Trước đó, bị cáo Trương Thị Loan bị TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng vụ án, bị cáo Mai Thanh Hà (SN 1978, trú tại phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị tuyên phạt 16 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Trong kháng cáo, bị cáo Trương Thị Loan đề nghị tòa án xem xét thu giữ số tiền gần 98 tỷ đồng từ bị cáo Mai Thanh Hà và bà Nguyễn Thị Hằng để trả trực tiếp cho 8 bị hại và xác định thời gian thu giữ số tiền trên. Nữ bị cáo còn đề nghị được trả lại hơn 225 triệu đồng mà bản án sơ thẩm xác định Mai Thanh Hà hưởng lợi bất hợp pháp từ bị cáo và dùng số tiền này chuyển trả cho 8 bị hại.
Ngoài ra, người liên quan là bà Nguyễn Thị Hằng và bị cáo Mai Thanh Hà cũng kháng cáo đề nghị tòa án xem xét tách phần dân sự để xét xử lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho 2 người này. Một bị hại là ông Đỗ Văn Kiên nộp đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt chính và áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo Trương Thị Loan.
Người liên quan là ông Lê Hoàng Linh kháng cáo đề nghị giải tỏa lệnh ngăn chặn tài sản của vợ chồng ông này.
Ảnh minh họa về hoạt động đấu giá tài sản. |
Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận được nhiều đơn tố giác bị cáo Trương Thị Loan, Mai Thanh Hà, Nguyễn Thị Hằng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc đặt cọc đấu giá tài sản.
Kết quả điều tra xác định từ tháng 2/2020, bị cáo Loan cùng 2 người khác thành lập Công ty Đấu giá Hợp danh Sao Vàng (viết tắt là Công ty Đấu giá Sao Vàng). Mọi hoạt động của công ty đều do Loan điều hành với tư cách giám đốc.
Lợi dụng bản thân làm việc tại Công ty Đấu giá Sao Vàng và do cần tiền chi tiêu, trả lãi các khoản vay ngoài xã hội trước đó, Loan đã đưa ra thông tin gian dối về việc Công ty Đấu giá Sao Vàng có nhiều tài sản cần bán đấu giá để thu hút người tham gia nộp tiền đặt cọc.
Theo thỏa thuận, cứ sau 7 ngày kể từ ngày nộp tiền cọc thì sẽ được trả lại 100% tiền gốc và sau 1-3 ngày nộp tiền được hưởng một khoản phí từ 5-7% số tiền đặt cọc. Bằng cách này, bị cáo Loan đã thu hút được nhiều người nộp tiền đặt cọc vào tài khoản ngân hàng. Ban đầu, Loan trả tiền gốc và phí đều đặt khiến nhiều người tiếp tục nộp tiền.
Theo đó, khoảng tháng 11/2020, Loan trao đổi với bị cáo Mai Thanh Hà về việc đặt cọc đấu giá được hưởng phí hoa hồng. Tin tưởng Loan, bị cáo Mai Thanh Hà đã tham gia nộp tiền đặt cọc đấu giá và còn rủ thêm 2 người bạn là bà Nguyễn Thị Hằng và bà Nguyễn Thị Phương cùng tham gia.
Sau đó, bà Nguyễn Thị Hằng lại rủ nhiều người khác cùng tham gia đặt cọc đấu giá. Việc đặt cọc đấu giá được thực hiện qua 2 giai đoạn.
Từ ngày 26/11/2020 đến trước tháng 6/2021, bị cáo Mai Thanh Hà nhận thông tin trực tiếp từ Trương Thị Loan, rồi chuyển cho bà Phương, bà Hằng. Việc trả gốc thực hiện theo thỏa thuận, còn khoản phí thì bị cáo Loan trả tất cho bị cáo Mai Thanh Hà.
Bị cáo Hà sau đó trả cho bà Hằng, bà Phương với mức phí 2,3-3%. Từ đầu tháng 6/2011 đến tháng 9/2021, bà Nguyễn Thị Hằng đề nghị được làm trực tiếp với Loan mà không phải thông qua bị cáo Hà. Bị cáo Loan đồng ý và trả trực tiếp khoản phí từ 5% cho bà Hằng và tiếp tục trả phí cho nhóm của bị cáo Hà như trước.
Đến khoảng tháng 8, tháng 9/2021, bị cáo Loan không thực hiện việc trả tiền gốc và phí như đã thỏa thuận trước đó. Tại thời điểm này, bị cáo Trương Thị Loan còn nợ bà Nguyễn Thị Hằng cùng các bị hại ở nhóm bà Hằng tổng cộng hơn 135 tỷ đồng. Trong đó, nợ bà Nguyễn Thị Hằng hơn 46 tỷ đồng, nợ anh Đỗ Văn Kiên hơn 18 tỷ đồng, nợ vợ chồng anh Lê Khắc Bình hơn 35 tỷ đồng và nợ anh Lê Đức Thọ hơn 16 tỷ đồng…
Đối với nhóm Mai Thanh Hà, Nguyễn Thị Phương, Loan còn nợ 112 tỷ đồng tiền gốc chưa trả lại, trong đó của bị cáo Hà là hơn 65 tỷ đồng, của bà Nguyễn Thị Phương là hơn 46 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Mai Thanh Hà, Nguyễn Thị Hằng và các bị hại khai nhận khi tuy tham gia nộp tiền đặt cọc nhưng không hiểu gì về đấu giá, không biết tài sản đặt cọc là gì, từ khi tham gia nộp tiền đến nay chưa trúng đấu giá bất kỳ tài sản nào nhưng vẫn nộp tiền nhiều lần vì nếu không mua được tài sản đấu giá thì được hoàn lại 100% tiền cọc và còn được hưởng phí.
CQĐT cho rằng việc Mai Thanh Hà, Nguyễn Thị Hằng và các bị hại nộp tiền đặt cọc không phải đấu giá mà bản chất là hợp tác đầu tư để hưởng lợi. Việc bị cáo Loan trả phí không đúng quy định về đấu giá, nên xác định khoản phí đó bất hợp pháp cần đối trừ vào nợ gốc.
Cơ quan tố tụng cũng xác định khoản phí bị cáo Mai Thanh Hà đã được hưởng là 126 tỷ đồng, tiền gốc của bị cáo Hà là hơn 65 tỷ đồng. Sau khi đối trừ, hiện bị cáo Mai Thanh Hà còn chiếm hưởng của bị cáo Loan hơn 60 tỷ đồng.
Tương tự, Nguyễn Thị Hằng còn chiếm hưởng của bị cáo Loan là hơn 37,7 tỷ đồng. Những người còn lại sau khi đối trừ tiền phí thì bị cáo Loan vẫn còn chiếm đoạt của họ tổng cộng là 94,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng với thủ đoạn đặt cọc đấu giá, bị cáo Loan đã lừa đảo chiếm đoạt của 3 cá nhân khác, nâng tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt lên hơn 98 tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả điều tra còn phát hiện bị cáo Mai Thanh Hà có hành vi cho Trương Thị Loan vay 1 tỷ đồng với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu mỗi ngày. Do đó, bị cáo Hà bị xét xử về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Tủ sách pháp luật sẽ giúp độc giả của Znews tìm hiểu sâu hơn về các luật, bộ luật, cũng như dễ dàng tiếp cận các quy định về đăng ký tạm trú, xử phạt hành chính…