Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh mất một chân vượt qua nỗi đau bằng nụ cười

Nhiều người bảo, điều họ chú ý nhất ở Lệ Thu không phải đôi chân khiếm khuyết do tai nạn, mà ở nụ cười rạng rỡ của cô gái này.

Những ngày qua, khoảnh khắc thiếu nữ một chân chống nạng, cười rạng rỡ chụp ảnh selfie truyền cảm hứng cho không ít dân mạng. Người ta khâm phục cô bởi nghị lực phi thường đằng sau nụ cười luôn nở trên môi.

Với cô gái này, lạc quan dường như đã trở thành phương thuốc “tự chế” để chữa lành mọi nỗi mất mát.

Nhân vật chính trong bức hình gây chú ý trên mạng là Nguyễn Thị Lê Thu (sinh năm 1994, quê Bắc Giang). 9X hiện là sinh viên năm cuối, Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

nu sinh mat mot chan chup anh selfie anh 1
Nụ cười luôn thường trực trên môi nữ sinh quê Bắc Giang.

“Gặp Thu, cười cả ngày!”

Đó là lời nhận xét từ thầy cô, bạn bè thân thiết của nữ sinh quê Bắc Giang không may mất đi một chân do tai nạn năm 10 tuổi. Đúng như chia sẻ, Thu đón khách trong ngày mưa gió, với đôi nạng gỗ quen thuộc và nụ cười tươi rói.

Mất đi một chân từ khi còn nhỏ khiến Thu chưa đủ nhận thức được biến cố lớn đối với cuộc đời mình.

Kể lại quãng thời gian buồn, Lệ Thu ngắc ngứ: “Mình gặp tai nạn khi đưa em đi chơi. Trong lúc hai chị em đang xem máy xúc làm việc, không may mình bị cả máy đè vào chân. Mình ngất xỉu, đến khi tỉnh lại đã thấy thiếu đi một chân rồi”.

nu sinh mat mot chan chup anh selfie anh 2
Học tập là niềm vui hàng đầu của cô gái nhỏ giàu nghị lực.

Hôn mê, đau đớn trong bệnh viện một tháng trời, vậy mà ngay sau khi xuất viện, cô bé 10 tuổi năm ấy liền đòi bố mẹ cho đi học ngay vì nhớ trường, nhớ lớp.

Giai đoạn đó, 9X gặp không ít khó khăn về cả thể chất lẫn tâm lý. Thu kể, do chưa có xe lăn, cô phải bò lê dưới sàn làm mọi việc.

Một thời gian sau đó, nữ sinh tập trị liệu gập duỗi chân, học chống nạng. Có những lần chân đau đến nỗi cô òa khóc nức nở ngay trước mặt mọi người.

“Thời gian đầu, nhiều bạn ở lớp hay chỉ trỏ nói mình không bình thường, khiến mình buồn và áp lực lắm. Những lúc như vậy, mình chỉ biết trùm chăn khóc”, Thu tâm sự.

Sau này, khi bạn bè lớn, hiểu chuyện hơn, họ lại giúp đỡ Thu rất nhiều trong học tập và cuộc sống.

Nhà làm nông nghiệp, đôi lần nhìn bố mẹ vất vả đồng ruộng quanh năm mà không giúp được gì, Thu lại càng quyết tâm lấy việc học tập làm mục tiêu phấn đấu của bản thân.

“Có lần, nhìn mẹ vừa xách nước vừa khóc để dập đám cháy giữa sân. Mình bất lực lắm, vì không thể làm gì ngoài việc đứng nhìn. Bởi vậy, mình nghĩ phải làm cái gì đó có ích và để bố mẹ bớt lo lắng”, Lệ Thu nhìn xa xăm kể lại.

