Tôi gặp nữ sinh Phạm Thị Huế tại dãy phòng trọ lụp xụp của thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Tại phòng trọ ẩm thấp, tôi được nghe em kể về hành trình 5 năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, từ lúc còn là học sinh THPT đến giờ khi là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Em Phạm Thị Huế (21 tuổi) sinh ra và lớn lên tại xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Năm 2012, khi còn là học sinh lớp 10, sau một cơn đau bụng, Huế phát hiện một khối u gan phải có kích thước 4x5 cm. Sau đó, em phải vào bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật cắt u.
Đau đớn chưa dừng lại ở đó, ngay sau ca phẫu thuật, các bác sĩ thông báo cơ thể Huế mang tế bào ung thư. Kể từ đó, cứ đều đặn 2-3 tháng, em lại phải đi làm các xét nghiệm.
![]() |
Phạm Thị Huế (phải) đã có 5 năm chống chọi với căn bệnh ung thư. |
Tiếp đó, Huế được chỉ định truyền hóa chất tại bệnh viện K2 khi gan em có khối u.
Đầu năm 2014, khi xét nghiệm thấy khối u có kích thước 1x1 cm ở vị trí mà Huế đã được phẫu thuật trước đó, cứ 10 ngày, em phải truyền hóa chất một lần. Từ đó, em xác định cuộc đời này sẽ sống chung với căn bệnh ung thư quái ác.
“Dù mang trong mình án tử nhưng em vẫn luôn tin phép màu sẽ đến với mình. Biết đâu, sau một giấc ngủ, em sẽ khỏi bệnh và khỏe mạnh như bao người khác xung quanh.
Em vẫn luôn tự động viên mình như vậy để có động lực mỉm cười với mọi thứ”, Huế chia sẻ với phóng viên.
Dù sức khỏe kém đi rất nhiều, Huế vẫn nỗ lực hoàn thành tốt chương trình THPT. Sau khi tốt nghiệp, vì điều kiện gia đình khó khăn và sức khỏe Huế không tốt, người thân đều khuyên em nên nghỉ học để ở nhà điều trị.
Tuy nhiên, Huế đã tìm mọi cách thuyết phục gia đình đồng ý cho mình dự thi đại học. Cuối cùng, ông trời cũng không phụ lòng người, năm 2014, em thi đỗ vào ĐH Nông nghiệp I Hà Nội với số điểm 20,5.
Khi được hỏi vì sao Huế lại chọn ngành học Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, thuộc khoa Công nghệ thực phẩm, em nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh: “Em biết một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư gan là do con người sử dụng quá nhiều thực phẩm bẩn.
Vì vậy em muốn học ngành này để nghiên cứu về vệ sinh an toàn thực phẩm, mong có thể hạn chế tối đa những người mắc phải căn bệnh quái ác như em".
![]() |
Dù mắc căn bệnh quái ác, Huế vẫn luôn lạc quan vào cuộc sống. |
Huế tâm sự thêm: “Đã 5 năm kể từ ngày em sống chung với căn bệnh này. Giờ đây, em là sinh viên năm thứ 3. Nhiều khi, em cũng thấy cảm ơn đời vì vẫn cho em sức khỏe để ngày ngày lên giảng đường nghe thầy cô giảng bài, gặp những người bạn tốt.
Hồi năm nhất, em thường xuyên phải truyền hóa chất nên tóc rụng hết. Do đó, ngày nào lên giảng đường, em cũng phải đội tóc giả. Lúc đầu, em cũng sốc lắm nhưng rồi cũng quen.
Em thường xuyên phải xin phép nghỉ học để đến bệnh viện. Thầy cô và các bạn biết bệnh nên cũng thông cảm và thường xuyên chia sẻ, động viên em. Vì thế, em có thêm động lực để vượt qua những cơn đau về thể xác và tinh thần, nỗ lực hơn trong học tập”.
Thầy Vũ Ngọc Huyên - Trưởng phòng công tác Học sinh sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - cho hay: “Phạm Thị Huế là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trong khoa Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, thuộc khoa Công nghệ thực phẩm.
Ngay từ khi em mới học năm nhất, phòng công tác học sinh sinh viên đã quan tâm và giúp đỡ nữ sinh. Năm 2016, chúng tôi xin cho em một học bổng trị giá 15 triệu.
Hiện tại, quỹ học bổng của Nhật Bản cũng tài trợ cho em Huế 650.000 đồng/tháng”.