Sau tai nạn, người bạn thân vĩnh viễn ra đi, còn Yến hôn mê gần ba tháng ở Bệnh viện Bạch Mai. Cuộc sống tưởng như chấm dứt với Yến khi bệnh viện đã có lần đề nghị trả em về. Nhưng mẹ Yến luôn hy vọng có một phép màu đến với con mình, nên xin cho con ở lại viện để nuôi hy vọng. Rồi bất ngờ, Yến tỉnh lại và hồi phục như một phép màu. Thế nhưng, cũng từ ngày đó Yến trở thành người tàn tật do bị dập tủy và liệt từ đốt sống thứ tư trở xuống.
Sinh năm 1988, Tô Thị Yến đã khiến không ít người phải khâm phục trước nghị lực phi thường. Hai lần chiến thắng tử thần để hoàn thành ước mơ được tốt nghiệp đại học và tiếp tục nuôi hy vọng tìm được việc làm, nuôi sống bản thân.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt, mẹ của Yến hàng ngày cõng con đến giảng đường. |
Hai lần bệnh viện trả về
Những ngày giữa tháng 10, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm ở ngõ 107, đường Nguyễn Thiếp, phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi cô gái có nghị lực phi thường đang sinh sống cùng gia đình.
Dù mới trải qua cuộc đại phẫu lần thứ hai để giành lại sự sống, nhưng Yến tỏ ra rất vui vẻ và lạc quan. Yến cho biết, sau khi tốt nghiệp, dù chưa xin được việc làm, nhưng em cố gắng phụ giúp bố mẹ những công việc nhà đơn giản, tự chăm sóc bản thân và đặc biệt phải cười thật nhiều để bố, mẹ vui.
Hiện, hoàn cảnh gia đình em Tô Thị Yến rất khó khăn. Yến chưa có việc làm, lại mới trải qua đợt điều trị dài ngày. Mẹ của Yến phải ở nhà chăm sóc Yến. Bố em không có việc làm ổn định, thi thoảng đi phụ giúp cửa hàng đồ điện của người họ hàng.
Mẹ của Yến, cô Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1962) cho biết, Yến vừa phải nằm viện hơn một tháng vì bị hoại tử chân phải, nhiễm trùng máu cấp và suy hô hấp. “Đã có lúc Yến bất tỉnh nhiều ngày, có dấu hiệu suy tim, bệnh viện đề nghị gia đình đưa Yến về, nhưng chúng tôi vẫn tin Yến sẽ qua khỏi. Kết quả, giờ Yến đang dần khỏe lại, có thể trò chuyện bình thường. Chắc chỉ vài ngày nữa là ngồi xe lăn tự đi lại được rồi”, cô Nguyệt nói.
Đó là niềm tin, niềm hy vọng lớn lao của người mẹ đã dành tất cả tài sản tích góp nhằm chạy chữa, cứu sống con sau ngày con bị tai nạn kinh hoàng. Cứu được mạng sống cho con rồi, hơn 7 năm qua, người mẹ ấy bươn chải, vừa kiếm sống, vừa làm “đôi chân” cho con gái đến trường.
Cho đến bây giờ, cả cô Nguyệt, Yến lẫn những ai biết về vụ tai nạn đó vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nghĩ đến. Đó là một ngày đầu tháng 3, Yến đang là cô sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cùng nhóm bạn trong lớp chạy xe từ Hà Nội lên Thái Nguyên tham dự buổi liên hoan của một người bạn thân. Trên đường đi, Yến ngồi sau xe một người bạn, do tránh chiếc xe ô tô ngược chiều tại khúc cua mà xe máy chở Yến gặp nạn.
Sau tai nạn, người bạn thân vĩnh viễn ra đi, còn Yến hôn mê gần ba tháng ở Bệnh viện Bạch Mai. Cuộc sống tưởng như chấm dứt với Yến khi bệnh viện đã có lần đề nghị trả em về. Nhưng mẹ Yến luôn hy vọng có một phép màu đến với con mình, nên xin cho con ở lại viện để nuôi hy vọng. Rồi bất ngờ, Yến tỉnh lại và hồi phục như một phép màu. Thế nhưng, cũng từ ngày đó Yến vĩnh viễn trở thành người tàn tật do bị dập tủy và liệt từ đốt sống thứ 4 trở xuống.
Mong có một việc làm
Năm 2010, dù sức khỏe còn rất yếu, liệt nửa người, phải ngồi xe lăn, nhưng Yến quyết tâm trở lại giảng đường đại học. Để hoàn thành tâm nguyện của con, cô Nguyệt quyết tâm ra Hà Nội tìm kế sinh nhai, ngày ngày làm “đôi chân” đưa con tới trường.
Cô Nguyệt kể: “Ở Hà Nội, hai mẹ con thuê nhà, sáng mẹ cõng con tới trường, rồi mẹ đi làm giúp việc, trưa lại tranh thủ tới đón con về rồi đi làm tiếp. Hôm nào cháu học ở tầng 1 thì có thể đẩy xe lăn đưa cháu vào lớp, nhưng học ở tầng 4, tầng 5 thì phải cõng cháu lên cầu thang”.
Suốt hai năm ròng rã làm “đôi chân” cho con tới trường, cô Nguyệt và Yến không hề than khó, ngại khổ. Hai mẹ con chỉ có một mong muốn là Yến tốt nghiệp đại học và sau này có thể tìm được một công việc nuôi sống bản thân.
Không phụ công lao trời bể của mẹ, Yến đã nỗ lực hết sức, hoàn thành khóa học. Ngày Yến tốt nghiệp, cầm trên tay tấm bằng loại Khá, cả gia đình vỡ òa trong niềm sung sướng và hạnh phúc.
Thế nhưng, tấm bằng Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh loại Khá của một trường đại học hàng đầu vẫn chưa giúp Yến tìm được việc làm nơi quê nhà. Người mẹ một lần nữa làm “đôi chân” đưa con đi xin việc khắp nơi. Hồ sơ gửi đi rất nhiều mà chưa thấy nơi nào gọi tới.
Ngay cả khi có sự giới thiệu của các tổ chức từ thiện, hội bảo trợ người khuyết tật thì Yến vẫn không thể kiếm được việc làm. Những tia hy vọng cứ lóe lên rồi vụt tắt. Lý do đơn giản cũng chỉ vì người ta thấy em phải ngồi xe lăn mà khước từ mơ ước thứ hai của em.
Giờ đây, dù sức khỏe chưa thực sự hồi phục, nhưng ngày ngày Yến vẫn đọc sách để trau dồi kiến thức. Ba năm trước, vì muốn có thêm cơ hội tìm việc, Yến đã hoàn thành khóa đào tạo Kế toán thực hành của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Mong muốn lớn nhất của Yến bây giờ là tìm được một việc làm ổn định, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.
Gạt đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, cô Nguyệt xúc động: “Hy vọng trời không phụ lòng người, một ngày nào đó Yến sẽ tìm được công việc phù hợp, đủ nuôi sống bản thân phòng khi bố mẹ già ốm không thể đi làm nuôi con được”.