Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 9, trường Marie Curie cũng là thí sinh đứng đầu về điểm số trong số 12 thí sinh cùng đoạt giải nhất cuộc thi năm nay. “Em nghĩ mình đã trượt rồi, nhưng lại được đỗ vớt”, Linh cười tươi nói.
Nguyễn Phương Linh rạng rỡ khi nhận danh hiệu thủ khoa của cuộc thi. |
Từ đỗ vớt đến ngôi vị thủ khoa
Linh bảo, em đã rất sốc khi biết tin bị thiếu 0,2 điểm và bị loại ngay khỏi đội tuyển Olympic tiếng Anh cấp trường.
“Lúc ấy bố mẹ em luôn động viên và cho rằng thành tích không quan trọng, nhưng em thực sự rất buồn và mất tự tin”, Linh chia sẻ.
Khi đó, cô học trò nhỏ bé cũng không ngờ chính khả năng nói tiếng Anh rất chuẩn của em đã giúp Phương Linh gỡ điểm trong mắt thầy cô và vì thế, dù kém điểm, em vẫn được chọn "vớt" vào đội tuyển cấp trường dự thi Olympic tiếng Anh toàn thành phố Hà Nội.
Linh bảo, em thật khó diễn tả niềm vui vỡ òa lúc đó, khi thấy mình vẫn có tên trong đội tuyển. Một kế hoạch ôn luyện dày đặc ngay lập tức được em lên lịch trước cơ hội khẳng định lại bản thân.
“Nếu trước đây, mỗi tuần em chỉ làm một đề luyện thì sau đó là hai ngày một đề, tần suất tăng gấp ba. Em sẵn sàng thức thâu đêm để học. Điều này khiến bố mẹ em rất lo lắng, tối nào cũng giục em đi ngủ. Bố mẹ bảo sức khỏe của em quan trọng hơn thành tích, nhưng em không muốn bỏ lỡ cơ hội lần nữa”, Linh tâm sự.
Những nỗ lực ấy đã đem lại kết quả mà theo Linh là hơn cả mong đợi khi em đứng đầu về điểm số trong tất cả các thí sinh dự thi, kể cả những học sinh chuyên Anh đến từ những trường danh tiếng như Amsterdam.
“Với em, cuộc thi Olympic tiếng Anh lần này không chỉ là cơ hội để rèn luyện năng lực ngoại ngữ mà hơn thế, em có thêm kinh nghiệm về sự vấp ngã và đứng lên để không mất niềm tin vào chính mình,” Linh nói.
Bí quyết học ngoại ngữ: Tự tạo môi trường giao tiếp
Bí quyết để đạt hiệu quả cao trong môn tiếng Anh, nhất là kỹ năng nói, theo Linh đơn giản là nghe nhiều và nói thật nhiều, trong đó quan trọng nhất là phải có môi trường tiếng Anh.
“Nhiều bạn nghĩ để có môi trường tiếng Anh phải giao tiếp với người nước ngoài. Tất nhiên điều đó sẽ rất tốt nhưng hoàn toàn có thể tự tạo môi trường tiếng Anh với bạn bè. Em may mắn có một người bạn thân hơn tuổi em và hai chị em khi nói chuyện chỉ dùng tiếng Anh”, Linh chia sẻ.
Cũng theo Linh, việc cố gắng tự tạo môi trường tiếng Anh nhiều khi cũng mang lại cho em không ít phiền toái khi việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đã thành thói quen.
“Ở lớp, đôi lúc các bạn tỏ ra không thích vì em nói tiếng Anh. Khi đó, em thực sự cảm thấy hơi buồn và tủi thân. Em chỉ nghĩ đơn giản là lớp chuyên Anh, nếu cùng cố gắng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thì sẽ tạo được môi trường ngoại ngữ để tất cả cùng rèn luyện. Đấy cũng là một cách học tập rất hiệu quả”, Linh tâm sự.
Không chỉ trong giao tiếp, Linh cũng tự tạo môi trường tiếng Anh quanh mình như nghe nhạc, xem phim, đọc truyện… bằng tiếng Anh.
Mỗi khi gặp một từ mới, em cẩn thận đánh dấu, đồng thời tìm tất cả các từ liên quan, gần nghĩa… ghi lại và dán cạnh từ đó.
“Em mới học thêm phương pháp mới từ một người bạn là học theo từ điển. Mỗi khi rảnh, em sẽ học một từ kèm theo tất cả các cụm từ liên quan, phái sinh từ từ đó. Nhưng phương pháp này đòi hỏi phải cực kỳ kiên nhẫn và dễ bị loạn lên. Tuy mới áp dụng nhưng em cũng bị loạn không ít lần,” Linh cười tươi nói.
Cuộc thi Olympic Tiếng Anh trung học cơ sở thành phố Hà Nội lần thứ 6, năm học 2015-2016 thu hút sự tham gia của hơn 1.200 thí sinh từ 327 trường thuộc 30 quận huyện trên địa bàn thủ đô.
Trải qua hai vòng thi được thiết kế theo tiêu chuẩn khảo thí quốc tế kiểm tra toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, cuộc thi đã lựa chọn được 221 em thí sinh xuất sắc nhất để trao giải.
Trong đó, có 12 thí sinh đạt giải nhất, 40 thí sinh đạt giải nhì, 83 thí sinh đạt giải ba và 86 thí sinh đạt giải khuyến khích.
Cuộc thi cũng trao 15 giải tập thể cho các tập thể đạt thành tích có nhiều tiến bộ trong phong trào Olympic Tiếng Anh và có nhiều học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi.