Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nữ sinh An Giang uống thuốc quá liều, được theo dõi trầm cảm'

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết nữ sinh N.T.N.Y. vẫn còn suy nghĩ tiêu cực. Chuyên viên tâm lý của bệnh viện nhận định em bị stress nặng.

Trao đổi với Zing ngày 9/12, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, cho biết đơn vị này tiếp nhận bệnh nhân N.T.N.Y. (học sinh lớp 10, trường THPT Vĩnh Xương, An Giang) hôm 3/12.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 chẩn đoán bệnh nhân bị viêm họng, uống quá liều Salbutamol, rối loạn tâm lý do stress. Sau khi được điều trị, nữ sinh tỉnh, tiếp xúc tốt, ngủ hay bị giật mình, vẫn còn khóc và xúc động khi nhắc đến mối quan hệ với giáo viên trong trường, lớp.

Chuyên viên tâm lý của bệnh viện nhận định em Y. bị stress nặng, đang được theo dõi về trầm cảm. Trong suốt quá trình trao đổi với chuyên viên tâm lý, nữ sinh lớp 10 vừa nói vừa khóc, cảm giác uất ức khi nói về trường, lớp. Em thắc mắc không biết mình đã làm gì sai.

nu sinh An Giang nghi tu tu anh 1

Em N.T.N.Y. được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: M.N.

Đại diện của Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết Y. vẫn còn ý nghĩ tiêu cực nên chuyên gia hỗ trợ tâm lý cho em bằng cách nói chuyện, khuyên nhủ, giải tỏa áp lực. Chuyên viên cũng tư vấn cho người nhà cách để an ủi, động viên nữ sinh. Sau khi trao đổi với chuyên viên tâm lý, nữ sinh ngừng khóc, tươi tỉnh hơn.

Dự kiến, ngày 9/12, bệnh nhân được xuất viện. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy tâm lý của nữ sinh chưa ổn định nên giữ em lại để các chuyên gia tâm lý theo dõi thêm.

Trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2, nữ sinh Y. nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhật Tân (An Giang). Trả lời Zing, TS Châu Hữu Hầu, Giám đốc Bệnh viện Nhật Tân, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng không nguy hiểm tới tính mạng.

Theo TS Hầu, người nhà nói bệnh nhân uống nhiều Salbutamol. Muốn xác định việc này thì phải xét nghiệm lưu lượng thuốc trong máu. "Nhưng bệnh viện không có trang thiết bị, trình độ để làm việc được đó", ông Hầu nói.

Về việc giấy chứng nhận điều trị của bệnh viện có ghi chẩn đoán "cố tình tự đầu độc (Salbutamol)", giám đốc Bệnh viện Nhật Tân giải thích thông tin này được ghi theo lời khai của gia đình bệnh nhân.

Theo lời nữ sinh, sáng 30/11, em cố tình uống hết vỉ thuốc hen suyễn luôn mang theo bên mình để tự tử. Mục đích là chứng minh mình không sai và để các thầy cô thay đổi suy nghĩ về em.

Trước đó, Y. cho rằng em bị thầy cô ở trường gây sức ép về việc đi học phụ đạo và đóng tiền. Nữ sinh cũng bị kiểm điểm vì mặc áo dài mỏng, đi xe phân khối lớn đến trường.

Ngày 23/11, Y. bị nêu tên trong giờ chào cờ vì phản ánh sự việc ở trường với gia đình không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên.

Nữ sinh nói rằng do trường yêu cầu em viết bản kiểm điểm để đọc dưới cờ một lần nữa và sẽ phạt lao động, học lại quy tắc ứng xử vào mỗi sáng trong vòng một tuần, em muốn tìm đến cái chết để giải thoát.

Sở GD&ĐT An Giang đã tạm đình chỉ công tác và đang xem xét quy trình kỷ luật hiệu trưởng và hiệu phó trường THPT Vĩnh Xương. Sở này cũng đang xác minh mức độ liên quan của giáo viên chủ nhiệm của Y. để có hình thức xử lý phù hợp.

Bêu tên dưới cờ là cách giáo dục dựa trên sự đau đớn của học trò

TS Trần Thành Nam cho rằng giáo viên cần quán triệt triết lý kỷ luật tích cực, không giáo dục học sinh dựa trên sự đau đớn, nhục nhã, sợ hãi.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm