Trường hợp của nữ sinh Bùi Kiều Nhi (Quảng Bình) đủ điểm trúng tuyển Học viện Chính trị Công an nhân dân nhưng không được vào học vì không khai án tích của bố (đã mất) trong lý lịch, nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc.
Nguyên nhân khiến Nhi không đủ điều kiện theo học bởi phần tự khai lý lịch, nữ sinh đã bỏ qua án tích của cha là ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, đã mất năm 2013).
Theo Công an huyện Tuyên Hoá, ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, bố của Nhi, đã mất năm 2013) từng bị TAND huyện Tuyên Hoá xử phạt 9 tháng tù, cho hưởng án treo về tội Chống người thi hành công vụ theo bản án số 02 HS-TA ngày 18/5/1992.
Xét về hoàn cảnh, gia đình Kiều Nhi nghèo nên em không muốn thi vào các trường ngoài khối công an, quân đội. Bởi nếu em có cơ hội nhập học sẽ không mất tiền học phí, hàng tháng có trợ cấp.
Quan trọng hơn, sau khi tốt nghiệp, nữ sinh có việc làm, không vất vả xin việc. Đây cũng là lý do khiến nhiều bạn đọc chia sẻ, mong muốn cô gái 18 tuổi có cơ hội theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.
Về lý, theo quy định của ngành công an, Kiều Nhi không đủ điều kiện theo học, nhưng về tình, "Bộ GD&ĐT nên xem xét, tạo điều kiện cho nữ sinh. Ước mơ thi vào trường thuộc khối Công an nhân dân là nỗ lực, hoài bão của Nhi", bạn đọc Chiến Phạm bộc bạch.
Bùi Kiều Nhi và mẹ. Ảnh: Văn Được. |
Tuy nhiên, một số bạn đọc cho rằng, quy định của Bộ Công an là hoàn toàn hợp lý và việc làm đúng với quy định để đảm bảo công bằng.
“Dù tôi thấy rất tiếc cho Nhi, em chăm chỉ học tập, thi đạt điểm cao, nhưng quy định là quy định”, bạn đọc tên Tuấn nhấn mạnh.
Độc giả Phạm Khánh Trung góp ý: “Nhi không nhất thiết phải vào ngành Công an. Bây giờ, em được sự giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, có thể chuyển nguyện vọng sang trường khác phù hợp hơn”.
Bạn đọc tên Tuấn cho rằng, với những quy định nghiêm ngặt ở phần lý lịch của ngành Công an, Nhi có tiếp tục ôn tập để sang năm thi lại trường công an hoặc quân đội, sẽ không phải hướng đi tốt nhất.
“Nhi nên nhanh chóng nộp hồ sơ vào những trường khác như Đại học Luật, Sư phạm… để nhập học cùng với bạn bè cùng lứa. Em có thể vừa đi học, vừa làm thêm để có chi phí, bổ sung nhiều kỹ năng mềm, kinh nghiệm sống. Với kiến thức, kỹ năng em có được sẽ nhanh chóng được nhiều công ty, cơ quan nhận lời vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Em không nên lo lắng quá nhiều. Ngành công an là lựa chọn tốt, nhưng đó không phải duy nhất đối với em”, bạn đọc Trấn Đạt khuyên.
Tiêu chuẩn sơ tuyển khi thi vào ngành công an gồm 3 nội dung chính:
- Tiêu chuẩn học lực, hạnh kiểm.
- Tiêu chuẩn sức khỏe.
- Tiêu chuẩn chính trị (lý lịch).
Cách thức, quy trình sơ tuyển :
- Học sinh đến đăng ký sơ tuyển tại công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú (khi đi mang theo học bạ, hộ khẩu, chứng minh nhân dân).
- Khai lý lịch tự khai theo mẫu do công an huyện, quận cung cấp.
- Kiểm tra lý lịch (do công an quận, huyện thực hiện).
- Kiểm tra điều kiện về học lực, hạnh kiểm (kiểm tra trong học bạ do công an quận, huyện thực hiện).
- Kiểm tra sức khỏe (do công an tỉnh thực hiện theo kế hoạch, lịch của từng tỉnh).
Nếu đủ điều kiện, học sinh được cấp một giấy chứng nhận sơ tuyển (do công an tỉnh cấp) và được mua một phiếu đăng ký để khai nộp lại cho công an quận, huyện để chuyển về các trường công an.