Nữ sinh viên năm 2 cho biết đã bỏ trốn khỏi nhà vì "muốn tự do". Ảnh: SCMP. |
Theo SCMP, ngày 26/7, một sinh viên 20 tuổi, tạm gọi là Li, đến đồn cảnh sát Bắc Kinh (Trung Quốc) nhờ giúp đỡ. Nữ sinh viên năm 2 cho biết đã bỏ trốn khỏi nhà vì "muốn tự do".
Li cho biết bố mẹ cô lắp đặt camera giám sát trong phòng ngủ và đánh cô, ném điện thoại của cô xuống đất mỗi khi cô mắc lỗi. Nữ sinh nói cách nuôi dạy bạo lực khiến cô bị tổn thương tâm lý.
Cô gái trẻ lên kế hoạch tìm việc làm thêm ở Bắc Kinh để có tiền và sống riêng với cha mẹ. Li cho biết cô đến gặp cảnh sát vì lo sợ bố mẹ báo mất tích và "làm loạn", nên muốn cảnh sát biết trước cô vẫn ổn.
Cảnh sát Zhang Chuanbin an ủi cô gái và cho rằng hành vi của bố mẹ cô là cách thể hiện sự quan tâm thái quá. Sau đó, ông đã liên lạc với cặp vợ chồng và yêu cầu họ tôn trọng, dành nhiều không gian riêng tư hơn cho con khi con đã trưởng thành.
Cảnh sát Bắc Kinh sau đó thông báo bố mẹ của Li đồng ý gỡ camera và cô gái đã trở về nhà. Hành vi của cặp vợ chồng bị lên án rộng rãi trên mạng xã hội.
"Thật kinh khủng. Con gái họ không có chút không gian riêng tư nào dù đã 20 tuổi", một người viết trên Weibo.
"Trẻ em là những cá nhân độc lập, không phải tài sản của bố mẹ - một số bậc phụ huynh Trung Quốc nên ghi nhớ điều này", người khác nói.
"Ngay cả nhà tù còn tôn trọng quyền riêng tư của con người hơn thế này", người khác tiếp lời.
"Cô ấy rất dũng cảm khi phản đối và khôn ngoan khi báo cảnh sát để tránh rắc rối", một người ủng hộ.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc xuất hiện những ông bố bà mẹ giám sát con thái quá. Hồi tháng 6, một cặp vợ chồng khác cũng bị dư luận Trung Quốc chỉ trích khi lắp camera trong phòng ngủ để giám sát con trai suốt 6 năm. Ngày con trai thi đại học xong, họ mới gỡ và cảm ơn camera.
Nhiều người lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư, nhưng người mẹ nói camera được lắp đặt nhằm mục đích để con cải thiện điểm số và học tập tốt hơn.
Năm 2019, một cậu bé 14 tuổi ở Giang Tô gọi cảnh sát, tố bị bố xâm phạm quyền riêng tư khi muốn lắp camera trong phòng của mình.
Người cha cho biết camera nhằm mục đích ngăn con chơi game khi hai vợ chồng đi làm. Phụ huynh này đặt một loạt câu hỏi khiến nhiều người bức xúc như "Con xứng đáng có bao nhiêu quyền riêng tư?"; "Bố là bố, tại sao không được quan sát con?".
Nhiều vụ việc tương tự vẫn xảy ra, song Luật Bảo vệ người chưa thành niên của Trung Quốc không có quy định về việc sử dụng camera giám sát. Luật chỉ quy định không tổ chức hoặc cá nhân nào được mở hoặc đọc thư, nhật ký và thông tin trực tuyến của trẻ vị thành niên, trừ trường hợp khẩn cấp.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.