giúp cho ra đời sản phẩm hay. Và thứ hai, kịch bản Hàn có phần nội dung mới lạ, hấp dẫn số đông đại chúng.
Trước đây, những người tài giỏi tại Hàn Quốc thường được phân bổ cho nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng dạo gần đây, nhóm người thông minh, sáng tạo thường chọn con đường làm phim, và giúp cho nền điện ảnh Hàn có ngày hôm nay.
Nhìn về quá khứ, đã có lúc các nhà làm phim Hàn Quốc loay hoay bắt chước phim của Hong Kong hay Nhật Bản. Nhưng họ rốt cuộc cũng tìm thấy nét riêng của quốc gia mình để cho ra đời các tác phẩm hay. Điện ảnh Việt Nam lúc này có thể học hỏi theo Hàn Quốc, nhưng tôi mong là các bạn sẽ sớm tìm ra lối đi cho riêng mình.
Nữ đạo diễn Hàn Quốc mới hoàn thành dự án phim dựa trên truyện tranh của Nhật Bản và đưa ra những quan điểm về trào lưu remake phim nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Minh. |
- Nếu muốn làm lại một phim Hàn Quốc nào đó, liệu các nhà làm phim nước ngoài có phải bỏ ra nhiều tiền để chi trả cho việc mua kịch bản hay không?
- Thật khó để đưa ra câu trả lời chính xác, bởi quyết định cuối cùng nằm ở hãng phim, chứ không phải một người đạo diễn như tôi. Theo tôi hiểu, với tùy kịch bản, với tùy quốc gia, đối tác, phía Hàn Quốc sẽ đưa ra các mức giá khác nhau, chứ không có khung cố định.
- Các bộ phim Việt Nam làm lại từ Hàn Quốc tới nay thua nhiều hơn là thắng. Một số khán giả phàn nàn rằng có phim mà người đạo diễn chỉ copy từng phân cảnh của nguyên tác, chẳng đem tới điều gì mới mẻ. Bà nghĩ sao về chuyện này?
- Giữ y nguyên nội dung cho tới từng khung hình là điều rất không tốt. Làm phim remake, bạn chỉ lấy trọng tâm câu chuyện, cảnh quay, rồi phải chuyển đổi hình ảnh sao cho đúng với tình hình, văn hóa của Việt Nam. Đó là điều tối quan trọng khi muốn remake một bộ phim nào đó.
Chẳng hạn, tôi mới hoàn thành bộ phim Little Forest (2018) dựa trên một bộ truyện tranh (manga) của Nhật Bản. Nếu bê nguyên si những yếu tố Nhật Bản trong nguyên tác về Hàn Quốc, tôi cầm chắc thất bại. Trong quá trình xây dựng kịch bản và ghi hình, tôi luôn luôn phải cố gắng tìm tòi điều mới mẻ, rồi thực hiện sao cho đúng với tình hình và thị hiếu nước nhà.
- Việt Nam đua nhau làm lại phim Hàn Quốc thực tế bắt nguồn từ chuyện thiếu kịch bản hay. Đây có thể là giải pháp ngắn hạn. Còn với giải pháp dài hạn, bà có lời khuyên nào dành cho các nhà làm phim Việt không?
- Kịch bản bắt nguồn từ chính xã hội chúng ta sinh sống. Cuộc sống hàng ngày có mặt phải, mặt trái, mặt tốt, mặt xấu. Đội ngũ biên kịch của các bạn cần chọn chính xác điều mà mình muốn nói thông qua kịch bản của mình, theo cái cách tự nhiên nhất có thể.
Tại Hàn Quốc, trải qua một thời kỳ rất dài, không phải chỉ ngày một, ngày hai, đội ngũ làm phim và các nhà biên kịch mới có thể kể đúng câu chuyện mà mình mong muốn. Từ đó, sự sáng tạo cứ thế dần nảy sinh.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo, cả dài hạn lẫn ngắn hạn dành cho ngành biên kịch cần được Việt Nam liên tục tổ chức để nâng cao chất lượng kịch bản phim.
Cá nhân tôi không thích, cũng không ghét phim làm lại. Bởi Hàn Quốc cũng có quãng thời gian như thế, còn tôi thấy điện ảnh nước bạn đang trong giai đoạn quá độ. Nhưng chắc chắn rằng, khán giả nếu cứ xem mãi phim remake thì cũng sẽ thấy chán.
Đạo diễn Yim Soon-rye sinh năm 1961. Bà tốt nghiệp Đại học Hanyang vào năm 1985 với bằng cử nhân Văn học Anh và bằng tiến sĩ Sân khấu & Điện ảnh. Sau đó, Soon-rye tiếp tục tới Pháp học điện ảnh, rồi trở về Hàn Quốc làm việc trên các phim trường.
Năm 1994, bộ phim ngắn Promenade in the Rain của bà thắng giải nhất và giải báo chí tại Liên hoan Quốc tế Phim ngắn Seoul lần thứ I. Trong suốt hơn 20 năm qua, Yim Soon-rye liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng như Waikiki Brothers (2001), Forever the Moment (2008), The Whistleblower (2014)…
Năm 2008, tổ chức Green Korea từng đưa bà vào danh sách “100 người giúp thế giới trở nên tươi sáng hơn”.
Tại Việt Nam, khán giả liên tục được theo dõi các bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài trong khoảng hai năm qua, như Yêu (2015 - làm lại từ The Love of Siam của Thái Lan), Em là bà nội của anh (2015 - làm lại từ Miss Granny của Hàn), Bạn gái tôi là sếp (2017 - làm lại từ ATM của Thái Lan), Yêu đi, đừng sợ! (2017 - làm lại từ Spellbound của Hàn), Sắc đẹp ngàn cân (2017 - làm lại từ 200 Pounds Beauty của Hàn).
Trong đầu năm 2018, có ít nhất hai phim Việt làm lại từ Hàn Quốc sẽ ra rạp. Đó là Yêu em bất chấp được remake từ My Sassy Girl (2001), và Tháng năm rực rỡ được remake từ Sunny (2012).