Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh kể chuyện bị sàm sỡ và sự độc ác của dân mạng

Thay vì an ủi cô gái không may bị sàm sỡ trên đường, nhiều người lại bình luận khiếm nhã, coi câu chuyện này như trò vui giải trí.

Trang confession của một trường đại học mới đây gây chú ý khi chia sẻ bài viết nữ sinh bị sàm sỡ trên đường về ký túc xá.

“Khoảng 18h15 ngày 12/12, khi đi ngang qua đoạn đường về ký túc xá, 2 thanh niên chạy xe máy đã dùng đôi tay hèn hạ chạm vào mông mình. Mình thật sự hốt hoảng, không thốt nên lời và cũng không kịp suy nghĩ chuyện gì vừa xảy ra.

Mình hy vọng ký túc xá lắp thêm đèn, có dân phòng nhiều hơn để những trường hợp như vậy chấm dứt”, nhân vật chính trong câu chuyện chia sẻ.

Nhiều dân mạng thể hiện sự đồng cảm, đồng thời nhắc nhở các cô gái nên cẩn thận khi đi ra đường buổi tối. Một số khác cho rằng sự việc xảy ra ngoài phạm vi ký túc xá, vì vậy không thể trách ban quản lý, mà cần đề cao cảnh giác hơn.

Tuy nhiên, sự việc nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý, gây tranh cãi khi xuất hiện không ít bình luận khiếm nhã, khiến người trong cuộc bị tổn thương.

su vo cam cua nguoi dung mang anh 1
Câu chuyện nữ sinh bị sàm sỡ gây chú ý trên mạng.

Nhiều bình luận thiếu suy nghĩ

"May quá mới chỉ sờ mông", "Cứ tưởng bị hiếp dâm rồi", "Chắc mặc quần áo ngắn nên mới bị sàm sỡ", “Đây là bản năng của con trai”... là những bình luận khiếm nhã xuất hiện ngay dưới bài đăng của nữ sinh.

Nhiều người ngay lập tức bày tỏ sự bức xúc. Họ cho rằng dù câu chuyện có thật hay không, dân mạng (trong đó phần lớn là sinh viên đại học) không thể viết những lời thiếu suy nghĩ, tôn trọng người khác như vậy.

Thu Nguyen cho hay: "Tôi không cần biết confession này có đúng hay không, bạn nữ yêu cầu ban quản lý ký túc xá có quá đáng hay không, nhưng việc nhiều người đem nó ra đùa cợt rất khó chấp nhận. Nếu thiếu nữ bị sàm sỡ ấy là bạn gái hay người thân của mình thì các bạn có dám nói thế không?”.

Đồng quan điểm, Tú Nguyễn cảm thấy thất vọng với "anh hùng bàn phím". Theo thành viên này, những bình luận như "Do cách ăn mặc", "Do bạn đen thôi" hay đổ lỗi cho bản năng đàn ông đều thể hiện sự thiếu hiểu biết.

Không ít người nhận định thanh niên hiện nay có lối suy nghĩ khá lệch lạc, dù được giáo dục đàng hoàng. Một số bạn trẻ có xu hướng hành xử, thái độ cười cợt trên nỗi đau của người khác.

Sau sự việc này, chính admin của trang confession trên cũng phải lên tiếng thông báo lại nội quy của nhóm và không cho phép các thành viên có lời lẽ không phù hợp.

Dân mạng ngày càng vô cảm?

Mạng xã hội hiện trở thành nơi bày tỏ tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của nhiều người, nhất là giới trẻ.

Trước thực trạng này, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em - cho hay: "Nếu coi Facebook là nhà thì bất kể cái gì trong đó cũng phản ánh một phần con người bạn.

Nếu biết cách, bạn sẽ chắt lọc thông tin hữu ích cho việc học tập, giao lưu bạn bè. Ngược lại, khi dùng tùy tiện, đôi khi hậu quả để lại rất lớn”.

su vo cam cua nguoi dung mang anh 2
Hình ảnh cô gái dùng áo ngực bịt mũi, chạy ra từ đám cháy từng gây tranh cãi trên mạng.

Không phải ngẫu nhiên một nữ sinh lớp 11 (trường THPT Thanh Oai B, Hà Nội) nhận định cuộc sống có hai mặt kể từ khi xuất hiện mạng xã hội trong bài văn của mình.

Theo cô gái này, mạng xã hội có điểm tốt, điểm xấu. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ rơi vào tình trạng “sống ảo” và thiếu đi những kỹ năng mềm. Họ trở nên rụt rè, thậm chí vô cảm trong từng bình luận mà không nhận ra điều đó.

“Chẳng những gây hại về sức khỏe, sản phẩm công nghệ này còn tác động tiêu cực đến tinh thần của con người, đặc biệt là giới trẻ.

Chúng ta đã không còn quá xa lạ với trường hợp con giết cha, cháu giết bà hay trẻ vị thành niên có thai trước hôn nhân chỉ vì tò mò, học đòi những thứ trên mạng”, nữ sinh viết.

Trước đó, hình ảnh cô gái dùng áo ngực bịt mũi, chạy ra từ đám cháy lớn tại quán karaoke trên phố Nguyễn Khang (Hà Nội) từng gây tranh cãi.

Đáng nói, nhiều người chỉ chú ý tới chiếc “khẩu trang đặc biệt” và thản nhiên bình luận khiếm nhã về thiếu nữ này như “Không biết áo cởi sẵn hay cháy rồi mới cởi”, “Cầm áo ngực chạy ra chứng tỏ không phải người đàng hoàng”... Họ thậm chí không quan tâm đến việc cô vừa thoát chết hay tâm lý hoảng loạn ra sao.

Sau đó, nhân vật chính đã phải lên tiếng trên trang cá nhân, mong dân mạng ngừng suy đoán, để cô được yên.

“Họ không quan tâm tới mạng sống của tôi mà chỉ chăm chăm xem ảnh rồi đánh giá. Tôi không chết vì giặc lửa thì cũng chết vì sự vô cảm của một số người”, thiếu nữ nói.

Đám cưới của cặp 'đũa lệch' tại Hà Tĩnh

Nhiều dân mạng hài hước cho rằng chú rể quê Hà Tĩnh chính là phiên bản Việt của nhân vật Anandi trong bộ phim truyền hình nổi tiếng "Cô dâu 8 tuổi".

Hàn Triệt

Bạn có thể quan tâm