Theo New York Post, hành tinh đặc biệt - được đặt tên là KIC-7340288 b - có kích thước bằng 1,5 lần Trái Đất, nằm trong vùng có thể sinh sống, không phải dạng khí như các hành tinh khổng lồ trong Hệ Mặt Trời.
Để phát hiện các ngoại hành tinh, Michelle Kunimoto dành rất nhiều thời gian quan sát, phân tích dữ liệu thu thập được từ sứ mệnh Kepler. Ảnh: Global News. |
"Nó cách Trái Đất khoảng 1.000 năm ánh sáng. Vì vậy, chúng ta không thể đến đó trong thời gian ngắn. Đây là phát hiện thú vị vì đến nay, chỉ có 15 hành tinh nhỏ nằm trong vùng con người có thể sống, được tìm thấy trong dữ liệu của Kepler (kính viễn vọng tự hành của NASA có nhiệm vụ tìm kiếm hành tinh mới), Kunimoto - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Vật lý Thiên văn ĐH British Columbia (UBC) - chia sẻ.
Tại hành tinh này, một năm dài 142 ngày, quay quanh ngôi sao khác với quỹ đạo 0,444 đơn vị thiên văn (AU, khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời), chỉ lớn hơn quỹ đạo của sao Thủy trong Hệ Mặt Trời và bằng 1/3 quỹ đạo Trái Đất.
Trong 16 ngoại hành tinh mới do Michelle Kunimoto phát hiện, hành tinh nhỏ nhất chỉ bằng 2/3 kích thước Trái Đất và là một trong những hành tinh nhỏ nhất được tìm ra từ dữ liệu của Kepler đến nay. 15 hành tinh còn lại lớn hơn, lớn nhất gấp 8 lần Trái Đất.
Kích thước của 17 ngoại hành tinh mới, so sánh với sao Hỏa, Trái Đất và sao Hải Vương. Ảnh: Michelle Kunimoto. |
Đây không phải lần đầu tiên Kunimoto công bố phát hiện các hành tinh mới. Trong thời gian học đại học tại UBC, cô từng khám phá 4 hành tinh.
Hiện tại, nghiên cứu sinh Kunimoto dùng "phương pháp quá cảnh" để tìm kiếm hành tinh trong số 200.000 ngôi sao được quan sát trong sứ mệnh Kepler.
"Khi hành tinh đi qua trước ngôi sao, nó sẽ chặn một phần ánh sáng làm giảm độ sáng của ngôi sao đó. Bằng cách tìm ra các điểm nhỏ như vậy, gọi là quá cảnh, bạn có thể bắt đầu ghép các thông tin về hành tinh như kích thước hay quỹ đạo của nó", Kunimoto giải thích.
Nữ sinh 25 tuổi cũng hợp tác với Henry Ngo, cựu sinh viên UBC, để có hình ảnh sắc nét về các ngôi sao làm tâm quỹ đạo của những hành tinh mới, nhằm xác định chúng có ảnh hưởng tới dữ liệu Kepler ghi lại không.
Ngoài ra, Michelle Kunimoto quan sát hàng nghìn hành tinh do Kepler phát hiện bằng "phương pháp quá cảnh" và sẽ tái phân tích dữ liệu các ngoại hành tinh một cách tổng thể.