Đó cũng là những kỷ niệm sâu sắc, đáng tự hào nhất trong cuộc đời của họ. Hai cô gái ấy, có bà Đàm Thị Loan (đã mất) và bà Lê Thi, nay đã bước qua tuổi 90. Dù ở độ tuổi này nhưng bà Lê Thi vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Những ngày cả nước đang chuẩn bị cho 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bà lại càng bận rộn hơn với công việc của mình.
Theo chân đoàn công tác của phường Hàng Bài đến thăm và tặng quà hai vợ chồng giáo sư Lê Thi, phóng viên lại có dịp được ôn lại những năm tháng không bao giờ quên.
Nhờ cách mạng, bà Lê Thi đã gặp được ý trung nhân. |
Bà Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, sinh năm 1926 trong gia đình nho học, có bố là cố giáo sư Dương Quảng Hàm, một trí thức nổi tiếng dạy Việt văn và sử Việt Nam ở trường Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ).
Bà được học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (trường THCS Trưng Vương hiện nay), khi đó, trường nữ sinh khép kín với xã hội bên ngoài, nên việc tiếp cận làn gió cách mạng là vô cùng khó khăn. Năm 16 tuổi, là khi bà Lê Thi và một số người bạn được tiếp cận thông tin về Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc qua những tờ rơi truyền tay nhau. Để lấy tiền ủng hộ Việt Minh, các nữ sinh này đã bí mật tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ ủng hộ Hội truyền bá Quốc ngữ. Đầu năm 1945, bà Lê Thi chính thức trở thành chiến sĩ Việt Minh, hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ cứu quốc.
Ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời bà Lê Thi. Nhắc đến sự kiện này, mắt bà ánh lên niềm xúc động pha lẫn tự hào. Cuốn phim tư liệu cuộc đời lật lại từng khoảnh khắc. Bà Lê Thi khi đó mới 19 tuổi cùng chị em trong Hội Phụ nữ cứu quốc nhập vào đoàn biểu tình của phụ nữ Liên khu 1, vừa đi vừa hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Ủng hộ Việt Minh!”.
Bà Lê Thi kể, việc tôi được chọn kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập là hoàn toàn ngẫu nhiên, không hề được báo trước. Đang đứng trong hàng thì có người nói: “Các cô cử một người lên kéo cờ”. Tôi đang đứng ở ngay đầu hàng, các đồng chí trong hàng đều nói “Thi lên đi”. Đang lưỡng lự thì trên gọi, dưới thúc, tôi “đánh liều” bước lên. Khi còn là học sinh trường Đồng Khánh, chiều nào tôi cũng phải cùng một bạn kéo cờ Pháp.
Thế nhưng, hồi đó có ý chống đối nên kéo cờ lúc nào cũng trong tình trạng cái cao, cái thấp, nhiều khi cố ý làm dây cờ bị tắc tị. Còn bây giờ, đứng trước lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, làm một nhiệm vụ trọng đại mà không được tập trước... thấy run quá! Đang miên man trong dòng suy nghĩ thì có tiếng nói cắt ngang: “Chuẩn bị kéo cờ”. Tôi vội vàng nói với chị du kích người Tày: chị thấp chị nâng cao cờ lên, em cao hơn sẽ kéo. Hai chị em thỏa thuận vội vã rồi kéo cờ. Đến khi lá cờ đã lên cao, tung bay trong bản nhạc Tiến quân ca tôi mới dám thở phào”, bà Lê Thi bồi hồi.
Đại diện phường đến thăm hỏi, tặng quà gia đình bà. |
Với truyền thống nền nếp gia đình, cùng với kinh nghiệm qua những năm tháng nghiên cứu về gia đình và giới, bà Lê Thi đã bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học về bình đẳng giới, tổ chức các chương trình thu hút được đông đảo chị em tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, bà đã có hơn 10 đầu sách nghiên cứu về gia đình và giới. Bên cạnh đó, bà còn là chủ biên của nhiều cuốn sách khác. Bà Lê Thi đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba.