Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ giới sống một mình ở TP.HCM xoay xở vì xe hỏng hậu phong tỏa

18h, tối 1/10, Thu Thảo (26 tuổi) một mình dắt bộ chiếc xe tay ga tìm tiệm sửa chữa trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức).

Trước đó, Thảo được chủ nhà trọ đẩy hộ xe ra khỏi hầm giữ. Quãng đường từ nhà đến tiệm sửa xe gần nhất hơn 800 m, Thảo mất gần 30 phút vừa dắt xe, vừa liên tục nghỉ mệt.

"Xe cộ hư hỏng, chết máy thực sự là nỗi ám ảnh với những bạn nữ sống một mình như tôi", cô nói với Zing.

sua xe hau gian cach anh 1

Khách đến bơm lốp xe ở một tiệm sửa xe trên đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) vào chiều 1/10.

Không ngại giá cao, chỉ sợ thay phải đồ rởm

Xe của Thảo chết máy và nằm bám bụi trong nhà xe của khu trọ hơn một tháng nay. Trong 4 tháng giãn cách xã hội, cô chỉ dùng đến chiếc xe đúng hai lần khi đi tiêm vaccine. Thời gian còn lại hầu như không đoái hoài gì.

Sau khi nhận thông báo trở lại văn phòng từ ngày 4/10 vào cuối tháng 9, Thảo mới nhớ đến chiếc xe lâu ngày chưa động chạm đến.

"Nhớ đến cũng đã muộn, có đề có đạp bao nhiêu xe cũng không nổ máy".

Khi đến tiệm sửa xe, Thảo được báo giá toàn bộ chi phí thay bình ắc-quy, thay nhớt, bơm lốp là 750.000 đồng. Cô cho biết mức giá này khá cao so với những lần cô từng sửa xe trước đây.

Dù không hài lòng với giá tiền, Thảo vẫn chấp nhận sửa vì không thể tiếp tục đẩy bộ xe thêm nữa.

"Tôi nghĩ dịch dã nên có thể giá cả sẽ tăng đôi chút, nhưng cũng nghi ngờ việc chủ tiệm lợi dụng hoàn cảnh để hét giá cao hơn bình thường", cô gái 26 tuổi nói.

sua xe hau gian cach anh 2

Minh Tâm mang xe ra đầu hẻm sửa sau 3 tháng không sử dụng đến.

Tương tự Thu Thảo, Minh Tâm (23 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) cũng phải một mình dắt bộ xe đi sửa trong ngày "bình thường mới" đầu tiên của TP.HCM.

Tuy nhiên, có phần may mắn hơn, Tâm không phải dắt xe đi quá xa vì ngay đầu hẻm nhà cô có một tiệm sửa xe.

Chiếc xe tay ga của Tâm bị hư bình ắc-quy vì xếp xó 3 tháng không sử dụng. Tổng chi phí sửa xe của Tâm hết 400.000 đồng. Bên cạnh đó, cô được chủ tiệm miễn phí tiền bơm lốp.

"Giờ quan trọng nhất là phải sửa xe nhanh, mai có phương tiện đi làm. Bản thân mình thì không quá ngại giá cao mà chỉ sợ bị thay đồ rởm, đi được ít ngày xe lại trở chứng. Vì vậy, lúc mang xe đi sửa mình phải quan sát và hỏi rất kỹ những thứ thợ thay vào xe", Tâm cho biết.

Dịch vụ sửa xe lưu động đắt hàng

Anh Tấn Tài (31 tuổi), chủ một tiệm sửa xe trên quốc lộ 13, thành phố Thủ Đức, cho biết lượng khách hàng trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại phải gấp đôi bình thường.

Mở cửa từ lúc 7h sáng, anh Tài cùng vợ và hai con trai gần như không có lúc nào ngơi tay vì khách vào ra liên tục.

"Rất nhiều người phải dắt bộ xe tới sửa vì để quá lâu, xe bị hư, hết bình ắc-quy. Những trường hợp khác là bị hỏng lốp hoặc bị đứt dây điện do chuột cắn. Nói chung đều là những hư hỏng lặt vặt nên sửa cũng nhanh, đơn giản", anh Tài cho biết.

Chiều 1/10, anh Hiếu, chủ một tiệm sửa xe trên đường Kha Vạn Cân (thành phố Thủ Đức), thông báo không nhận thêm khách sửa xe lấy liền. Những khách muốn sửa ở tiệm phải chấp nhận để xe lại, ngày mai mới có thể lấy.

"Tiệm chỉ có hai người sửa nên không thể tham nhiều. Một số khách vào bơm xe mà chờ lâu quá, tôi hướng dẫn họ tự bơm rồi miễn phí luôn", anh Hiếu nói.

sua xe hau gian cach anh 3

Anh Tài sửa xe cho khách trong cửa tiệm trên quốc lộ 13, thành phố Thủ Đức, sáng 1/10.

Xe không nổ máy, nhiều người ngại dắt bộ ra tiệm sửa nên dịch vụ cứu hộ tại nhà trở nên đắt khách hơn.

Anh Ngọc Huy, chủ một cửa hàng sửa xe lưu động tại quận Bình Thạnh, cho biết trong ngày đầu tiên TP.HCM nới lỏng giãn cách, anh nhận được hàng chục cuộc gọi của khách hàng.

"Nhiều người sống ở các chung cư có hầm để xe lớn, dốc cao nên rất khó để dắt xe ra ngoài, mang đi sửa. Ngay sau khi thành phố có chủ trương nới lỏng giãn cách, nhiều người đã gọi điện hỏi chúng tôi về dịch vụ, thậm chí đặt hàng trước".

Qua điện thoại, anh Huy và nhân viên sẽ hỏi khách về tình trạng xe. Khách cũng có thể chụp ảnh các bộ phận hư hại rồi gửi cho cửa hàng. Sau đó, nhân viên sửa chữa sẽ mang theo dụng cụ, thiết bị cần thiết đến tận nơi hỗ trợ khách.

"10 chiếc thì có 7-8 chiếc hư bình ắc-quy. Sửa chữa xe đợt này cũng không có gì phức tạp lắm", anh Huy cho biết.

Chị Ý (34 tuổi, ngụ ở thành phố Thủ Đức), người đã sử dụng dịch vụ sửa xe lưu động của cửa hàng anh Huy, cho biết bản thân khá hài lòng với chất lượng dịch vụ.

"Giá thành cao hơn nhưng đổi lại mình không phải chật vật dắt bộ xe ra tiệm. Một cuộc điện thoại là giải quyết xong, tiện hơn rất nhiều", chị Ý nói.

Cô gái ở TP.HCM chờ 4 tháng mới được thay kính cận

Nhiều hiệu kính giới hạn lượng khách đến cửa hàng trong khi số khác yêu cầu người mua khai báo y tế, xác nhận đã tiêm vaccine.

Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm