Nữ sinh liên tiếp tự tử: Trách nhiệm thuộc về ai?
Chuyên gia tâm lý cho biết, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh cũng như thày cô giáo không có kiến thức về tâm lý học sinh, các kỹ năng xử lý vấn đề cũng không có, nên không ngăn được những vụ tự tử của học sinh.
PGS Văn Như Cương (hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) và chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) đã có những chia sẻ về vấn đề này.
PGS Văn Như Cương: Thiếu giáo dục kỹ năng sống
Trước kia thanh niên không có tâm lý muốn nổi trội, muốn khẳng định mình, đề cao mình nhưng hiện nay, tâm lý thích nổi trội là khá phổ biến và hết sức lệch lạc. Tâm lý của một bộ phận các em học sinh hiện nay không ổn định và đi lệch về mặt nhận thức.
Các học sinh ngày nay có thể vì một biến động nào đó và do tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài nên các em không chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà hành động thật. Đó là những yếu tố không lành mạnh.
PGS Văn Như Cương. |
Tôi buồn là ở trường hợp này, em học sinh lại sẵn sàng cắt tay mình tại lớp để dọa nạt chính giáo viên đứng lớp. Vì vậy cần định hướng các em vai trò của mỗi cá nhân trong một tập thể.
Tâm lý học sinh ở mỗi thời điểm xã hội khác nhau nên các phụ huynh và thầy cô giáo phải biết được điều đó. Xã hội phát triển cũng xuất hiện nhiều quan hệ mới nên cần phải thận trọng.
Qua thông tin trên báo chí thì thấy rằng cô giáo là một giáo viên giỏi nhưng trong tính cách cũng có điều gì đó hơi bột phát. Cần phải xem xét trong mối quan hệ giữa cô giáo và học sinh có điều gì đó khúc mắc.
Trong trường hợp này không đến mức em học sinh Y. phải có hành động cắt tay mình ngay tại trường.
Qua sự việc này cũng là kinh nghiệm cho cô giáo. Trong một tập thể học sinh có những em có cá tính khác nhau. Đối với những sự việc, bản thân giáo viên cho là bình thường đối với các học sinh có cá tính đặc biệt thì cần phải xem xét. Các em này có vấn đề tâm lý thì khi có sự cố gì đó sẽ có những hành động bột phát một cách bất ngờ.
Đối với các thầy cô giáo, bây giờ không thể dùng ngôn ngữ xúc phạm tới học sinh vì các em đều đã nhận thức được điều đó. Các thầy cô giáo cũng không được đay nghiến, chỉ trích các em ngay trên lớp.
Trước kia, thầy cô có thể mắng học sinh một cách nặng lời nhưng bây giờ thì không được làm điều đó. Thầy cô cần có thái độ tôn trọng học sinh chứ không được áp đặt.
Vì vậy, ngoài những giờ giảng trên lớp, các thầy cô giáo cần phải quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em học sinh đang có nhiều biến động.
Giáo dục của chúng ta về kỹ năng sống cho học sinh hiện đang rất kém và đang là khâu yếu nhất. Quan trọng không phải là điểm số mà cần giáo dục để học sinh nhận ra cái nào là sai, cái nào là đúng, cái nào là trung thực, cái nào là giả dối.
Trong quá trình giáo dục chúng ta cần lồng ghép những câu chuyện thực tế giúp các em có hành vi ứng xử đúng đắn hơn.
Ngoài những giờ học, nhà trường và giáo viên còn có các giờ ngoại khóa để giáo dục các em về kỹ năng sống, thái độ sống tôn trọng môi trường, thiên nhiên và có cách hành xử đúng đắn với những người xung quanh.
Nữ sinh cắt tay ngay tại trường. Ảnh Huỳnh Hà. |
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất: Trẻ đang mất dần phương hướng giáo dục
Các cháu trong các vụ tự tử vừa qua đều đang ở lứa tuổi vị thành niên, vì vậy tâm lý thường sáng nắng chiều mưa. Lúc này các cháu có thể đồng ý với cha mẹ thầy cô nhưng sau đó có thể thay đổi quyết định ngay lập tức.
Ngoài ra, các cháu còn bị ảnh hưởng bởi phim ảnh và internet. Các cháu thấy rằng trên phim ảnh, internet cũng có trường hợp như thế và cũng làm theo mà không biết hậu quả như thế nào.
Các cháu làm để khẳng định bản thân. Ở lứa tuổi này các cháu muốn khẳng định rằng mình dám làm mọi việc mà không nghĩ đến hậu quả sự việc gây tổn thương, rắc rồi cho bao nhiêu người.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất. |
Trong khi đó, những người lớn ở đây là các phụ huynh, giáo viên lại không để ý việc các em đang có những biến động tâm lý lớn như vậy. Trong khi đó, các em học sinh này lại cho rằng hành động của mình như thế mới là anh hùng.
Thực tế hiện nay, nhiều người lớn hiện nay không có kiến thức về tâm lý học sinh, các kỹ năng xử lý vấn đề này cũng không có.
Ví dụ: trường hợp của cô giáo Em ở Quảng Ngãi, cô giáo này đã quá cứng nhắc khi không cho em Y. phát biểu ý kiến của mình dù rằng em Y. đã rất nhiều lần có thái độ như vậy. Cô giáo Em vẫn chưa lường trước được việc học sinh có ý định liều lĩnh như vậy để xử lý trước.
Cái sai ở đây của cô giáo là không nhìn thấy rằng việc làm của mình khiến cho tâm lý của học sinh ức chế bực tức. Người giáo viên ngoài chuyên môn giảng dạy cần phải hiểu được tâm lý của học trò.
Ở đây giáo viên vẫn cho mình là người lãnh đão là người quyết định chứ không xác định học trò là trung tâm nên không cho cháu Y. phát biểu. Nếu chỉ cần cô giáo cho cháu Y. phát biểu một câu thì sự việc có lẽ đã khác ngay.
Tuy nhiên vẫn phải khẳng định việc làm của các cháu ở đây là sai chứ không phải là đúng do tâm lý bất ổn định. Bản thân cháu Y. đang thiếu hiểu biết và cũng không có trách nhiệm với bản thân mình.
Trong trường hợp này, người lớn phải hướng dẫn và giúp đỡ các em chứ không phải là có quyền áp đặt theo suy nghĩ của người lớn. Các em không chịu nghe theo suy nghĩ đó nên để xảy ra những việc đáng tiếc như vậy.
Ở đây, người lớn không chỉ dùng quyền mà phải còn hành động bằng cả trách nhiệm đối với các em. Sự việc, cô giáo đuổi học sinh ra khỏi lớp hoặc không cho học sinh phát biểu là dùng quyền lực đối với học sinh chứ chưa phải làm việc dựa trên trách nhiệm.
Việc dạy kỹ năng sống cho các em trong trường học đang có một lỗ hổng rất lớn. Vì vậy, khi gặp trở ngại thì các em này lại không biết phản ứng như thế nào.
Ở đây không nên cho rằng các em làm như thế là hỗn láo mà cần thấy rằng chính bản thân các em đang rất thiệt thòi vì không được giáo dục từ chính gia đình.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng nhiều gia đình đang coi đồng tiền là thước đo giá trị. Họ cho rằng, ai có tiền thì được trọng vọng, ai không có tiền thì bị khinh rẻ. Các phụ huynh thì cứ lo kiếm tiền, nhưng lại không biết thế nào là đủ mà quên đi trách nhiệm đối với con cái.
Phụ huynh đang phó mặc con cái cho nhà trường, gia sư thậm chí là ôsin để giáo dục. Vì vậy các cháu đang mất dần phương hướng đi do không có ai giáo dục.
Ở độ tuổi này, các cháu không có sự giáo dục của gia đình thì sẽ nhặt nhạnh ở mỗi nơi một chút. Những điều các cháu tiếp nhận được đều là những cái các cháu rất thích thú nhưng không phải bao giờ cũng là những cái đúng.
Thiên Trường
Theo Infonet