Dù mới 18 tuổi, Nguyễn Thị Ánh Tuyết đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Năm 2017, em là thủ khoa toàn trường kỳ thi tuyển sinh đầu vào tại trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh. Năm 2018, em đoạt giải ba kỳ thi HSG tỉnh và được trao huy chương đồng kỳ thi Olympic Truyền thống 23/3.
Năm 2019, nữ sinh xuất sắc đoạt huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Truyền thống 23/3 và nhận được học bổng trao đổi ngắn hạn tại Thái Lan. Cũng trong năm đó, Ánh Tuyết đoạt giải nhất kỳ thi HSG tỉnh. Hai năm liên tiếp (2019 và 2020), em là thành viên đội tuyển dự thi HSG Quốc gia.
Nguyễn Thị Ánh Tuyết sở hữu 2 nghiên cứu được đăng báo khi mới 18 tuổi. Ảnh: Ánh Tuyết. |
Bên cạnh các hoạt động học tập, Ánh Tuyết còn là nhà sáng lập của Road to Fulbright University Vietnam (sau này trở thành trang tuyển sinh chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam). Em cũng là một trong hai học sinh được mời thực tập tại Đại học Fulbright Việt Nam khi chưa tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt, năm 2020, nữ sinh bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, em là học sinh THPT thực hiện nghiên cứu độc lập, không có giáo viên hướng dẫn và có nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế ISI và SCOPUS.
Mong muốn tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội
Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, một số dự án xã hội của Ánh Tuyết bị ảnh hưởng, không thể thực hiện. Có thời gian rảnh rỗi, em quyết định tìm đến những hoạt động online có ích cho định hướng tương lai.
Tháng 10/2020, nữ sinh bắt đầu thử sức với nghiên cứu khoa học. Ngay từ ban đầu, Ánh Tuyết đã đặt mục tiêu cho bản thân là có nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế.
Từng tham gia làm trợ lý cho một dự án nghiên cứu giữa Đại học New York Abu Dhabi (UAE), Đại học Yale (Mỹ) và Đại học Kỹ thuật München (Đức), Ánh Tuyết nghĩ đến việc xây dựng một dự án dựa trên số liệu và bằng chứng xác thực để tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội. Nữ sinh hy vọng, các nghiên cứu có thể làm nền tảng để giải quyết các vấn đề thực tế.
Đến nay, Ánh Tuyết có 2 nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí quốc tế và một bài sắp công bố. Trong đó, nghiên cứu số 1 thuộc SCOPUS Q2, mang chủ đề "Đặc khu kinh tế về truyền thông Twofour54: Thúc đẩy ngành truyền thông ở quốc gia kiểm duyệt cao".
Nghiên cứu số 2 là sản phẩm đồng tác giả chính của Ánh Tuyết và một sinh viên năm 2 tại Đại học New York Abu Dhabi (UAE). Chủ đề của nghiên cứu là "Nghiên cứu sơ bộ về thái độ xã hội đối với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo vào giáo dục kiến thức Thiên Chúa giáo ở Việt Nam: Thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo cho giáo dục tôn giáo". Nghiên cứu này thuộc SCOPUS Q1 và Web of Science (ISI) Core Collection.
Ngoài ra, nữ sinh THPT sở hữu một nghiên cứu xuất hiện trong sách của cựu Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ Dipak Misra. Người biên tập là A.K Sikri, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Ấn Độ, hiện là Thẩm phán Tòa án Thương mại Quốc tế thuộc Toà án Tối cao Singapore.
Tuyết cùng Khoa, người bạn trong nhóm nghiên cứu, cùng nhau thực hiện các đề tài. Với sản phẩm thuộc SCOPUS Q2, ước tính, cả hai mất 3 tháng để thực hiện, chỉnh sửa và hoàn thiện.
Trước khi nộp sản phẩm, nhóm nghiên cứu của nữ sinh được một giáo sư tại Đại học New York Abu Dhabi góp ý về văn phong và cách viết. Những sản phẩm còn lại, cả hai cùng nhau làm, không có sự hỗ trợ, góp sức của giáo viên hay người lớn.
Khi đã có nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu thuộc SCOPUS Q1 mất ít thời gian hơn. Cả hai chỉ mất 20 ngày để hoàn thành bản thảo và gửi cho tạp chí.
Cuộc sống của Ánh Tuyết có nhiều thay đổi khi theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Ảnh: Ánh Tuyết. |
Khó khăn nhưng không bỏ cuộc
Do chưa có nhiều kinh nghiệm và thiếu giáo viên hướng dẫn, Tuyết và Khoa từng gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào thực hiện nghiên cứu. Những ngày đầu, cả hai viết không đúng quy chuẩn, làm sai phương pháp khoa học, chưa biết cách phản biện với hội đồng. Thậm chí, cả hai từng bị "lừa" nộp sản phẩm vào những tạp chí không uy tín.
