Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nữ sinh học 4 trường đại học nhưng không mất phí

Liên tục giành học bổng, Nguyễn Minh Hòa có cơ hội học tập và trải nghiệm miễn phí tại 4 trường đại học ở Việt Nam, Hàn Quốc, Hà Lan và Pháp.

Minh Hòa hiện là du học sinh bậc Thạc sĩ, chuyên ngành Logistics tại TU Delft, Hà Lan. Ảnh: NVCC.

“Nếu ai đó hỏi rằng có cần tài chính dư dả để đi du học, khám phá được nhiều vùng trời mới không, mình có thể tự tin trả lời là không”, Nguyễn Minh Hòa (25 tuổi, quê Hải Phòng) chia sẻ với Znews.

Minh Hòa hiện là du học sinh bậc thạc sĩ, chuyên ngành Logistics tại Đại học Công nghệ Delft - TU Delft, Hà Lan. Cô cũng vừa trở về từ khóa trao đổi tại trường Mines Paris - PSL (Pháp), trước đó từng là sinh viên Đại học Ngoại thương và học trao đổi tại Đại học Hannam (Hàn Quốc). Cả 4 trường, Minh Hòa đều chưa từng mất học phí.

Liên tục giành học bổng

Năm 2016, Minh Hòa trúng tuyển chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương. Điều kiện gia đình ở mức cơ bản, Hòa đặt ra mục tiêu lấy học bổng khuyến khích học tập cho từng kỳ học.

Nữ sinh nhớ như in lần đầu tiên được nhận học bổng 7,2 triệu đồng. Đó cũng là mở màn cho hành trình miệt mài học tập để liên tục có tên trong danh sách nhận học bổng xuất sắc của Hòa. Ngoài học bổng khuyến khích của trường, Hòa chinh phục thêm một số học bổng doanh nghiệp, giật giải ở cuộc thi sinh viên.

“Số học bổng nhận được, mình chi trả học phí và vẫn đi làm thêm để chi trả phí sinh hoạt ở Thủ đô", Hòa chia sẻ.

Cuối năm 3, Hòa giành học bổng AIMS dành cho sinh viên Đông Nam Á, đến Hàn Quốc học trao đổi trong 4 tháng tại Đại học Hannam. Bên cạnh học phí được miễn, Hòa được trường tài trợ phần lớn ký túc xá, kèm theo 4-5 chuyến đi vòng quanh Hàn Quốc.

Ba năm trước, Hòa tốt nghiệp thủ khoa với GPA 4/4, trở thành sinh viên đầu tiên của Ngoại thương ra trường với điểm tuyệt đối.

Sau gần 2 năm đi làm, nữ sinh Hải Phòng tiếp tục nung nấu ước mơ du học thạc sĩ châu Âu với 0 đồng.

“May mắn, mình nhận được 2 suất học bổng toàn phần trị giá 3 tỷ đồng/2 năm (bao gồm học phí và sinh hoạt phí) từ TU Delft (Hà Lan) và trường Kinh doanh BI (Na Uy). Cuối cùng, mình đã chọn TU Delft và theo đuổi tới bây giờ", Minh Hòa cho biết.

Năm 2 thạc sĩ, nữ sinh tiếp tục giành cơ hội đến Pháp qua một khóa trao đổi ngắn hạn. Trải nghiệm học tập tại trường Mines Paris - PSL, Hòa được miễn hoàn toàn học phí. Thậm chí, cô còn được hỗ trợ chi phí đi lại.

Chọn du học muộn hơn

Chia sẻ về ước mơ du học, Minh Hòa cho biết cô đã ấp ủ từ thời cấp 3. Nhưng khi học hết phổ thông, nhận thấy hồ sơ chưa đủ cạnh tranh cho học bổng toàn phần, điều kiện tài chính gia đình lại hạn chế, cô quyết định tạm gác lại để chuẩn bị cho mục tiêu du học bậc thạc sĩ.

Theo Hòa, các học bổng toàn phần dành cho sau đại học sẽ nhiều hơn so với bậc cử nhân.

Dù vậy, tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, thay vì làm hồ sơ xin học bổng du học luôn, Minh Hòa lại quyết định làm việc tại công ty đa quốc gia về lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trong vòng 2 năm.

“Mình muốn định hướng nghề nghiệp rõ nét hơn thông qua trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mình cũng chậm lại để chuẩn bị bộ hồ sơ mạnh hơn, cạnh tranh hơn cho học bổng toàn phần", nữ sinh chia sẻ.

Theo Hòa, nếu không có học bổng mà vẫn quyết tâm đi du học, các bạn sẽ khá vất vả vì phải cân bằng thời gian học và làm thêm để trang trải cuộc sống.

Chính vì vậy, nếu nhận thức được điều kiện gia đình và độ cạnh tranh của hồ sơ, các bạn hoàn toàn có thể quyết tâm du học bằng học bổng toàn phần, dù có thể phải muộn hơn một chút để chuẩn bị kỹ càng.

Bước ra vùng an toàn

Thực tế, ở bậc thạc sĩ, Minh Hòa đang lựa chọn học trái ngành so với bậc đại học. Cô theo đuổi chương trình Vận tải, Cơ sở hạ tầng và Logistics - yêu cầu kiến thức nền liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, khác 70-80% so với ngành Kinh tế đối ngoại.

“Nhưng bù lại, mình có kinh nghiệm làm việc 2 năm và đã xác định đi sâu vào nghiên cứu Logistics. Quyết tâm theo đuổi ngành này, mình chấp nhận thử thách, bước ra vùng an toàn của bản thân để học những thứ mới", nữ sinh chia sẻ.

du hoc anh 5

Minh Hòa học thạc sĩ trái ngành so với bậc đại học. Ảnh: NVCC.

Nhưng dù đã chuẩn bị tinh thần, thời gian đầu, Hòa vẫn bị choáng ngợp và lo sợ bởi thiếu kiến thức nền tảng về công nghệ, kỹ thuật. Một loạt các phần mềm phân tích dữ liệu mới, các mô hình nghiên cứu định lượng, Hòa chưa từng gặp trước đây. Kinh nghiệm liên quan đến lập trình của cô cũng bằng 0.

“Mình cũng choáng ngợp với nhịp độ làm việc dày đặc từ tuần học đầu tiên và yêu cầu cao của giảng viên. Thậm chí thời gian đầu, mình chỉ hiểu được 20-30% kiến thức thầy cô truyền đạt, việc qua môn cũng không phải điều đơn giản", Hòa nhớ lại quãng thời gian từng muốn bỏ cuộc.

Nhưng thật may, cô đã không làm thế. Nữ sinh sốc lại tinh thần, bớt lo lắng về cả hành trình mà tập trung lấy lại gốc cho từng môn học. Không nhớ bao nhiêu buổi, Hòa đã đến thư viện từ tờ mờ sáng và ra về lúc thành phố đã lên đèn. Cô chủ động tiếp cận giảng viên trong giờ ra chơi để đặt câu hỏi, nhờ bạn bè giải thích thêm chỗ chưa hiểu.

“Dần dần, mình cũng lấy lại đà, biết phương pháp học tập hơn và việc học cũng bớt khó khăn”, Hòa kể.

Hòa vẫn dạy tiếng Anh online, làm ‘mentor' học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, nhưng cô cũng kịp có một nghiên cứu được xuất bản ở Hà Lan và đi thực tập trong quá trình học. Hòa cũng tham gia các hoạt động của khoa, giành suất trải nghiệm Business Tour đến các công ty logistics ở Estonia và Phần Lan.

Cô cũng có cơ hội thăm thú 10 nước châu Âu như Luxembourg, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha... Cứ khoảng 1-2 tháng, cô lại đi thăm thú một nước. Càng đi, Hòa lại càng thấy những hiểu biết của bản thân thật nhỏ bé và có động lực phấn đấu, học hỏi nhiều hơn.

“Vật đấy. Chúng mình chẳng bao giờ biết được tiềm năng của bản thân đến đâu, có thể đi bao xa nếu không dám đặt mục tiêu và cố gắng hết sức. Mình biết ơn các cơ hội học bổng và trân trọng giá trị của việc chăm chỉ học tập, rèn luyện quãng thời gian trước. Để bây giờ, mình đang được sống trong chính ước mơ ngày đó", Minh Hòa chia sẻ.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Có học bổng 100% thì du học vẫn tốn vài trăm triệu đồng mỗi năm

Dù được nhận học bổng 100% lên đến vài tỷ đồng, nhiều du học sinh ở Mỹ cho biết gia đình vẫn phải tốn thêm khoản chi phí lớn mỗi năm.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm