Từ trước đến nay, nữ quyền vẫn xuất hiện trên từng thiết kế thời trang, cũng như phong cách sống của phái đẹp trên thế giới. Tuy nhiên, chưa bao giờ "quyền phụ nữ" lại trở thành một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ trong làng thời trang như năm 2017.
Quay về thập niên 20, Coco Gabrielle Chanel là một trong những người phụ nữ đầu tiên mang tiếng nói bình đẳng cho phái nữ thông qua thời trang. Bà cho ra đời chiếc túi 2.55 kinh điển với mục đích giải phóng đôi tay nữ giới thoát khỏi những vướng bận cuộc sống.
Khi đó, họ chỉ việc choàng phụ kiện này qua vai rồi có thể dễ dàng làm những công việc khác.
Các nhà mốt lên tiếng đòi bình quyền cho phái yếu
Tiếp theo đó là sự xuất hiện chiếc áo khoác Bouncle làm bằng vải tweed của thương hiệu Chanel, giúp các quý cô khẳng định sự tự do, phóng khoáng thoát khỏi sự bó buộc trên cơ thể.
Sự xuất hiện của Coco Chanel phần nào thay đổi những nhìn nhận về vai trò người phụ nữ trong xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên, những thiết kế của nhà mốt Pháp vẫn chưa thể xoá đi lằn ranh về sự phân biệt giữa phụ nữ và đàn ông.
Bouncle Jacket kinh điển của Chanel đại diện cho sự tự do, phóng khoáng. |
Đến năm 1966, Le Smoking trở thành bộ suit đầu tiên dành cho nữ giới, được nhà mốt Yves Saint Laurent tạo ra. Đây được xem như cột mốc chuyển mình, giúp nữ giới đứng lên giành quyền bình đẳng thông qua ngôn ngữ của thời trang.
Họ không bó buộc bản thân vào bất cứ khuôn khổ nào, mượn trang phục của nam giới nhằm chứng tỏ tiếng nói trong xã hội bấy giờ. Le Smoking trở thành hiện tượng của thế giới, không nằm ở các chi tiết bèo nhún, hay những đường cut-out táo bạo mà đến từ phom dáng cứng cáp, nam tính tôn lên vẻ đẹp mạnh mẽ của người phụ nữ.
Bộ suit đầu tiên của Yves Saint Laurent được ưu ái xếp vào hàng "gia bảo" của giới thời trang. Le Smoking đã làm nên cuộc cách mạng về sự bình đẳng giới trong xã hội bấy giờ.
Dù bị nhiều nhà phê bình chỉ trích là ngông cuồng, nhà thiết kế Yves Saint Laurent vẫn nỗ lực đưa nữ quyền vào thời trang. |
Quần ống loe xuất hiện khắp mọi nơi
Từ sau Le Smoking, các nhà mốt thế giới đã mạnh dạn đưa tinh thần "nữ quyền" vào những thiết kế riêng. Chiếc quần ống loe, ống suông thoải mái sơ vin cùng áo sơ mi đã xuất hiện khắp mọi ngóc ngách đường phố.
Từ thập niên 70 trở đi, người phụ nữ bắt đầu thay đổi tư duy của bản thân, khi có thể diện bất cứ trang phục nào nếu cảm thấy thoải mái. Bởi vì đối với họ, sự khao khát công bằng mới là lẽ sống quan trọng nhất.
Từ những năm 70 trở về sau này, phụ nữ phương Tây mạnh dạn mặc trang phục mang đầy tinh thần nữ quyền, phóng khoáng, thể hiện cá tính. |
Đó chính là lý do các nhà mốt luôn tư duy để tạo nên những thiết kế khác biệt nhằm khẳng định tiếng nói mạnh mẽ của người phụ nữ trong xã hội. Cứ như thế tinh thần nữ quyền ngày càng xâm chiếm sàn runway trên thế giới.
Các thương hiệu danh giá như Dior, Ralph Lauren, Yves Saint Laurent, Michael Kors hay thậm chí Yohji Yamamoto cũng ưu ái nâng người phụ nữ lên tầm cao mới.
