Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ giáo viên kể chuyện... 'đi trại' ra đề thi ĐH

Trong vòng một tháng, những thầy cô giáo 'bị bắt' đi ra đề, sống cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Kể cả người nhà cũng chẳng biết họ đi đâu. Chỗ họ ở bị bao bọc bởi hàng rào lưới, muốn ném giấy ra ngoài cũng không được.

Nữ giáo viên kể chuyện... 'đi trại' ra đề thi ĐH

Trong vòng một tháng, những thầy cô giáo 'bị bắt' đi ra đề, sống cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Kể cả người nhà cũng chẳng biết họ đi đâu. Chỗ họ ở bị bao bọc bởi hàng rào lưới, muốn ném giấy ra ngoài cũng không được.

>> Miss teen Xuân Mai lo lắng ngày 'vượt vũ môn'
>> Tâm sự của một 9x bỏ thi đại học
>> Sĩ tử cười tươi sau môn thi Văn và Sinh

Cô Quỳnh Anh, cựu giáo viên trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), đã có những chia sẻ về cách thức ra đề thi ĐH, khi cách đây vài năm, cô đã tham gia ra đề thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH môn tiếng Anh.

Vào cuối năm học, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ lựa chọn các giáo viên tiêu biểu trên khắp cả nước, sau khi xem hồ sơ, Cục sẽ mời khoảng 5 giáo viên cho mỗi nhóm đề thi.

Trong năm học đó, nhóm ra đề Anh văn của cô Quỳnh Anh gồm 5 người, trưởng nhóm là một giảng viên của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, bên cạnh đó là 1 giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), một giáo viên trường THPT ở miền Trung và cô Quỳnh Anh (là giáo viên trẻ nhất, đại diện cho khu vực miền Bắc).

Thường, các giáo viên được lựa chọn ra đề thi sẽ tập hợp một tháng trước khi kỳ thi tuyển ĐH diễn ra. Tất cả mọi người sẽ được tập hợp trong một khuôn viên rộng, trên tầng thượng của một tòa nhà, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, thậm chí, xung quanh còn được bao bọc bởi hàng rào lưới, ai muốn ném một tờ giấy ra ngoài cũng không thể. Chính vì như thế nên các giáo viên ra đề thi thường gọi là “đi trại”.

Tại đó, mỗi nhóm phụ trách một môn, các giáo viên sẽ phụ trách từng phần trong một cấu trúc đề thi. Với đề tiếng Anh, có người phụ trách phần ngữ pháp, đọc hiểu, viết....

Giáo viên không trực tiếp nghĩ ra đề bài, mà Cục khảo thí đã có sẵn một ngân hàng đề được lấy từ nhiều giáo viên trong cả nước. Từ ngân hàng đề này, các giáo viên sẽ lựa chọn câu hỏi, rồi sau đó ghép lại thành một đề thi ĐH.

Nữ giáo viên kể chuyện... 'đi trại' ra đề thi ĐH
Thí sinh trước khi chính thức làm bài thi môn Ngữ văn khối D diễn ra vào sáng nay, tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Quy trình tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực chất đó là một quá trình kéo dài khoảng 15 ngày, mỗi giáo viên sẽ nghiên cứu rất kỹ từng câu hỏi, rồi sau đó đưa ra thảo luận, và ghép các câu lại với nhau, tiếp theo đó, mỗi nhóm tiếp tục thảo luận về việc các câu hỏi đã sát với chương trình học chưa, đề ra có sự phân loại học sinh hay không, sự sáng tạo đạt đến đâu và tính logic giữa các câu hỏi đã chặt chẽ chưa….

“Đọc lại đề thi rất quan trọng, bởi chỉ cần đề sai hoặc nhầm một dấu phẩy thôi là ảnh hưởng đến tình hình và kết quả của các thí sinh. Chính vì thế, việc đầu tiên vào buổi sáng, khi mà trí lực của mọi người còn minh mẫn thì mỗi người cầm đề thi lên và đọc lại”- cô Quỳnh Anh chia sẻ.

Khoảng 1 tuần sau đó, khi đề thi đã được chuyển đi, các giáo viên vẫn phải tiếp tục ở lại, chờ đến khi kết thúc kỳ tuyển sinh ĐH. Đó là để đảm bảo sự tối mật của đề thi. Hơn nữa, dù có môn thi trước, môn thi sau, nhưng tất cả đều “ra trại” cùng thời điểm, vì trong quá trình ra đề thi, các nhóm cùng ngồi trong một phòng lớn, giáo viên các môn cũng có mối giao lưu với nhau.

Đó cũng là thời điểm mà các giáo viên ra đề thi rất căng thẳng, lúc này, ở ngoài kia, hàng triệu sĩ tử đã bắt đầu làm bài thi, họ hồi hộp chờ đợi sự đánh giá của các em, của giới chuyên môn và truyền thông.

“Chỉ khi nào mà đại diện của Cục đến bắt tay và bảo “ổn” thì tất cả chúng tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm”- cô Quỳnh Anh chia sẻ.

Trong suốt thời gian ra đề thi, các giáo viên hoàn toàn không có mối liên hệ nào với bên ngoài, không có điện thoại, không thư từ, có máy tính nhưng không kết nối Internet, thậm chí, người thân ở nhà cũng không biết cụ thể các thầy cô giáo đi làm công việc gì.

Nữ giáo viên kể chuyện... 'đi trại' ra đề thi ĐH

Cô giáo Đỗ Quỳnh Anh.

Hằng ngày, chỉ có người đưa báo mang đến những tờ báo phản ánh tình hình thi cử của thí sinh, ngoài ra, trong một tháng, có thêm khoảng 2-3 nhân vật quan trọng của Bộ giáo dục và Đào tạo đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo đang “đi trại”.

Các thầy cô giáo cũng làm việc theo giờ hành chính, buổi sáng bắt đầu từ 8h và buổi chiều kết thúc lúc 17h. Buổi tối là khoảng thời gian mọi người rảnh, và đó là khoảng thời gian rất buồn tẻ, chỉ có thể tập thể dục, đọc sách, chơi cờ….(giờ đây, các giáo viên được mời ra đề thi đã rút kinh nghiệm, mang theo rất nhiều sách để đọc vào buổi tối).

“Tuy là cũng buồn, nhưng đó là cơ hội để những giáo viên trẻ như chúng tôi có những trải nghiệm rất thú vị. Bởi các giáo viên được lựa chọn ra đề thi đều là những bậc kỳ cựu ở các trường THPT, ĐH danh tiếng, làm việc cùng nhau, tôi được học hỏi rất nhiều điều bổ ích. Hơn thế, trải qua thời điểm đó, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc ra đề thi, của việc bám sát, am hiểu cách học của học sinh trong quá trình dạy dỗ các em”- cô Quỳnh Anh tâm sự.

Thủy Nguyên

Theo Bưu điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm