Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh gốc Việt 'vượt mặt' thực tập ở Google

Cô gái 22 tuổi là một trong những sinh viên may mắn ở Séc được nhận vào Google làm thực tập sinh.

Tào Ngọc Thúy, 22 tuổi, đang học thạc sĩ tại Đại học Kinh tế (University of Economics ) ở Prague, Cộng hòa Séc. Thúy sinh ra ở Việt Nam, đến năm 3 tuổi thì gia đình chuyển sang CH Séc định cư. Vừa qua, Thúy ứng tuyển vào làm thực tập sinh ở Google, qua nhiều vòng phỏng vấn, cô gái gốc Việt đã nhận được giấy báo trúng tuyển.

“Để có được giấy báo trúng tuyển của Google là một quá trình chuẩn bị rất dài. Qua quá trình ấy, tôi cũng đã học được rất nhiều thứ, đặc biệt là kỹ năng ứng tuyển. Khoảnh khắc Google gọi cho tôi thông báo đã trúng tuyển, tôi như bị "đơ", không dám tin vào tai mình nữa. Sau khi định thần lại thì tôi mới nhảy lên sung sướng, cảm giác quá tuyệt vời”, Thúy chia sẻ.

Trong suốt những năm đại học, Thúy tham gia các hoạt động ngoại khóa để có được những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.

Thúy nghĩ rằng, mình nên tận dụng mọi cơ hội mở ra trước mắt. Khi thấy Google đăng tuyển thực tập sinh, Thúy đã quyết định thử. Quan trọng hơn, cô gái 22 tuổi cho rằng Google là một nhà tuyển dụng lớn, thực tập ở Google sẽ đem đến cho cô rất nhiều cơ hội, kỹ năng quyết định đến công việc và cuộc sống của cô sau này.

“Thực tập ở Google không phải đến để pha trà, rót cà phê, mà thực tập sinh sẽ phải lao động nghiêm túc như các nhân viên Google khác”, Thúy nói.

Là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới, vào Google thực tập là khát khao của hàng vạn sinh viên. Chỉ tính riêng hè năm 2012, Google đã nhận hơn 40.000 đơn ứng tuyển làm thực tập sinh.

“Tôi không rõ vị trí của mình có bao nhiêu người ứng tuyển. Tôi nghĩ, điều khiến tôi trở thành ứng viên được nhà tuyển dụng yêu thích là kinh nghiệm và khả năng cạnh tranh. Tôi không ngại thử thách và luôn sẵn sàng đối mặt với những điều mới mẻ. Đặc biệt là các kinh nghiệm tôi có được từ các hoạt động trước đây phù hợp với vị trí mà tôi ứng tuyển.

Theo tôi, các bạn sinh viên nên tìm hiểu về loại công việc mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp, trong quá trình học ở trường thì cố gắng tham gia các hoạt động để nâng cao các kỹ năng cần thiết cho công việc đó. 

Ví dụ, ở đại học, tôi tham gia một tổ chức của sinh viên có tên Model United Nations, tôi chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện cho 200 sinh viên. Tôi sẽ không bỡ ngỡ khi tổ chức các sự kiện cho các khách hàng của Google sắp tới”, Thúy chia sẻ.

Suốt những năm trung học, Thúy tham gia nhiều cuộc thi văn học. Dành chiến thắng trong một cuộc thi do Liên minh châu Âu tổ chức, Thúy đã có cơ cơ hội tham quan Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ở trường đại học, Thúy luôn đạt điểm trung bình học tập cao nhất trường và nhận học bổng 3 năm liên tiếp.

Thúy (áo trắng) và bạn bè.

Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng

Không chỉ dựa vào may mắn để được “ông lớn” Google để mắt tới, Thúy đã có một quá trình chuẩn bị cho phỏng vấn một cách nghiêm túc. Đầu tiên là tìm hiểu qua những bạn từng phỏng vấn ở Google về các câu hỏi họ thường đặt. Tiếp đó, nghiên cứu các câu hỏi và cách trả lời qua internet.

Thúy tìm một học sinh cũ của trường hiện đang làm việc tại Google được 7 năm để nhờ anh này thực hiện một cuộc phỏng vấn thử. 

Sau đó, cô tìm kiếm các video liên quan đến công việc đang ứng tuyển để xem họ làm việc như thế nào, họ cung cấp dịch vụ gì, lợi nhuận đến từ đâu…. Khi nộp đơn ứng tuyển, Google gửi cho ứng viên một một danh sách các gợi ý cần chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, Thúy chuẩn bị mọi thứ theo các gợi ý đó.

“Đừng lo lắng, bình tĩnh, tự tin trả lời các câu hỏi. Câu trả lời nên ngắn và đúng trọng tâm câu hỏi. Mỗi câu hỏi, hãy cố gắng nói về suy nghĩ của bạn, quan điểm của bạn về vấn đề đó, bởi cái họ muốn nghe không phải là câu trả lời đúng, mà họ đang muốn tìm hiểu xem bạn là người như thế nào, quan điểm của bạn ra sao.

Google đánh giá các ứng viên theo mô hình STAR. Có nghĩa là mỗi câu hỏi của nhà tuyển dụng, ứng viên sẽ trả lời bằng một tình huống minh họa (Situation) liên quan đến câu hỏi đó, tình huống ấy cần thể hiện rõ rằng với mỗi nhiệm vụ (Task) bạn sẽ làm những gì (Action) và kết quả (Results) đạt được như thế nào.

Khi được hỏi vì sao bạn chọn Google để thực tập, đừng nên trả lời vì bạn yêu thích Google bởi tất cả mọi người đều trả lời như thế. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao bạn nếu bạn chỉ ra lý do vì sao bạn chọn vị trí đang ứng tuyển.

Một điều quan trọng nữa là đừng chỉ nên thụ động nghe câu hỏi từ nhà tuyển dụng, mà bạn cũng có thể hỏi ngược lại họ. Những câu có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng như: “Các ông đã tạo dựng Google như thế nào?”, Trước đây các ông làm gì?…”. Ai cũng thích được kể về chính họ”, nữ sinh gốc Việt chia sẻ.

Thúy chia sẻ, bố mẹ cô cũng như bao người Việt Nam khác, tự hào về con cái nhưng ít khi thể hiện điều đó. Trước đây, Thúy cũng hay nghĩ rằng cô chưa đủ giỏi, rằng còn nhiều sinh viên khác giỏi hơn cô. Vì thế, Thúy cũng chưa từng tin là mình sẽ chinh phục được Google.

“Lời khuyên của tôi là các bạn hãy tự tin vào bản thân, tự tin rằng mọi điều đều có thể xảy ra. Và điều quan trọng nhất là hãy chủ động. Các công ty lớn như Google sẽ không tìm đến bạn, mà chính bạn phải là người tìm đến họ”, Thúy khẳng định.

Nữ du học sinh Canada xinh đẹp, thạo 3 ngoại ngữ

Tuyết Nhung cho biết, cô có thể giao tiếp bằng ba thứ tiếng: Anh, Đức và Tây Ban Nha. Nhờ thành tích học tập tốt, 9X hiện còn làm trợ giảng cho các giáo sư tại trường.


http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/283200/nu-sinh-goc-viet-vuot-mat-nhieu-ung-vien-vao-thuc-tap-o-google.html

Theo Kim Minh/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm