- Năm 2014 có được xem là một năm thành công khi chị đã nhận được giải thưởng Thanh niên Pháp ngữ do nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) trao tặng và giải thưởng Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu?
- Có thể xem như năm 2014 tôi gặp nhiều may mắn thì đúng hơn. Còn để nói về thành công thì tôi nghĩ rằng cần phải có cả một quá trình nỗ lực. Ly quan niệm rằng một người thành công cũng chỉ là người có số lần thành công nhiều hơn số lần thất bại một chút thôi.
Không ai có kinh nghiệm ngay từ thuở ban đầu, nhưng cứ chăm chỉ học hỏi, rút kinh nghiệm dần thì chắc chắn sớm muộn gì ta cũng có nhiều kết quả tốt.
PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly. |
- Chia sẻ trên báo chí, chị luôn tự nhận mình là một người may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập, nghiên cứu khoa học. Vậy truyền thống đó đã ảnh hưởng và giúp gì cho chị trong con đường sự nghiệp?
- Có lẽ vì vậy mà việc gắn mình với nghề giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng đến với tôi hết sức tự nhiên, như một cái duyên với nghề giáo vậy. Tôi nghĩ nghề nào cũng có rất nhiều ưu điểm nếu ta thực sự đam mê và yêu quý nó.
- Sinh ra trong một gia đình danh giá với ông nội, các bác, các chú đều là những nhà khoa học, nghệ sĩ nổi tiếng. Liệu đó có phải là một áp lực đối với chị?
- Tôi nghĩ không nặng nề như vậy, có thể gọi là động lực thì đúng hơn, để mình luôn có mong muốn được sống tốt hơn, làm được nhiều việc có ích hơn.
- Bên cạnh đại gia đình giàu truyền thống, gia đình nhỏ có tác động với chị như thế nào trong công việc và cuộc sống?
- Đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống đối với tôi, là nơi tôi cảm thấy bình an nhất, là chỗ dựa ấm áp và vững chắc nhất để có thêm động lực cố gắng.
- Là người luôn bận rộn với công việc, dịp Tết Nguyên Đán đối với chị có ý nghĩa như thế nào?
- Tết năm nay được nghỉ 9 ngày, thật là thích. Vợ chồng con cái có thời gian thoài mái bên nhau, cho các con thăm bên nội, bên ngoại, rồi đi chơi với bạn bè. Tôi mới nghĩ đến thôi đã thấy lòng phơi phới.
- Là một người trẻ, hiện đại, chị lựa chọn việc ăn Tết ở quê hay sẽ dành trọn những ngày Tết để cả gia đình cùng đi du lịch ở những miền đất mới?
- Cũng tùy từng năm. Năm nay thì vì Tết tây gia đình 4 người đã có chuyến du lịch cùng 2 bên ông bà nội ngoại nên Tết Nguyên đán sẽ không đi chơi xa nữa. Với những kỳ nghỉ thì các thành viên trong gia đình sẽ hành động theo cảm xúc của con tim, nên mỗi lần mỗi khác.
- Gia đình chị có cầu kỳ trong việc chuẩn bị một cái Tết đầm ấm không?
- Trong gia đình ông nội Nguyễn Lân, tuy các con các cháu rất đông, gần 60 người nhưng từ xưa đến giờ việc ăn uống dường như không là gánh nặng cho mọi người. Mỗi gia đình chuẩn bị một món ăn mang đến nên rất gọn nhẹ và mọi người dành thời gian cho chuyện trò hàn huyên, chụp ảnh kỷ niệm… Tôi nghĩ rằng đó là một cách làm rất hay và khoa học.
- Kỷ niệm của chị khi còn nhỏ được đón tết cùng ông nội – GS Nguyễn Lân?
- Hàng năm cứ vào trưa mùng 2 Tết là con cháu tụ họp chúc tết tại nhà ông Lân ở khu tập thể Kim Liên. Bao giờ mọi người cũng dành ra ít phút cả gia đình mấy chục người cùng nhau đứng trước bàn thờ của bà nội và lắng nghe ông tâm sự mời bà về cùng ăn tết với các con cháu.
Nay ông không còn nữa nhưng thói quen này vẫn giữ, bác Lân Dũng giờ là lớn nhất nhà đứng thay vị trí của ông.
Mọi người vẫn trân trọng những giây phút ấy. Bác Dũng báo cáo lại với ông bà những kết quả nổi bật sau một năm của các con, các cháu. Tôi còn nhớ năm trước bác Dũng đã báo cáo ông bà “… năm nay ông bà có thêm 2 cháu là cháu Tứ (bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu) và cháu Ly được phong Phó giáo sư …”. Những giây phút đó tuy ngắn ngủi nhưng Ly nghĩ vô cùng thiêng liêng.
- Bây giờ, khi đã trở thành một người mẹ, một người vợ trong gia đình, có khi nào chị cảm thấy bị quá tải khi chuẩn bị Tết?
- Không đâu, với những kinh nghiệm học hỏi từ cách thức tổ chức khoa học của các bác, tôi thấy rằng Tết thật vui, rất thích Tết.
- Trong dịp Tết cổ truyền, phong tục nào chị cảm thấy thú vị nhất?
Không biết với mọi nhà thì thế nào còn trong gia đình tôi, Tết nào mỗi người cũng tự tay chuẩn bị quà cho những người thân trong gia đình. Tuy rằng dịp cuối năm luôn rất bận rộn nhưng tôi thấy việc làm này rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đến nhau giữa các thành viên trong gia đình luôn cảm thấy rất háo hức.
- Đã bao giờ chị phải đón Tết cổ truyền ở nước ngoài chưa?
- Tôi nghĩ rằng Tết cổ truyền của người Việt đáng giữ gìn lắm chứ, đó là những phần rất riêng trong văn hóa của Việt Nam. Tôi còn nhớ có năm đón Tết cổ truyền ở Amiens cùng bà con Việt kiều và các lưu học sinh khác. Mọi người đều không có ngày nghỉ vì 30 Tết rơi vào giữa tuần.
Thế nhưng ai cũng phấn chấn, sau giờ học, giờ làm xúng xính cùng nhau tổ chức một buổi gặp gỡ đông đủ và ấm cúng, có giao lưu ca múa nhạc, có ăn uống chuyện trò… Tôi hấy ấm áp vô cùng trong những ngày lạnh giá nhất trên đất khách và cảm giác vô cùng tự hào vì mình là người Việt Nam.
Ở nước ngoài còn như vậy huống chi là ở Việt Nam. Khi mọi người cùng có ý thức thì việc tổ chức sẽ dần hiệu quả hơn.
Những điều hay ta nên củng cố và phát huy, những gì làm chưa tốt ta nên dần khắc phục chứ đừng bỏ hẳn nó đi. Tôi nghĩ khi tiếp xúc với những điều hay của văn hóa những nước bạn thì ta cũng nên học tập và điều chỉnh cho phù hợp với phong tục của ta.
Ví dụ tôi thường thấy rằng ở nước ngoài sau một buổi tiệc hầu như không còn đồ ăn thừa. Biết rằng hồi xưa mình khó khăn và thường suy nghĩ “Đói quanh năm no ba ngày Tết” nên gia đình nào cũng cố gắng chuẩn bị Tết cho tươm tất, nhất là tâm lý của chủ nhà mời khách mà không “mâm cao cỗ đầy” thì rất áy náy, thế nhưng không dùng hết lại rất lãng phí. Có lẽ mọi thứ chỉ nên vừa đủ cũng vui rồi, quan trọng là mọi người vẫn được gặp gỡ thăm hỏi, chúc Tết nhau.