Tuy nhiên, điều bất ngờ là phản hồi về bức ảnh sau đó tương đối tích cực: trong hơn 11.000 lá thư mà tạp chí nhận được, có 2/3 là ủng hộ. Độc giả cho rằng một nụ hôn màn ảnh sẽ không "đầu độc tuổi trẻ" hay gây hại gì cho xã hội như cách một nhà phê bình đã phê phán, theo Sixth Tone.
Ảnh bìa sau đó được giữ lại, song những tranh cãi ban đầu góp phần củng cố cho định kiến về nụ hôn vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Trong "The History of the Kiss!" (tạm dịch: Lịch sử của nụ hôn!), học giả Marcel Danesi (Canada) viết rằng hôn "không phải một phần trong truyền thống tán tỉnh của Trung Quốc hay Nhật Bản".
Thế nhưng, có nhiều bằng chứng cho thấy "lịch sử nụ hôn" ở Trung Quốc đã có từ thời cổ đại, được miêu tả trong nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn học.
Lịch sử của nụ hôn ở Trung Quốc
Sự xa lạ của hôn trong văn hóa truyền thống Trung Quốc được củng cố với chứng cứ: một từ điển tiếng Trung từ những năm 1980 cho rằng từ "hôn" trong tiếng Trung là "jiewen", có nguồn gốc từ "seppun" trong tiếng Nhật - mà từ này lại xuất phát từ "kiss" trong tiếng Anh.
Nhưng trong cuốn "A History of Kissing in China" (tạm dịch: Lịch sử nụ hôn ở Trung Quốc), học giả Hu Wenhui lại lập luận rằng "hôn" không phải từ nhập khẩu, những từ như "jiewen"đã được người Trung Quốc cổ đại sử dụng rộng rãi và có lịch sử lâu đời trong văn học nước này.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc miêu tả về nụ hôn. Ảnh: Boston Museum. |
Theo học giả Hu, những ghi chép đáng tin cậy sớm nhất của Trung Quốc về nụ hôn có thể được tìm thấy ở Mawangdui, một địa điểm khảo cổ ở miền trung Trung Quốc nổi tiếng với những ngôi mộ thời nhà Hán (202 TCN - 220 SCN).
Trong số các bản thảo được khai quật có một hướng dẫn về thực hành tình dục trong đó có đề cập đến một kỹ thuật được gọi là "xu": có nghĩa là "thở ra" hoặc "nhổ nước bọt", nó cũng có thể được hiểu là "hôn" trong bối cảnh của bản thảo.
Một bản thảo khác của triều đại nhà Hán được đưa về Trung Quốc vào năm 2009 cung cấp manh mối về cách các cặp đôi hôn nhau cách đây gần 2.000 năm. Trong một đoạn văn hư cấu, tác giả nói đùa về vẻ ngoài khó chịu và hành vi phóng túng của một người phụ nữ, đồng thời lưu ý đến sở thích hôn của cô ấy: "Thân hình cô ấy giống như một con nhím có gai, nhưng cô ấy lại là một người thích ôm ấp nhiệt tình; Hơi thở hôi như chuột nhưng lại ham mê ria mép của chồng".
Triều đại nhà Hán đã có nhiều hình ảnh hôn nhau. Hầu hết trong số này đến từ những bức tranh tường trang trí được tìm thấy trong các ngôi mộ và hội trường tôn giáo. Một bức tranh tường mô tả hai người hôn nhau bằng cách miệng họ gần nhau, được nối với nhau bằng lưỡi.
Hôn trở thành biểu tượng của tự do
Bất chấp những ghi chép lâu đời đó, việc đề cập đến nụ hôn vẫn tương đối hiếm trong văn học Trung Quốc cho đến thiên niên kỷ trước.
Nhiều người Trung Quốc thời hiện đại vẫn tin rằng hôn là văn hóa du nhập từ phương Tây. Ảnh: Douban. |
Trước thời nhà Tống (960-1279), tình dục và hôn thường bị coi là "nghệ thuật phòng the" và có mối liên hệ chặt chẽ với các thực hành Đạo giáo. Tuy nhiên, xu hướng bí ẩn về tình dục này dần dần mất đi sức hấp dẫn của nó.
Sự mở rộng của đời sống đô thị trong thời nhà Tống đã cho phép các hình thức văn học mới, bao gồm thơ trữ tình và tiểu thuyết, phát triển mạnh. Đến thời nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911), các nhà văn đã biết cách làm hài lòng độc giả của mình bằng những tình tiết hấp dẫn, đôi khi buồn cười.
Trong tuyển tập truyện ngắn siêu nhiên nổi tiếng thời nhà Thanh của Bồ Tùng Linh, "Strange Tales From a Chinese Studio", một quan chức nhỏ tên Xu nảy sinh tình cảm với một phụ nữ trẻ. Anh ta cưỡng hôn cô, chỉ để được thông báo rằng mối quan hệ của họ sẽ không tiến xa hơn nữa.
Để mô tả hành động hôn, Bồ Tùng Linh đã ghép các ký tự "jie" (có nghĩa là tiếp xúc) và "wen" (đôi môi). Jiewen, không phải là một thuật ngữ nhập khẩu, đã trở thành một trong những từ được sử dụng phổ biến nhất để chỉ nụ hôn trong tiếng Trung hiện đại.
Nhưng jiewen chỉ là một trong nhiều thuật ngữ chỉ nụ hôn trong văn học Trung Quốc. Những người yêu nhau có thể "qinzui" (chạm môi) hoặc "zashe" (chạm lưỡi).
Có một nghịch lý là trong khi nụ hôn đã quá phổ biến trong văn học và nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, nhiều người Trung hiện đại vẫn coi nó là một nét du nhập từ văn hóa phương Tây.
Theo học giả Hu, câu trả lời không nằm ở hành động mà nằm ở bối cảnh của nó. Ở Trung Quốc thời tiền hiện đại, hôn được coi là một hành vi tình dục, một hành vi chỉ nên được thực hiện ở nơi riêng tư. Điều này trái ngược với Tây Âu, nơi nụ hôn mang nhiều ý nghĩa văn hóa hơn.
Phải đến khi Trung Quốc hiện đại hóa nhanh chóng vào đầu thế kỷ XX, giới trẻ mới cảm thấy thoải mái với việc hôn nhau ở nơi công cộng và thậm chí còn coi đó là biểu tượng của quyền tự do lựa chọn bạn tình.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.