Bùng nổ 'nữ quyền' trong giới thời trang năm 2017
Năm 2017, nữ quyền không chỉ được thể hiện qua trang phục. Người phụ nữ đã ngày càng khẳng định bản lĩnh, sự độc lập trong nhiều lĩnh vực. Trong ngành công nghiệp thời trang cũng đã xuất hiện những giám đốc sáng tạo nữ đầy tài năng.
Lần đầu tiên, trong 70 năm lịch sử, nhà mốt Pháp đã lựa chọn người phụ nữ để dẫn dắt "đoàn tàu" mang tên Christian Dior. Maria Grazia Chiuri là phụ nữ và cô hoàn toàn hiểu rõ phái yếu muốn gì và cần gì.
Ngoài các Giám đốc sáng tạo nữ, sàn diễn thời trang năm 2017 còn ghi nhận sự ủng hộ phong trào nữ quyền từ những nhà thiết kế nam giới. Đơn cử như Riccardo Tisci mở màn show diễn Givenchy xuân hè 2017 bằng việc miêu tả hình ảnh người phụ nữ thông qua các mẫu váy ôm sát cơ thể trên nền chất liệu vải xuyên thấu. Ông cho rằng nữ quyền không nên gò bó vào bất cứ khuôn mẫu nào.
Còn riêng Giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton - Nicolas Ghesquière, ông mang đến sàn diễn hình ảnh về "những nữ anh hùng". Họ xinh đẹp, mạnh mẽ như công chúa Leia bước ra từ bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao với thiết kế váy bất cân xứng tông màu ghi, nâu đất, đen, nhũ…
Ông cũng lăng xê những xu hướng trang phục phom dáng vai ngang mạnh mẽ và nhấn eo bằng thắt lưng cùng các đường cắt may táo bạo, mang cảm hứng vị lai.
Phong trào nữ quyền còn ảnh hưởng đặc biệt đến thương hiệu Prabal Gurung, với sự xuất hiện của hàng loạt người mẫu trong chiếc áo phông hai màu đen và trắng.
Những thiết kế này in rõ những khẩu hiệu với nội dung khẳng định nữ quyền: “Cuộc cách mạng không có biên giới”, “Tôi là người nhập cư”, “Tương lai này chính là phụ nữ chúng tôi”, “Phụ nữ đơn giản chỉ muốn quyền lợi hợp pháp”, Chúng tôi sẽ không im lặng”…
Maria Grazia Chiuri chính là một minh chứng cho sự tài năng và quyền lực của người phụ nữ ngày nay. |
Đó là câu chuyện trên sàn diễn thời trang, còn riêng về cuộc sống hàng ngày, nhiều tín đồ trên thế giới đã tạo nên cuộc biểu tình ngầm trên đường phố tại các tuần lễ thời trang, nhằm ủng hộ quyền phụ nữ.
Họ lăng xê nhiều xu hướng trang phục mang phom dáng quá khổ như blazer độn vai, quần jeans ống suông hay các kiểu tóc vuốt ngược mạnh mẽ với mong muốn phụ nữ ngày nay có thể thoát khỏi khuôn khổ ràng buộc của xã hội.
Đây cũng là những lý do "quyền nữ giới" bùng nổ mạnh mẽ trong giới thời trang năm 2017, cũng như nhận được sự hưởng ứng từ nhiều nhà mốt thế giới. Đối với họ, thời trang là cách ngắn nhất để đem tiếng nói và cảm nhận của bản thân.
Nếu nghĩ rằng thời trang là việc làm đẹp cho phái nữ thì chỉ đúng một phần, vì nền công nghiệp này còn trở thành phương tiện phản ánh những "góc khuất" của xã hội.
Thời trang sinh ra để phục vụ nhu cầu của phụ nữ, nhưng họ đã mượn ngôn ngữ riêng biệt này để nói lên mong muốn của bản thân nhằm khẳng định cá tính và dám thể hiện quyền bình đẳng của mình.
Chanel, Yves Saint Laurent, Dior đã làm nên lịch sử giúp phụ nữ tự tin đứng lên giành vị thế cho bản thân. Để từ đó về sau, quyền bình đẳng của phái yếu ngày càng lớn dần và đến năm 2017, nữ quyền đã xâm chiếm nền công nghiệp thời trang một cách mạnh mẽ nhất. |