Võ Nguyễn Thảo Ngân (sinh năm 2004) hiện là sinh viên năm nhất, ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương. Năm 2022, Ngân là một trong 5 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, Thảo Ngân chia sẻ một số phương pháp ôn tập môn Ngữ văn trong giai đoạn nước rút, giúp thí sinh đạt kết quả tối ưu.
Thảo Ngân là một trong 5 thí sinh đạt 10 điểm môn Văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: NVCC. |
Hệ thống kiến thức cũ thay vì học kiến thức mới
Thảo Ngân nhận định giai đoạn này, các sĩ tử đã ít nhiều sở hữu cho mình "vốn" văn học riêng. Vì vậy, trong giai đoạn nước rút, thí sinh không nên tập trung quá nhiều vào việc giải đề hay nạp kiến thức mới, thay vào đó là ôn tập lại kiến thức đã học và tìm hiểu cách áp dụng vào từng dạng đề.
"Việc ôn tập thường xuyên sẽ giúp thí sinh nhớ kiến thức. Khi đối diện với bất kỳ dạng đề nào, thí sinh cũng sẽ tìm được cách xử lý hiệu quả", Ngân chia sẻ.
Thời điểm này năm ngoái, Ngân tập trung xem lại toàn bộ các đề thi Ngữ văn đã giải, đồng thời hệ thống lại các kiến thức trọng tâm của từng phần bằng sơ đồ tư duy.
Theo Ngân, điều quan trọng, thí sinh cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Sau đó, để lấy điểm cao, thí sinh cần học thêm thêm các vấn đề nâng cao như so sánh tác phẩm, lý luận văn học. Để làm được việc này, Ngân thường đọc thêm các sách văn học liên quan, tìm dẫn chứng có tính cập nhật, thời sự để vận dụng vào bài làm.
Chiến thuật ôn thi từng phần
Ở phần Đọc hiểu, Thảo Ngân cho rằng không khó để đạt điểm cao phần này nếu thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản. Theo Ngân, bài Đọc hiểu thường bao gồm 4 câu, trong đó, 2 câu đầu nằm ở mức độ dễ, đọc kỹ ngữ liệu sẽ tìm được câu trả lời.
Hai câu tiếp theo có độ khó tăng dần, yêu cầu thí sinh phải biết liên tưởng, vận dụng kết hợp các thông tin từ ngữ liệu và ý kiến cá nhân. Ở phần này, Ngân cho rằng thí sinh nên ôn tập các kiến thức về phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, nắm chắc định nghĩa, dấu hiệu nhận biết.
Với câu nghị luận xã hội ở phần Làm văn, theo kinh nghiệm của Ngân, nội dung ôn của câu này không giới hạn. Dạng đề này thường có 2 loại, gồm nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về hiện tượng xã hội. Thí sinh nên ôn tập dấu hiệu nhận biết, phương pháp làm bài, chú ý vào trải nghiệm sống, thế giới quan của bản thân.
"Các bạn nên thường xuyên xem thời sự, đọc báo để thế giới quan thêm phong phú. Điều này cũng giúp các bạn có thêm dẫn chứng mới mẻ, hấp dẫn trong bài nghị luận xã hội", Ngân nói.
Ngoài ra, thí sinh cần rèn cách xác định đúng từ khóa, luận đề, từ đó đặt ra những câu hỏi tại sao, như thế nào... để triển khai bài làm của mình.
"Một điều cần lưu ý, khi làm bài nghị luận xã hội, thí sinh cần trình bày các lý lẽ đi kèm với dẫn chứng minh họa. Điều này sẽ giúp lập luận thêm phần sắc bén và thuyết phục hơn. Cuối cùng, thí sinh đừng quên rút ra bài học cho bản thân", Ngân chia sẻ.
Thí sinh cần nắm chắc kiến thức của mọi tác phẩm thay vì học tủ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Câu nghị luận văn học ở phần Làm văn chiếm gần nửa số điểm. Vì vậy, Ngân lưu ý thí sinh cần phân bố nhiều thời gian nhất để hoàn thành.
Theo Ngân, để làm tốt phần này, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của mọi tác phẩm thay vì học tủ, bởi việc này có tỷ lệ rủi ro khá cao, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khi làm bài nếu "lệch tủ".
Các kiến thức nền tảng cần nắm chắc bao gồm tác giả, hoàn cảnh sáng tác, chủ đề, phong cách nghệ thuật của tác giả, nội dung, nghệ thuật, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Đối với từng tác phẩm, Ngân thường hệ thống qua các kiến thức trọng tâm/luận điểm, từ đó vận dụng vào các dạng đề khác nhau. Bên cạnh đó, Ngân thường tìm mối liên hệ với các tác phẩm khác để so sánh, đối chiếu, làm nổi bật nét đặc sắc của tác phẩm đề bài yêu cầu.
"Đây là bí quyết giúp bài làm của mình trở nên đặc biệt hơn, thể hiện được kiến thức văn học của bản thân", Ngân chia sẻ.
Rèn kỹ năng khi làm bài thi
Trong quá trình ôn tập, luyện đề, Ngân cho rằng việc giới hạn thời gian làm một đề tương tự khi thi thật sẽ giúp thí sinh rèn luyện kỹ năng làm bài thi.
"Điều này giúp mình phân bố thời lượng cho các phần một cách hợp lý, làm quen không khí phòng thi, từ đó hạn chế áp lực thời gian", Ngân chia sẻ thí sinh nên dành 15-20 phút cho phần Đọc hiểu, 20-25 phút cho bài nghị luận xã hội và thời gian còn lại cho bài nghị luận văn học.
Theo kinh nghiệm của bản thân, Ngân cho rằng khi luyện đề, thí sinh nên rèn thói quen gạch chân các từ khóa để trả lời trọng tâm, chính xác, hạn chế việc bị lạc đề. Bên cạnh đó, thí sinh cũng phải tập trình bày sạch sẽ, dễ nhìn. Đây sẽ là điểm cộng khi người chấm bài dễ dàng nắm được các ý chính mà thí sinh trình bày.
Ngoài ra, theo Ngân, việc chuẩn bị sức khỏe tốt cũng là yếu tố giúp thí sinh đạt điểm cao. Bên cạnh đó, thí sinh cần rèn tâm lý ổn định, tránh áp lực, căng thẳng. Ngân ví dụ ngay cả khi gặp dạng đề "lạ" hoặc khó, thí sinh nên giữ bình tĩnh, sau đó sẽ tiến hành các bước phân tích, tìm từ khóa và triển khai bài làm.
"Khi bước vào phòng thi, các bạn nên tạm thời gạt bỏ căng thẳng, áp lực để tập trung sức lực vào bài làm. Cứ làm hết mình, làm đúng với những gì mà mình đã chuẩn bị, bạn sẽ đạt được kết quả như mong đợi", Ngân chia sẻ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.