Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh lớp 11 đề nghị Chủ tịch Quốc hội chú trọng giáo dục

Thực trạng người dân sính ngoại, đổ xô đi du học hay vấn đề thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường được Nguyễn Tú Anh trình bày trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong buổi tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội ngày 28/8, khuôn khổ Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ IV, năm 2016, nhiều đại biểu đã mạnh dạn nêu quan điểm và đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến thanh niên.

Đưa ra quan điểm về thực trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay, Nguyễn Tú Anh - đại biểu trẻ nhất - khiến Đại hội ấn tượng. Tú Anh hiện là học sinh lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.

Nữ sinh cho rằng, bản chất của học sinh Việt Nam rất thông minh, tư duy sáng, lại cần cù, chăm chỉ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng nhiều bạn chọn con đường du học và xây phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây khiến nhiều người lo lắng.

“Phụ huynh Việt Nam rất sính ngoại, họ theo phong trào đổ xô đưa con đi du học mà không để tâm đến chất lượng giáo dục. Đảng và Nhà Nước cần có thêm nhiều chính sách thu hút người tài để sau khi du học, họ trở về đóng góp cho quê hương Việt Nam”, Tú Anh nói.

nu sinh de nghi Chu tich Quoc hoi anh 1
Nguyễn Tú Anh phát biểu trong buổi tiếp kiến Chủ tích Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, cô còn đề nghị Chủ tịch Quốc hội cùng Đảng và Nhà nước chú trọng hơn đến giáo dục, đặc biệt là việc đào tạo các ngành Sư phạm để nâng cao chất lượng giảng dạy tại Việt Nam sau này.

Vấn đề thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường cũng được Tú Anh đề cập trước Chủ tịch Quốc hội. Cô cho rằng, hiện nay, Việt Nam mở quá nhiều trường đại học mà không chú trọng đào tạo.

“Các trường mở ra chủ yếu để làm kinh tế, điều này khiến sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt. Họ đánh trúng tâm lý của người Việt Nam là muốn cho con em mình vào đại học bằng được, nhưng đại học không phải là con đường duy nhất”, Tú Anh phát biểu.

Tâm đắc với bài phát biểu của nữ sinh Nghệ An, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Học đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. Nếu tất cả đều học đại học thì sự phân công lao động xã hội sẽ bất hợp lý. Những người không có điều kiện theo đại học có thể chọn học nghề, tìm công việc phù hợp cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Theo bà Ngân, hiện nay, một số học sinh, sinh viên lựa chọn con đường học tập và làm việc ở nước ngoài khiến nhiều người lo lắng. Nguyên nhân có thể do tâm lý sính ngoại, Nhà nước không có chính sách thu hút nhân tài, chất lượng giáo dục không tốt khiến họ học xong không ai dùng được hay đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội.

“Chúng ta đang đào tạo cái chúng ta có, chứ không phải đào tạo cái xã hội cần. Những câu hỏi Tú Anh đặt ra rất sâu sắc mà người lớn phải trả lời, các cấp, Chính phủ, Quốc hội phải trả lời để làm sao người dân không sính ngoại và có cách nhìn nhận đúng về học tập và làm việc trong nước.

Trên thực tế, có nhiều người trượt đại học trong nước lại đi du học nước ngoài và khi học xong về vẫn không có việc làm”, nữ Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

nu sinh de nghi Chu tich Quoc hoi anh 2
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với nhiều đại biểu thanh niên Việt Nam tại sảnh tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh những quan điểm sâu sắc của Tú Anh, PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi - PGS trẻ nhất của ngành Dược, giảng viên ĐH Y Dược TP HCM - đưa ra những đề nghị thiết thực với Chủ tịch Quốc hội.

Ủng hộ chính sách đổi mới căn bản và toàn diện của ngành giáo dục nhưng vẫn lo ngại một số bất cập hiện nay, PGS.TS Tươi hy vọng Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp hơn. Không để tình trạng năm nay thế này, năm sau lại khác gây tâm lý hoang mang cho sinh viên, học sinh.

“Hiện nay, chúng ta đã xã hội hóa giáo dục.Tuy nhiên, mong Đảng và Nhà nước nên cân nhắc lĩnh vực nào nên xã hội hóa, lĩnh vực nào không để chúng ta đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cung cấp trong xã hội. Như thời gian qua, ngành Y Dược xã hội hóa có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ Y tế và ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân sau này”, cô tâm huyết nói.

Cuối bài phát biểu, nữ PGS trẻ nhất ngành Dược hy vọng Đảng và Nhà nước tạo môi trường thuận lợi về vật chất lẫn cơ chế để các trí thức, nhà khoa học trẻ sáng tạo, dấn thân vào các lĩnh vực nghiên cứu mới, khó, lớn. Đồng thời có chính sách thu hút các trí thức trẻ, chuyên gia từ nước ngoài về phát triển quê hương, các cán bộ trẻ từ các thành phố lớn về các tỉnh để rút ngắn khoảng cách phát triển.

Ngày 28/8, 445 đại biểu thanh niên tiêu biểu đến từ mọi miền của Tổ quốc đã tham gia lễ báo công tại lăng Bác và tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đây là sự kiện trong nằm khuôn khổ Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm tuyên dương các điển hình tiên tiến trong giai đoạn 2014-2016, đề ra các giải pháp thực hiện tốt Chỉ thị 05 trong thời gian tới. 

Sau lễ báo công, 445 thanh niên có cuộc tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phòng Diên Hồng, Hội trường Ba Đình, tòa nhà Quốc hội.

Tại đại hội lần này, có 159 đại biểu nữ (chiếm 35,73%) và 286 đại biểu nam (chiếm 64,27%). Các đại biểu có độ tuổi trung bình là 33 tuổi, đại biểu lớn tuổi nhất là 35 tuổi, trẻ tuổi nhất là 15 tuổi. Có 292 đại biểu có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 65.62%), 58 đại biểu có trình độ sau đại học (chiếm 13,03%), 13 đại biểu là tiến sĩ (chiếm 2.92%), 2 đại biểu là phó giáo sư (chiếm 0,45%).

Người trẻ mất cả gia tài vì thiếu kỹ năng làm việc nhóm

Không có kỹ năng làm việc nhóm là một trong những điểm yếu mà các bạn trẻ thường gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, gây nên những thất bại.

Hoàng Như

Bạn có thể quan tâm