Đang là học sinh lớp 12 Trường quốc tế Singapore (Hà Nội) – SIS nhưng Thu Giang đã cầm chắc trong tay học bổng của 2 trường đại học nằm trong top 100 trường tốt nhất của Mỹ: Clark University – với mức học bổng 80.000 USD và Northeastern University với mức học bổng 60.000 USD.
Cầm chắc hai học bổng 140.000 USD
Tuy nhiên, 2 trường của Mỹ chỉ là một sự thử sức với em. Mục tiêu chính của Giang là học luật ở các trường đại học của Anh – một ngành học rất cạnh tranh ngay cả với sinh viên bản địa.
Mặc dù không được cấp học bổng nhưng Thu Giang đã được cả 3 đại học Anh quốc mà em nộp hồ sơ cùng chấp thuận, gồm: Queen Mary University of London, University of Warwick, University of Exeter, Newcastle University – những trường nằm trong top 10-20 của Anh.
Giang cho biết, học Luật ở Anh thực sự là thách thức khi học bổng dành cho sinh viên quốc tế không nhiều, chưa kể sau khi hoàn thành chương trình học ở trường 3 năm, bạn phải đi làm thêm 2 năm lấy kinh nghiệm để thi lấy bằng chứng chỉ hành nghề luật sư. Cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế ở ngành luật là không nhiều.
Đây cũng là lý do mà em đang phải suy nghĩ để đưa ra lựa chọn học kinh tế ở Mỹ hay học luật ở Anh.
Khuất Minh Thu Giang . Ảnh: VietNamNet. |
Để đạt được kết quả này, cô gái năng động sở hữu bảng thành tích đáng nể: Tổng thư ký hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc Việt Nam năm 2015 và 2016, đạt giải Đại biểu tiêu biểu tại Mô phỏng Liên Hợp Quốc của Harvard, đại biểu lãnh đạo trẻ châu Á tại Singapore....
Đặc trưng của chương trình A level (chương trình tốt nghiệp phổ thông của Anh) mà Giang đang học ở SIS là chỉ tập trung học 3-4 môn để chuẩn bị cho chuyên ngành ở đại học. Mặc dù chưa tốt nghiệp, nhưng mức điểm mà các thầy cô dự đoán cho Giang là 2 điểm A*, 1 điểm A (với các môn Kinh tế học, Xã hội học và Văn học Anh); trong khi điểm TOEFL của em là 110/120.
Xin học bổng: Điểm số rất quan trọng
Giang cho rằng nếu các bạn muốn đi du học, tốt nhất hãy định hướng từ sớm để chuẩn bị cho các bài thi chuẩn hóa, hoàn thiện hồ sơ càng sớm càng tốt. Các trường đại học của Anh ưu tiên những bạn theo học chương trình A level. Ở Anh, các trường chọn sinh viên dựa trên 80% điểm số, 20% hoạt động ngoại khóa - Thu Giang cho biết.
Trong khi đó, trường Mỹ thì đòi hỏi các yếu tố đồng đều và linh hoạt hơn. “Các hoạt động ngoại khóa nên ‘vừa tròn vừa nhọn’, nghĩa là bạn tham gia nhiều hoạt động nhưng nên có một hoạt động nổi bật mà bạn làm tốt nhất và tâm huyết nhất. Đừng làm gì chỉ để đánh bóng hồ sơ, mà hãy làm những cái bạn thực sự thích. Làm những thứ không thích, bạn sẽ thấy tù túng, mệt mỏi và không bao giờ có kết quả tốt nhất” – cô gái sinh năm 1998 chia sẻ về quá trình nộp hồ sơ.
Về bài luận, nữ sinh này cho rằng không nên kể lể dài dòng về những hoạt động từ thiện vì đó là điểm rất phổ biến trong các bài luận. Thay vào đó, ứng viên nên tập trung những trải nghiệm ấn tượng, khiến cuộc sống của bạn thay đổi. Cách viết cũng nên chân thật, đồng thời thể hiện được hết mong ước, cá tính và những ước muốn cho tương lai của mình.
Mục tiêu chọn trường của Giang không phải là những trường tốp đầu, mà là ngôi trường phù hợp với mình nhất. Khi mà chương trình phổ thông đã khá nặng, Giang muốn chọn những trường “dễ thở” hơn để có thời gian trải nghiệm cuộc sống, nâng cao kỹ năng sống. “Chỉ khi bạn tìm được nơi phù hợp nhất với mình thì bạn mới có thể tỏa sáng”.
Lên kế hoạch cuộc đời từng phút
“Sáng nào em cũng dậy từ 5h, tập gym 1 tiếng rồi mới đi học. Mỗi tuần em tập 5 buổi – đó cũng là những ngày em đi học, cần nhiều năng lượng nhất”- Giang chia sẻ.
Không chỉ tập thể thao ở nhà, Giang còn là đội trưởng đội bóng đá và là thành viên đội bóng rổ của trường. “Bạn phải cho người ta thấy ngoài học ra, bạn còn có cuộc sống của mình. Chỉ học thôi thì bạn sẽ mất đi trải nghiệm cuộc sống trong những năm tháng tuổi trẻ”.
Ít ai biết cô gái 18 tuổi này mỗi ngày đều tự lập một thời gian biểu: giờ học, giờ chơi, giờ tập… tới từng phút. “Ai cũng có 24 tiếng một ngày. Em phải tự nghiêm khắc với bản thân để không bị lãng phí mỗi phút trôi qua. Lên kế hoạch giúp em chơi thoải mái, học tập trung và sống được nhiều hơn”.
Nói về tương lai 5-10 năm nữa, Thu Giang bật mí mơ ước về một “start-up” của riêng mình với tham vọng cải thiện cuộc sống con người, mang đến sự thay đổi ở quy mô vượt tầm quốc gia.
“Start-up là một thứ rất cần thiết với Việt Nam hiện nay. Nó đang là xu hướng của thế giới, và nếu bạn không làm thì bạn sẽ bỏ phí cơ hội của mình”.