"Có lần bọn em gặp rắc rối vì không báo cáo với Hội đồng Đạo đức Đại học New York Abu Dhabi khi làm nghiên cứu. Anh Khoa bị hội đồng nhà trường rầy la một trận. Lúc đó bọn em rất sợ bài báo sẽ bị gỡ bỏ", Ánh Tuyết tâm sự.
Ánh Tuyết ở Việt Nam, Khoa ở UAE, cả hai vừa phải làm việc online, vừa phải sắp xếp thời gian hợp lý để cùng trao đổi, làm việc. Hợp tác trong hơn nửa năm, cả hai chưa từng xảy ra bất đồng.
Nữ sinh cho biết thay vì tranh cãi, mỗi người sẽ dùng các ý kiến logic để thuyết phục nhau. Nếu không tìm ra đáp án cho vấn đề, cả hai sẽ đọc các nghiên cứu của người đi trước để tìm phương pháp luận liên quan, từ đó tìm câu trả lời.
Là một học sinh THPT, việc nghiên cứu ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và việc học của nữ sinh. Thời gian đầu chưa quen nhịp độ, Tuyết chỉ ngủ được 3 tiếng. Em thức đến 3h làm nghiên cứu, 6h lại dậy để kịp tiết học buổi sáng.
Vào mùa thi, bài tập cá nhân, bài tập nhóm dồn liên tục khiến cô gái không kịp "trở tay". Để đảm bảo chất lượng học tập và nghiên cứu, Tuyết đánh liều từ bỏ một số việc. Qua đó, em có thêm thời gian và kịp lấy lại cân bằng.
Suốt 4 tháng liên tục làm nghiên cứu, Ánh Tuyết sút 4 kg. Điều này khiến gia đình lo lắng, nhiều lần phản đối vì sợ sức khỏe của nữ sinh bị ảnh hưởng. Những nghiên cứu được đăng báo đã giúp em thuyết phục gia đình để được tiếp tục theo đuổi đam mê.
"Từ nhỏ em đã gầy yếu nên gia đình rất lo lắng. Để mẹ yên tâm, em đã hứa với mẹ sẽ nghỉ ngơi sau khi hoàn thành mọi mục tiêu của năm nay", nhà nghiên cứu 18 tuổi nói.
Mong muốn gắn bó với sự nghiệp giáo dục
Ánh Tuyết nhận định, sự nghiệp nghiên cứu đã giúp nữ sinh có thêm nhiều kỹ năng mới cho công việc.
Ví dụ, khi nghiên cứu thái độ của xã hội về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tôn giáo, em đã học được cách xây dựng, thiết kế các ứng dụng phù hợp với nhu cầu người dùng, đồng thời đưa ra nhiều ý tưởng để phát triển sản phẩm.
Hiện, nữ sinh làm việc cho một công ty giáo dục. Công việc đã giúp em có thêm kiến thức nền tảng về công nghệ và giáo dục. Trong tương lai, cô gái 18 tuổi mong muốn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và gắn bó với lĩnh vực nhất định là giáo dục, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Tuyết mong muốn thành lập một nhóm nghiên cứu riêng để thực hiện các chủ đề liên quan. Nữ sinh mong muốn có thể tìm được những người bạn đồng hành chung niềm đam mê nghiên cứu để cùng theo đuổi và hoàn thiện kế hoạch tương lai.
Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Ánh Tuyết ấp ủ dự định trở thành nghiên cứu sinh và tham gia vào lĩnh vực kinh tế.
"Em muốn trở thành nhà kinh tế học và cũng muốn làm một nhà giáo dục để giúp đỡ học sinh, sinh viên tiếp cận với nghiên cứu khoa học", nữ sinh bày tỏ.
Nghiên cứu khoa học độc lập là một quá trình dài và vất vả, Ánh Tuyết khuyên các học sinh THPT nên học tốt tiếng Anh và tìm đến sự hỗ trợ của các giáo sư, giảng viên đại học. Khi đó, các em sẽ nắm rõ quy trình và phương pháp làm việc, tránh gặp phải những sai sót đáng tiếc.
Theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc học, nó đòi hỏi quá trình rèn luyện và thực hành thường xuyên. Vì vậy, học sinh nên thử thách bản thân, chấp nhận vấp ngã để tìm ra những bài học quý giá cho riêng mình.