Sau một tuần cấp cứu điều trị, đến chiều 11/3, sức khỏe của Đ.T.P. (15 tuổi, ở Sơn Tây, Quảng Ngãi) dần hồi phục, ổn định.
Tuần trước, do buồn chuyện gia đình, P. vào rừng hái lá ngón ăn để tự tử. Sau đó, nữ sinh trở về nhà và có dấu hiệu buồn nôn, mặt mũi tím tái nên được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Trần Đình Điệp, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi, cho biết bệnh nhân P. nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, da xanh tái, tim nhịp nhanh, tình trạng bệnh tiên lượng nặng.
Sau một tuần cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi, sức khỏe của Phương dần hồi phục. Ảnh: B.Minh. |
"Chúng tôi khẩn cấp hồi sức cấp cứu hô hấp tuần hoàn, rửa dạ dày loại trừ độc chất, truyền dịch và điều trị giải độc tích cực. Hiện nữ bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tinh thần tỉnh táo, ăn uống tốt", bác sĩ Điệp nói.
Bác sĩ Điệp khuyến cáo ngộ độc lá ngón cần được phát hiện sớm để sơ cứu, cấp cứu khẩn trương và điều trị kịp thời. Vì người bệnh dễ tử vong sau 1-7 giờ ngộ độc.
Người bị ngộ độc lá ngón thường có các dấu hiệu như khát nước, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, mỏi cơ, thân nhiệt, huyết áp hạ, khó thở, đau bụng dữ dội, đồng tử giãn và tử vong nhanh do ngừng hô hấp.