“Phương thuốc” chữa lành vết thương

Biến cố lớn không đánh đổ được cô gái nhỏ ngày nào. Hiện tại, Lệ Thu là sinh viên năm cuối khoa Kế toán, Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

"Tôi đã giảng dạy em Thu hai học phần và hiện hướng dẫn luận văn cho em. Thu có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, nhưng luôn có ý thức, nỗ lực cao. Kết quả học tập của em Thu đã khẳng định được sự cố gắng, tự tin đó.

Bản thân tôi và các thầy cô cũng tạo điều kiện, động viên để Thu có thể có được công việc xứng đáng, phù hợp với em khi ra trường" - cô Nguyễn Thị Tô Phượng, trưởng bộ môn Kế toán tài chính, Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội, cho hay.

Vượt qua mặc cảm, Lệ Thu lớn lên, trở thành cô gái xinh đẹp với nụ cười rạng rỡ. Chính bạn bè cũng gán cái mác “hay cười” cho Thu.

Thu kể, có lẽ bản thân cô cười nhiều hơn kể từ khi gặp biến cố. Đó là nụ cười với hy vọng mọi người không lo lắng và cũng là cách tự động viên bản thân của nữ sinh đến từ Bắc Giang.

Hình ảnh cô gái chống nạng đi bộ tới lớp không còn xa lạ với nhiều người, từ bác bảo vệ đến cô văn thư và cả giáo viên giảng dạy tại trường.

Từ năm nhất đại học đến năm cuối, học kỳ nào Thu cũng giành được học bổng. 9X còn chủ động tham gia vào các hoạt động ở trường với vai trò cán bộ lớp.

nu sinh mat mot chan chup anh selfie anh 3

Cô giáo hướng dẫn luận văn trao đổi bài cùng Lệ Thu.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong thời gian đi học, Thu tranh thủ làm thêm tại một công ty từ năm thứ hai đại học. Nữ sinh còn làm gia sư cho nhiều học sinh tiểu học vào buổi tối.

“Ngày nào cũng vậy, một buổi mình đi học, buổi còn lại đi làm, tối tranh thủ dạy thêm khoảng 3-4 buổi/tuần. 9h tối mới về tới phòng trọ nhưng mình cảm thấy vui vì cuộc sống còn có ý nghĩa”, cô gái quê Bắc Giang nói.

Theo nữ sinh viên, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh đều tạo điều kiện tốt nhất để 9X có thể hoàn thành tốt việc học tập.

Hiện tại, Lệ Thu trong thời gian hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo kết quả ban đầu, 9X gần như chắc chắn sẽ ra trường với tấm bằng giỏi trong tay. Đó là điều không phải ai cũng làm được khi ở trong hoàn cảnh này.

Trong tương lai, Lệ Thu hy vọng tìm được công việc phù hợp, ổn định. Xa hơn, cô khát khao có một chiếc chân giả tốt để có thể đi lại, thậm chí chạy nhảy bình thường như bao người khác.

“Ước mơ của mình vẫn còn xa vời lắm! Mình chỉ nghĩ nỗ lực ở hiện tại sẽ được đền đáp trong tương lai. Vì vậy, không có lý do gì để mình không cười mỗi ngày”, Thu nói.

Sự lạc quan giúp Thu có thể vượt qua nỗi đau lớn trong đời. Nụ cười của cô còn truyền cảm hứng cho không ít người khác. Nhưng ít ai biết, đằng sau đó là nghị lực mạnh mẽ, phi thường.

Nụ cười rạng rỡ của nữ sinh mất một chân Vượt qua nhiều mặc cảm, Lệ Thu lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp với nụ cười rạng rỡ. Chính bạn bè cũng gán cái mác “hay cười” cho Thu.

Nữ sinh mất một chân rạng rỡ chụp ảnh selfie

Hình ảnh thiếu nữ vừa chống nạng, vừa hào hứng tạo dáng chụp ảnh khiến dân mạng cảm thấy ấm lòng và khâm phục nghị lực sống của cô.


Hàn Triệt

Ảnh, video: Hoàng Hiệp

Bạn có thể quan tâm